Hạnh phúc ngay cả khi nhận án oan tử hình: Sức mạnh của lòng vị tha
Ở tuổi 28, Sunny Jacobs bị kết án tử hình cho một tội danh không hề tồn tại và đã mất 5 năm trong số 17 năm tù bị biệt giam. Cuộc sống của bà đã hoàn toàn đảo lộn, các con của bà được đưa vào hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng, và hành trình đi tìm công lý cho bà mất gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, Jacobs đã tìm được chìa khóa để chữa lành, tha thứ, và tìm thấy niềm vui ngay cả khi đơn độc.
Nhìn Jacobs đang sống một cuộc sống hạnh phúc cùng chồng là Peter Pringle và thú cưng của họ tại vùng nông thôn Ireland bình dị, những người cùng cảnh ngộ như được thắp lên tia hy vọng.
Không mất nhiều thời gian để mọi người liên hệ với Jacobs, hỏi bà làm thế nào để họ được như bà ấy. Jacobs nói: “Họ muốn giống chúng tôi. Họ thấy rằng chúng tôi đã có thể vượt qua tất cả để tìm thấy tình yêu, sự hàn gắn và hạnh phúc”. Nhưng có vẻ không ai nghĩ đến sự tha thứ.
“Chúng ta sẽ quen với cuộc trò chuyện kiểu đó, ‘Tha thứ ư?’ họ sẽ hỏi với một giọng điệu vô cùng khinh khỉnh. ‘Nó giống như một từ chửi thề’. Vì vậy, bà nói với họ: ‘Tha thứ là một hành động vị kỷ bạn làm cho chính mình bởi vì không ai khác có thể làm điều đó cho bạn. Họ không thể giải phóng bạn khỏi những gì bên trong chính bạn.’”
Thực tế, sự tha thứ có lẽ là điều mà hầu hết chúng ta trên thế giới ngày nay cần có vì đại dịch đã khiến cả thế giới đảo ngược và mọi người tràn ngập sự giận dữ, sợ hãi, bối rối và đều muốn có ai đó để đổ lỗi, Jacobs nói.
Câu chuyện của Sunny
Sunny Jacobs là một người phụ nữ nhu mì có hai con nhỏ, bà là người bảo vệ và chăm sóc động vật. Không ai có thể tưởng tượng được rằng bà sẽ phạm tội liên quan đến bạo lực. Bà đã bị kết tội giết hai cảnh sát và bị đưa vào nhà tù có cấp độ an ninh cao nhất dành cho phụ nữ.
Chồng bà cũng bị kết án tử hình, và không giống như Jacobs, bản án của ông không bao giờ thay đổi; ông bị hành quyết vào năm 1990. Con gái của họ còn quá nhỏ nên ngoài việc được ông bà cho xem những bức ảnh của mẹ mình thì em không biết bà Jacobs là mẹ của em.
Tuy nhiên, Jacobs sớm bắt đầu hành trình tìm kiếm sự tha thứ một cách đáng ngạc nhiên trong thời gian thụ án, vào thời điểm bà nhận ra cuộc đời mình là thuộc về mình.
Bà chia sẻ: “Tôi phát ốm với chính mình. Tôi chưa bao giờ biết tức giận, sợ hãi hay bối rối cho đến khi tôi bị mắc kẹt trong một tảng bê tông, và tôi nghĩ: ‘Đây sẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời mình’”. Sau đó, bà nghĩ lại: “Mình sẽ không để họ làm cho mình đau khổ.”
Jacobs nói rằng đầu tiên, bà nhận ra mình có thể lựa chọn giữa hy vọng và tuyệt vọng, sau đó bà chọn hy vọng một cách sáng suốt. Niềm tin của bà vào Chúa đã giảm dần khi bà bị tuyên án nhưng bà cũng xem xét lại sự lựa chọn đó, “bởi vì không có Chúa thì thật sự rất vô vọng,” bà nói.
Bởi vì bà không phải làm việc nên rất rảnh rỗi, bà quyết định sẽ sử dụng thời gian này để bồi dưỡng tâm linh cho chính mình. Bà đọc Kinh Thánh, và khi có 30 phút xem tivi, bà chuyển sang chương trình yoga.
“Có một quá trình, và nó bắt đầu bằng cuộc hành trình với tâm hồn của tôi tại nơi đây. Đó là cách duy nhất tôi có thể đối mặt với hoàn cảnh. Tâm hồn của tôi tồn tại nơi đây trong cuộc hành trình của mình, và đây là một chặng đường tôi cần học hỏi,” cô nói. “Và tôi đã phải thoát ra khỏi cách nghĩ của riêng mình để làm được điều đó. Nếu tôi bắt đầu coi tâm hồn của tôi đang trong hành trình của mình, tôi cũng phải xem những người cai tù cũng là những linh hồn đang trong hành trình của họ, đó là cuộc hành trình của họ vì một lý do nào đó, và thẩm phán, công tố viên, những người trong phiên tòa, và kẻ giết người cũng vậy. Tất cả đều ở đây trong hành trình lớn để học bất cứ điều gì chúng ta cần phải học.”
“Và vì vậy, tôi đã có thể làm được điều mà bây giờ tôi gọi là tha thứ cho họ, về cơ bản đó chỉ là sự sẵn sàng buông bỏ tất cả những thứ khác, sự tức giận, sự hận thù, và tất cả những thứ còn lại, bởi vì tôi giờ đây đã xem họ như những linh hồn trên hành trình của họ. Và đó cũng là con đường dẫn đến sự tự tha thứ.”
Thói quen tập yoga, thiền và cầu nguyện của Jacobs cho phép bà giải tỏa tâm trí, cơ thể, tinh thần và kết nối với điều gì đó vĩ đại hơn. Và trong quá trình đó, bà đã khám phá ra nhiều tự do hơn bao giờ hết. Đó là một quá trình mà theo bà là bất kỳ ai cũng có thể áp dụng, ở bất kỳ đâu.
Tìm kiếm sự tha thứ
Sau 5 năm biệt giam, Jacobs đã thực hiện lần kháng cáo đầu tiên, bản án được chuyển đổi từ tử hình xuống tù chung thân, và sau đó bà chuyển đến khu giam giữ chung, và bà là tù nhân hạnh phúc nhất trong đó. Nhưng tìm kiếm sự tha thứ không phải một lần là có thể chữa lành. Trong khi Jacobs bị cầm tù, cha mẹ bà đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Đó là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời bà; bà mồ côi, và những đứa con của bà cũng mồ côi, chúng được gửi đến trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng. Chúng không thể đến thăm bà từ đó. Tha thứ là một quá trình và nó diễn ra liên tục, đặc biệt là khi một sự kiện lớn như kết án oan sai gây ra nhiều hệ luỵ như vậy.
Sau khi Jacobs được minh oan, cuối cùng bà đã tham gia vào hoạt động vận động nhân quyền và trở thành một nhà hoạt động chống lại án tử hình. Công việc này đã đưa đẩy bà đến Ireland và mọi người liên tục hỏi: “Bà đã gặp Peter Pringle chưa?”
Bà không biết gì về ông ta nhưng đã liên lạc và mời ông đến nói chuyện, sau đó bà phát hiện ra ông đã bị kết án oan và bị kết án tử hình trước khi được ân xá. Jacobs hỏi làm thế nào ông ấy vượt qua nó, và ông trả lời “yoga, thiền định và cầu nguyện.”
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, họ đã có một cuộc trò chuyện kéo dài 3 giờ về sự tha thứ, và khi gặp lại nhau vào lần tiếp theo lúc Jacobs đến thăm Ireland, họ bắt đầu hẹn hò. Cặp đôi hiện đã kết hôn và phân chia thời gian của họ giữa Ireland và Hoa Kỳ, và cùng nhau điều hành Tổ chức Sunny Center, nơi họ dạy những người bị án oan khác cách chữa lành vết thương lòng, chăm sóc họ và giúp kết nối họ với các dịch vụ.
Những vấn đề mới
Có một số tổ chức giúp trả tự do cho những tù nhân bị kết án oan sai, nhưng sự giúp đỡ thường chỉ khiến họ được tự do, còn các vấn đề khác thì không. “Nó chỉ mở ra một loạt các vấn đề khác mà bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng,” bà nói.
Jacobs nói thêm rằng những người được trả tự do vì lý do chính đáng cảm thấy như họ không thể nói với ai về những gì họ phải chịu đựng, bởi vì không ai có thể thực sự hiểu. Đó chính là một tổ hợp của những tình huống éo le có một không hai.
Ví dụ, Jacobs vào tù ở độ tuổi 20; bà đã là một người mẹ, một người vợ và là một người con. Khi trở về, bà đã 45 tuổi, một góa phụ, không còn cha mẹ, bà nội của một bé gái chưa từng gặp, và không có khả năng kiếm việc vì lý lịch của mình. Về mặt công nghệ, thế giới đã thay đổi mạnh mẽ. Bà không có kết nối với bất kỳ ai.
Và, không giống như những người được trả tự do sau khi mãn hạn tù, những người được trả tự do vì án oan không được hưởng cùng chế độ về nhà ở, việc làm, sức khỏe tinh thần và các dịch vụ khác dành cho các tù nhân được thả.
“Điều đó có vẻ thật ngược đời”, Jacobs nói. Bà đã vận động chính sách trong lĩnh vực này, cũng như bắt đầu mở rộng quỹ của mình để cung cấp một số dịch vụ, bao gồm cả thông qua Sunny Living Center ở Tampa, Florida.
May mắn thay, Jacobs đã rời khỏi nhà tù với động lực chia sẻ cho thế giới những phương pháp đã giúp bà vượt qua thử thách. Vì không có việc làm, bà bắt đầu dạy yoga; nó đã đưa bà ấy thoát khỏi tù ngục và sẽ giúp bà ấy cả khi ra tù.
Bà cũng bắt đầu kể về câu chuyện của mình và nhận ra rằng mọi người ở bất cứ đâu cũng có thể phải đối mặt với sự bất công và cần lòng vị tha trong cuộc sống — kể cả những đứa con của bà, cuộc đời chúng đảo lộn kể từ ngày bà nhận án tử hình.
“Có một điều sai trái xảy đến với bạn, điều này có ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình bạn, mẹ bạn, cha bạn. Nếu một người có con trước khi điều đó xảy ra, thì ảnh hưởng đến những đứa trẻ là rất kinh khủng,” bà nói.
“Nó đòi hỏi sự tha thứ cho những người trong hệ thống đã tham gia vào việc kết án oan bạn, nó đòi hỏi sự tha thứ cho bạn bè hoặc gia đình, những người có thể không tin bạn hoặc không giữ liên lạc vì họ xấu hổ hoặc bất cứ điều gì, nó đòi hỏi sự tha thứ cho những người trong tù khi bạn ở đó, những người đã gây khó khăn cho cuộc sống của bạn, lính canh, tù nhân. Nó đòi hỏi sự tha thứ cho những tổn hại về sức khỏe, thể chất, tinh thần của bạn”.
Jacobs nói, cuối cùng còn cần sự tha thứ cho bản thân, điều có thể sẽ đến cuối cùng vì mọi người chưa nhận ra điều đó là cần thiết và vì đôi khi tha thứ cho bản thân có thể khó hơn rất nhiều.
“Nhưng tha thứ là chìa khóa,” Jacobs nói. “Bạn có thể nhận được tiền bồi thường, cuối cùng bạn có thể có tiền, cuối cùng bạn có thể nhận các dịch vụ… nhưng sau cùng, nếu bạn không tìm cách tha thứ, nó sẽ vẫn nằm ở đó và che lấp cả cuộc đời bạn, bởi vì nó giống như một cái bóng đen tối bạn luôn mang theo”.
Một sự chuyển biến tích cực
Jacobs kể lại, vài năm trước, một luật sư đã kết nối Jacobs và Pringle với một người đã được trả tự do vì án oan, nhưng tình trạng người này không tốt lắm. Họ mời anh đến ở với họ tại ngôi nhà nhỏ hai phòng ngủ ở một vùng nông thôn Ireland trong một tháng. Nó giống như một chất xúc tác; họ có thể kết nối với anh và anh có thể nói chuyện một cách thoải mái. Và họ đã giúp anh khám phá ra một cảm giác về bản thân vượt ra khỏi quá khứ của anh, vượt ra ngoài vấn đề “được tự do sau một án oan”.
Đó là sự khởi đầu của Sunny Center Foundation. Trong những năm qua, nhiều người được thả tự do từ khắp nơi trên thế giới đã đến với cặp đôi và tìm thấy sự hàn gắn, sự công nhận và sự tha thứ, một không gian của sự đồng cảm, chia sẻ và bao dung.
Khi họ ở với Jacobs và Pringle, họ trở thành một phần của gia đình trong tháng đó. “Chúng tôi yêu cầu họ chọn hình thức đóng góp hàng ngày mà họ có thể thực hiện,” bà chia sẻ. Đó có thể là dắt chó đi dạo, rửa bát hoặc cho gà ăn.
“Bạn phải trở thành một phần của gia đình, bởi vì rất nhiều người, họ rất trẻ, họ không biết cảm giác thực sự là một phần của gia đình, họ đã từng như vậy với tư cách một đứa trẻ chứ không phải là người trưởng thành. Và dù sao thì nhiều trải nghiệm gia đình của họ cũng không tốt lắm, đó là điều khiến họ dễ bị tổn thương ngay từ đầu.”
Tuần đầu tiên, tất cả những gì Jacobs và Pringle làm là lắng nghe.
“Cuối cùng thì đó cũng là một cơ hội, một cơ hội để mọi người trút bỏ gánh nặng cho bản thân,” bà nói. “Bạn không cần phải giả vờ rằng mọi thứ đều ổn, bạn không cần phải giả vờ rằng bạn không sợ hãi khi đi vào một tòa nhà có rất nhiều người trong đó.”
“Những điều bạn sẽ không nói với bất kỳ ai — nhưng tại sao bạn lại nói với họ? Họ sẽ không hiểu.”
“Bạn có thể nói ‘Tôi bị hoảng sợ khi đến nơi công cộng’, bạn có thể nói ‘Tôi không thoải mái khi sử dụng bếp vì tôi sợ mình sẽ thiêu rụi ngôi nhà’, bạn có thể nói rằng ‘Tôi không thoải mái khi ở bên phụ nữ vì trường hợp của tôi xoay quanh điều gì đó đã xảy ra với phụ nữ’. Bạn có thể nói những điều này với chúng tôi, bởi vì họ biết rằng chúng tôi hiểu — chúng tôi đã từng ở đó.”
“Không có gì phải xấu hổ, bạn không cần phải trốn tránh,” bà nói. “Họ chỉ bắt đầu nói chuyện và mọi thứ cứ thế tuôn trào ra.”
Trong suốt thời gian lưu trú, Jacobs cho biết họ cũng làm việc với các tình nguyện viên, điển hình là phụ nữ trẻ, những người dạy mọi người cách hòa nhập xã hội trở lại. Đây là bước tối quan trọng và là dây cứu sinh.
“Khi mọi người lần đầu tiên ra ngoài, họ bị cô lập. Họ bị cô lập bởi tình hình tài chính của họ — bạn không có khả năng đi bất cứ đâu, thậm chí bạn không đủ tiền để đi xem phim. Bạn cũng bị cô lập bởi vị thế xã hội.” Bà ấy nói theo cách diễn đạt của ông Pringle thì: khi bạn mới ra tù, bạn không có điểm chung nào với những người bên ngoài.
“Bạn không có gì để nói chuyện với họ. Họ đang nói về công việc và ngôi nhà của họ, kỳ nghỉ và những đứa con của họ, nếu bạn vừa ra khỏi tù thì bạn không có gì để nói, và tất cả những gì họ muốn biết là, ‘trong tù thì như thế nào?’ Điều đó kéo dài thêm khoảng cách, nó không giúp kết nối,” bà nói. “Và trời ơi, bạn định hẹn hò như thế nào? Bạn không có tiền, bạn không có quần áo đẹp, bạn không thể đưa ai đó đi bất cứ đâu, bạn làm thế nào để gặp ai? Bạn định đi đâu?”
“Vì vậy, trước tiên chúng tôi để họ nói chuyện và chúng tôi tìm ra những điều mà họ cần chúng tôi hướng dẫn,” bà nói.
Tuần thứ hai, họ bắt đầu chia sẻ. Jacobs và Pringle kể những câu chuyện của chính họ và chia sẻ những gì hiệu quả với họ bởi vì không ai khác thực sự có thể đưa ra lời khuyên đó, chẳng hạn như kết nối lại với những đứa trẻ trưởng thành – những đứa con có thể cảm thấy bị phản bội khi bị bỏ rơi lúc còn nhỏ; làm thế nào để xây dựng lại mối quan hệ; làm thế nào để cảm thấy thoải mái trong cuộc sống một lần nữa. Họ học cách làm việc cùng nhau khi làm việc với Pringle và học cách nấu ăn khi chuẩn bị bữa ăn cùng Jacobs.
Jacobs nói: “Và luôn ở bên động vật”. Ở đó có chó, mèo, gà, ngỗng, và họ đã từng có những con dê khi họ có không gian. “Đó là cơ hội để trải nghiệm tình yêu vô điều kiện, bạn biết không? Yêu, để có thể mở lòng đón nhận điều đó mà không sợ bị thất vọng hay bị tổn thương, và đó là một điều rất to lớn.”
Sau đó, khi họ đã hòa nhập, họ chia sẻ quá trình tha thứ của riêng mình, bởi vì mặc dù mục tiêu cuối cùng có thể giống nhau, nhưng quá trình này khác nhau với mỗi người.
“Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo cách bạn muốn và bạn phải chấp nhận điều đó,” bà nói.
Nhờ có sự tha thứ, hàn gắn, công nhận và sự kết nối, khi rời đi, họ trở thành những con người khác trước khi họ đến. Họ thẳng thắn hơn, họ mỉm cười, họ nhìn thẳng vào mắt mọi người, có sở thích, bạn bè, hy vọng và ước mơ. Họ nhận ra rằng họ lựa chọn cách sống, lựa chọn sự tha thứ thay vì làm nạn nhân, và lựa chọn hy vọng thay vì vô vọng.
Jacobs nói: “Thật tuyệt khi được chứng kiến những sự chuyển biến. Chúng tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai không thay đổi.”
Trong tầm kiểm soát của bạn
Sau vị khách đầu tiên, Jacobs nhận ra rằng tất cả những gì người khách đó được chữa lành khi ở với họ, thì vài tháng sau khi về nhà, “bụi phép thuật đã tàn”, những người này vẫn sống cuộc sống nghèo khổ, không ai thuê họ làm việc, họ không thể tiếp cận các dịch vụ và bị cô lập về mặt xã hội. Lúc đầu, Jacobs cố gắng tự mình theo dõi từng người qua điện thoại thường xuyên, nhưng khi số lượng cựu học viên tăng lên 10, 20 rồi hàng chục, điều đó không còn khả thi nữa.
Một người ủng hộ công việc của cặp đôi này đề nghị họ tạo một nền tảng và sau đó, họ thuê một điều phối viên tiếp cận cộng đồng để theo dõi những người ở Hoa Kỳ. Quỹ tiếp tục phát triển và tất cả là một quá trình học hỏi, đặc biệt là trong năm qua họ chỉ thực hiện các cuộc gọi video từ xa với mọi người vì việc đi lại rất khó khăn.
Gần đây, Jacobs đã quay các video để chia sẻ trực tuyến, trả lời câu hỏi và chia sẻ lời khuyên, bởi vì sự tha thứ và chữa lành là điều mà mọi người cần trong đại dịch này.
Jacobs nói: “Rất nhiều lần mọi người nghĩ rằng tha thứ có nghĩa là ‘không sao đâu’, những gì họ đã làm với tôi là không sao, thậm chí bạn phải cho người đó biết. Để tôi nói cho bạn biết, những người được tha thứ, họ chẳng biết gì. Họ không biết điều đó. Không liên quan gì đến họ. Đó là sự tha thứ mà tôi nghĩ mọi người chưa hiểu.”
“Tất cả là vì bạn và những gì bạn muốn cho chính mình, bởi vì họ đã thành công trong việc xáo trộn cuộc sống của bạn, nhưng bây giờ người đó lại chính là bạn. Bạn đang tự làm hỏng cuộc sống của chính mình. Họ không làm điều đó, họ có thể thậm chí không nhớ đến bạn,” bà nói. “Bạn đang tha thứ, và bạn đang làm điều đó cho chính mình.”
“Và đó là điều bạn có thể thay đổi. Bạn không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ… bạn không thể kiểm soát hoàn cảnh bên ngoài, bạn không thể kiểm soát những gì sắp xảy ra tiếp theo, bạn không thể kiểm soát tương lai, nhưng ngay bây giờ, hôm nay, bạn có thể kiểm soát những gì diễn ra bên trong bạn. Bạn có thể quyết định rằng bạn sẽ có một ngày tốt đẹp. Và tôi thậm chí không quan tâm đến việc bạn có phải là tử tù hay không, bạn có thể quyết định rằng bạn sẽ có một ngày tốt lành”.
Jacobs tiếp tục: “Bạn có thể lựa chọn, và một khi bạn biết điều đó, bạn có thể làm được. Đó là điều bạn làm cho chính mình để có lại tình yêu, niềm vui và hạnh phúc”.
Bà nói thêm, điều này không có nghĩa là khi điều tồi tệ xảy ra, chúng ta không làm gì cả hoặc chúng ta không đấu tranh chống lại sự bất công, ngăn nó xảy ra với người khác một lần nữa. Chẳng hạn, bản thân Jacobs vẫn là người đứng lên chống lại án tử hình, và Quỹ mà cô gây dựng đang giúp những người được trả tự do vì án oan từng bước có được các dịch vụ mà các cựu tù nhân khác được hưởng.
“Nhưng tôi không cần phải mang trong mình sự tức giận và thù hận để làm điều đó,” bà nói.
Và thành thật mà nói, bà nói thêm, cơn giận sẽ không biến mất. Thỉnh thoảng, một điều gì đó sẽ xảy ra – chẳng hạn như cháu của bà bị ảnh hưởng bởi những hệ luỵ của việc bà bị kết án oan – Jacobs tức giận. Nhưng sau đó bà ấy tập yoga, thiền và cầu nguyện, và sau đó bà mới hành động để sửa sai.
“Tôi sẽ làm điều gì đó để giải quyết tình huống này, nhưng trước tiên tôi sẽ giải quyết cơn giận dữ này. Đó là điều khiến tôi lo lắng về những gì đang xảy ra ngày hôm nay.”
“Sự tức giận và sợ hãi diễn ra xung quanh mỗi ngày… Tôi thấy rất nhiều người đưa ra quyết định kiểu như: ‘Mình sẽ không chịu đựng được người này nữa’, hay trở nên vô cùng trầm cảm hoặc tự tử. Tôi thấy điều đó rất rắc rối vì những quyết định này được đưa ra từ sự tức giận và sợ hãi, và theo kinh nghiệm của tôi, đó thường là những quyết định không đúng đắn,” bà nói.
“Toàn bộ xã hội chúng ta bây giờ đều cần học tha thứ.”
Catherine Yang
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: