Hạnh phúc đích thực của sinh mệnh
Mùa hè năm đó, tôi và chồng đi thăm một người thân lớn tuổi, một người già bị bệnh tật hành hạ ba năm và đã trải qua vài lần phẫu thuật…
Khi chúng tôi đến nhà, ông đang lên cơn đau bệnh. Ông ngồi trên ghế trong bếp, quan sát và hướng dẫn con trai mình cắt gà. Khi ông nhìn thấy chúng tôi, đôi mắt mất hồn từ lâu đột nhiên sáng lên một cách kỳ lạ, khóe miệng cũng nở một nụ cười. Ông mời chúng tôi ngồi xuống bằng một giọng nói trong trẻo.
Chúng tôi ngồi trước mặt ông và lắng nghe ông thì thầm. Ba năm trước, ông được bệnh viện kiểm tra và phát hiện chỗ bộ phận dạ dày có khối u, ông phải phẫu thuật cắt bỏ. Sau ca mổ, ông thấy khỏe hẳn, hàng ngày đưa đón cháu đi học, tận hưởng niềm vui thú của người già bên con cháu. Khi cảm thấy bệnh tình không còn nghiêm trọng, ông quay trở về quê, làm các việc như cày ruộng, nuôi gà, nuôi lợn… Ông cần cù lao động để đỡ đần cho vợ, đồng thời cũng muốn tạo thêm của cải cho con cháu.
Tuy nhiên, mọi thứ không như ông mong muốn. Một năm sau, tình trạng bệnh của ông lại xấu đi và ông phải phẫu thuật cắt bỏ khối u một lần nữa. Sau ca mổ, ông thường xuyên phải hóa trị, tóc bắt đầu rụng, sức đề kháng giảm sút rõ rệt. Mặc dù dạ dày được cải thiện, nhưng chức năng gan và túi mật của ông bị suy giảm dần. Chưa kể, chi phí y tế cao và việc điều trị chỉ tiêu hao tiền bạc, ông bắt đầu thấy tuyệt vọng. Ông không muốn để lại nợ nần cho con trai nên đã dứt khoát ngừng điều trị và chỉ uống thuốc giảm đau khi không thể chịu đựng được cơn đau. Để duy trì sự sống, ông truyền dịch dinh dưỡng ba ngày một lần.
Tôi ngạc nhiên về thái độ bình tĩnh và thản nhiên của ông trước cái chết. Ông nói, đối mặt với cái chết, không có bất kỳ nỗi sợ hãi hay lo lắng nào. Nếu ông phải đi thì ông đi, có muốn ở lại cũng không được, nhân sinh chính là như vậy. Nhìn lại cuộc đời của mình, ông đã làm nhiều điều tệ hại nên có lẽ đây là quả báo. Ba người con đều đã trưởng thành, chúng có gia đình riêng và rất hiếu thảo; coi như chúng đã làm tròn trách nhiệm của mình. Hy vọng duy nhất của ông là sống thêm hai hoặc ba tháng nữa mà không qua đời vào mùa hè, bởi vì còn có rất nhiều việc vẫn chưa lo liệu xong. Ông nói rằng hôm nay chúng tôi nói chuyện với ông ở đây, có lẽ lần sau chúng tôi sẽ thấy một ngôi mộ hoang vu.
Nghe những lời này, tôi cảm thấy chua xót vô cùng. Cuộc sống thực sự ngắn ngủi!
Trước khi chúng tôi rời đi, ông dựa vào giường trong căn phòng nhỏ, tôi đứng bên cạnh giường ông và nhẹ nhàng nói với ông: Sinh mệnh rất đáng quý, con người đến với thế giới này đều không hề dễ dàng. Chỉ cần con người hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh, thì sống sẽ không uổng phí một đời này. Tôi bảo ông hãy mặc niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo” bất cứ lúc nào, thì sinh mệnh sẽ được đi đến nơi chốn tốt đẹp.
Ông đọc theo tôi một lần, nhưng lại lo lắng chính mình sẽ quên mất. Vì vậy, ông đã lấy ra tấm bảng nhỏ làm bằng da được chế tác tinh xảo, và bảo tôi viết chữ lên đó. Tôi nhận lấy rồi viết chín chữ ấy lên trên. Ông xem thật kỹ, đồng thời ông thì thầm niệm đọc một lượt, một nụ cười nhẹ nở trên môi, và ông ấy không ngừng nói cảm ơn, cảm ơn tôi! Tôi nói: “Chúng ta đều là người một nhà, không nhất thiết phải cảm ơn như thế này, tôi chỉ hy vọng ông mau chóng khỏe lại và qua năm mới tôi có thể gặp được ông”.
Tối hôm đó, khi tôi trở về nhà, những người thân quen với ông cho tôi biết: Qua trận bệnh đau ốm này, tính cách của ông đã thay đổi rất nhiều; ông trở nên tốt bụng hơn. Trước đây, ông thường nóng nảy, làm nhiều việc không phù hợp với đạo lý, đã làm tổn thương đến rất nhiều người, tiếng tăm cũng rất xấu. Sau khi nghe họ nói, tôi trầm mặc im lặng.
Trong nhiều năm trở lại đây, tôi chân thành tin Phật Pháp và hiểu rằng căn bệnh của ông có liên quan mật thiết đến vô số tội lỗi mà ông ấy đã phạm phải rất nhiều năm trước. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; nhân quả tuần hoàn, thiên địa công bằng”. Nhưng tôi cũng tin rằng Thần Phật là từ bi, chỉ cần ông có thể tỉnh ngộ vào thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, sinh mệnh ông sẽ có cơ hội được cứu, hoặc có lẽ ông sẽ được chuyển sinh thành người có phúc.
Sau đó, quả thật như ý nguyện của ông; sau tết trung thu, thời tiết chuyển lạnh, ông thanh thản ra đi. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, con cháu đều đã về nhà, hầu hạ kề bên, đưa tiễn ông đến đoạn đường cuối cùng. Ông cũng yên lòng mà ra đi, không còn tiếc nuối nào...
Theo Chánh Kiến
Tác giả: Liên Vận