Hành động cuối cùng của bà Pelosi với tư cách là Chủ tịch Hạ viện
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã tăng mức lương tối đa mà các nhà lập pháp có thể trả cho nhân viên Hạ viện. Quyết định này là một trong những hành động cuối cùng của bà trước khi phải bàn giao chức vụ Chủ tịch Hạ viện vào tuần tới khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện của Quốc Hội.
Bà Pelosi cho biết trong một lá thư Gửi các Đồng sự hôm thứ Sáu (30/12): “Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, tôi có đặc ân được thông báo rằng Hạ viện sẽ tăng mức lương tối đa thường niên cho nhân viên lên 212,100 USD.”
Đây là lần thứ ba bà Pelosi tăng lương tối đa cho nhân viên Hạ viện kể từ năm ngoái, khi mức trần này được dỡ bỏ sau 13 năm cố định.
Năm ngoái, bà Pelosi đã tăng mức trần lên mức 199,300 USD. Hồi tháng Năm năm nay, bà lại tăng con số này, lần này là 203,700 USD, đồng thời thiết lập mức lương tối thiểu là 45,000 USD.
Bà cho biết rằng hành động này sẽ giúp Quốc hội thu hút và giữ chân những nhân viên chất lượng.
“Như quý vị đã biết, các nhân viên Quốc hội yêu nước, làm việc chăm chỉ của chúng ta là một phần không thể thiếu trong hoạt động của Hạ viện: đảm bảo cơ quan này có thể thực hiện hiệu quả các trách nhiệm lập pháp và lập hiến của chúng ta,” bà Pelosi viết trong thư.
Bà cho biết thêm: “Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để giữ chân và tuyển dụng những tài năng tốt nhất trong quốc gia của mình — đồng thời xây dựng một lực lượng lao động của Quốc hội vốn đại diện cho các cộng đồng mà chúng ta vinh dự được phục vụ.”
Mức lương tối đa mới này có nghĩa là nhân viên Hạ viện có thể kiếm được nhiều tiền hơn cấp trên của mình, các nhà lập pháp của Quốc hội, những người được trả 174,000 USD mỗi năm.
Bà Pelosi cho biết việc tăng mức lương trần khiến lương của nhân viên Hạ viện phù hợp hơn với khoản tăng lương mới đây dành cho các nhân viên thuộc nhánh hành pháp.
Điều này xảy ra khi thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn thắt chặt và kỳ vọng về tiền lương của người lao động Mỹ gần đây đã đạt mức cao kỷ lục, đặt ra một thách thức đối với việc giữ chân nhân viên.
Kỳ vọng về mức lương tăng cao
Một cuộc khảo sát gần đây từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) New York cho thấy kỳ vọng về tiền lương của người lao động Hoa Kỳ đã tăng trong tháng Mười Một lên mức cao nhất kể từ khi các mức cao kỷ lục bắt đầu vào năm 2014.
“Mức lương kỳ vọng tối thiểu trung bình — mức lương thấp nhất mà những đáp viên sẽ sẵn sàng chấp nhận cho một công việc mới — đã tăng từ 72,873 USD trong tháng Bảy lên 73,667 USD vào tháng Mười Một, mức cao nhất trong những mức tăng,” Khảo sát Kỳ vọng của Người tiêu dùng mới nhất của Fed tại New York cho biết.
Đồng thời, tỷ lệ những người tìm kiếm việc làm trong bốn tuần trước đó đã giảm từ 24.7% trong tháng Bảy xuống còn 18.8% trong tháng Mười Một, với báo cáo của Fed cho thấy mọi người hài lòng hơn với mức lương của họ, các phúc lợi ngoài lương, và các cơ hội thăng tiến.
Một dấu hiệu khác của tình trạng khan hiếm kéo dài của thị trường lao động là số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên, ở mức 225,000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/12 vẫn ở gần các mức thấp lịch sử.
Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp là một dấu hiệu đại diện cho sự nghỉ việc và đang được Fed theo dõi sát sao khi ngân hàng trung ương này tăng lãi suất nhanh chóng nhằm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm và giảm lạm phát. Nếu các quyết định chính sách của Fed đẩy đất nước vào một sự suy thoái, như nhiều nhà kinh tế lo ngại, thì số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt sẽ là một trong những dấu hiệu như thế.
Trong khi đó, khi thị trường việc làm vẫn còn tương đối eo hẹp, thì có những dấu hiệu cho thấy các nhà tuyển dụng đang phản ứng bằng cách tăng lương.
Mong đợi mức tăng lương cao nhất trong 16 năm
Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn tại nơi làm việc Willis Towers Watson (WTW) cho thấy nhân viên Hoa Kỳ mong đợi sẽ được tăng lương ở mức cao nhất trong 16 năm vào năm 2023.
Theo thông cáo báo chí của WTW, được đưa ra vào giữa tháng Mười Một, khi ngân sách trả lương tại các công ty tăng lên, thì họ dự kiến sẽ tăng lương cho nhân viên thêm 4.6% vào năm tới.
Một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện hồi đầu năm nay đã dự đoán mức tăng lương khiêm tốn hơn là 4.1% trong năm tới, với lạm phát cao liên tục dẫn đến việc điều chỉnh tăng kỳ vọng về lương.
Ba phần tư số đáp viên được hỏi thừa nhận gặp các vấn đề trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, tỷ lệ này cao gấp ba lần tỷ lệ của năm 2020.
Bảy trong số 10 công ty đã quyết định tăng ngân sách tiền lương sau khi tính đến thị trường lao động khan hiếm.
Bà Hatti Johansson, giám đốc nghiên cứu của Reward Data Intelligence, WTW cho biết: “Khi lạm phát tiếp tục gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện rõ, các công ty đang sử dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ nhân viên của mình trong thời gian này.”
Trong khi kỳ vọng về tiền lương đã tăng cao hơn, người Mỹ cũng đang nhận được nhiều tiền hơn từ các khoản phúc lợi, điều mà một số người cho là đã góp phần vào cuộc khủng hoảng lao động.
‘Trả tiền cho người Mỹ không làm việc’
Một báo cáo gần đây của Ủy ban Thúc đẩy Thịnh vượng (Committee to Unleash Prosperty) có nhan đề “Trả tiền cho người Mỹ Không Làm việc” (pdf) nêu rõ rằng các phúc lợi là một lý do chính khiến nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm người lao động.
Báo cáo này nêu rõ, “Tại 14 tiểu bang, một gia đình bốn người với hai người lao động thất nghiệp có thể nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp ACA [Đạo luật Chăm sóc Y tế Hợp túi tiền] tương đương với một công việc trả lương và phúc lợi y tế 80,000 USD một năm — hoặc nhiều hơn.”
“Ở 10 tiểu bang khác, một gia đình có thể nhận được số tiền tương đương với một công việc có mức lương 70,000 USD một năm. Đối với những gia đình này, có làm việc thì đúng là cũng chẳng đem lại lợi lộc gì.”
Theo một báo cáo của Glassdoor và Indeed, thị trường lao động dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm trong tương lai gần do sự thay đổi nhân khẩu học — ngay cả khi một cuộc suy thoái làm giảm nhu cầu việc làm.
“Lý do chính cho điều này có thể được tóm tắt trong một từ: nhân khẩu học. Trong thập niên tới, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 65 tuổi) sẽ giảm ở nhiều quốc gia, theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới,” báo cáo trên cho biết.
Tại Hoa Kỳ, dân số của nhóm nhân khẩu học này được dự đoán sẽ giảm 3.2% từ năm 2026 đến năm 2036.
Trong khi đó, lạm phát đang làm xói mòn giá trị của tiền lương, từ đó tạo ra tình trạng người lao động muốn được trả nhiều tiền hơn.
Một báo cáo do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas công bố trong tháng này cho thấy mức giảm trung bình của tiền lương thực tế (tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát) là hơn 8.5% đối với hầu hết lực lượng lao động Mỹ trong 12 tháng qua.
Bản tin có sự đóng góp của Naveen Athrapully
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times