Hàng trăm người dân New York kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới dưới mưa
NEW YORK – Mưa tầm tã và gió rét mướt có thể là lý do đủ để bất cứ ai ở nhà, nhưng điều này không thể lay chuyển hàng trăm người đã vững vàng trụ lại trên Quảng trường Foley của vùng Lower Manhattan kể từ sáng ngày 07/05. Họ có một lý do đặc biệt để ở đó, với một thông điệp về sức khỏe, hy vọng, và sự kiên cường để chia sẻ.
Đám đông bắt đầu tập trung ngay từ 8 giờ sáng và trở nên đông dần trong một giờ tiếp theo khi mọi người giúp đỡ nhau xếp thành các hàng ngay ngắn, bao xung quanh là một vòng tròn hoa sen lớn đầy màu sắc. Áo khoác màu xanh dương hoặc vàng tươi của họ tạo thành một sự tương phản rõ rệt với thời tiết ảm đạm.
Trong khoảng một giờ hoặc lâu hơn, họ đứng cùng nhau trong sự yên tĩnh và an hòa, khi hàng trăm đôi tay đồng loạt di chuyển trong động tác của các bài tập khoan thai theo sự dẫn dắt của âm nhạc truyền thống Trung Hoa, trong khi các thành viên của ban nhạc diễn hành Thiên Quốc đặc trưng, cũng mặc áo sơ mi xanh, tách thành một nhóm khác khởi tấu một loạt giai điệu tràn đầy năng lượng âm vang qua các dãy nhà. Chẳng mấy chốc, hai nhóm lại tụ hội — với tư cách là các khán giả hoặc những người trình diễn — cho một lễ hội âm nhạc và khiêu vũ khác.
Gợi ý cho [lý do của] các hoạt động hân hoan này, một trong nhiều lễ hội sẽ diễn ra trên khắp thế giới vào tuần tiếp theo, nằm trong tấm biểu ngữ màu vàng mơ ngay phía sau với dòng chữ “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới”.
Ngày 13/05 năm nay là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Ngài Lý Hồng Chí, người đã phổ truyền môn tu luyện tinh thần này cho công chúng ở Trung Quốc vào ngày đó 30 năm về trước.
Ước tính có khoảng 70-100 triệu người ở Trung Quốc đã thực hành môn này trong thập niên sau đó, chọn sống cuộc sống của họ theo sự chỉ dẫn của ba nguyên lý cốt lõi của đức tin này là chân, thiện, và nhẫn, điều đã mang lại cho nhiều người sức khỏe tốt và sự bình an trong nội tâm.
Kể từ năm 2000, ngày này đã được các học viên và những người ủng hộ Pháp Luân Công kỷ niệm trên toàn thế giới, ngoại trừ ở Trung Quốc, nơi chế độ cộng sản bắt đầu một chiến dịch “xóa sổ” nghiêm trọng nhắm vào đức tin này vào năm 1999.
Những người tham dự cho biết sự kiên định của các học viên bị đàn áp khắc nghiệt ở Trung Quốc là nguồn cảm hứng cho những ai ở hải ngoại.
“Những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là những người rất kiên cường, đang chịu đựng khổ nạn to lớn, xét đến việc họ đang bị bức hại ở Trung Quốc,” ca sĩ đồng thời là người sáng tác ca khúc Katy Mantyk nói với The Epoch Times.
“Tôi có những người bạn ở New York mà người nhà ở Trung Quốc của họ vẫn đang mất tích, bị tra tấn hoặc đã bị sát hại,” cô nói thêm. “Họ không bao giờ có thể trở về nhà, và điều đó thật đáng buồn. Thực ra chịu một chút mưa dường như không là gì cả so với điều đó.”
Ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại New York, cho biết đã có ít nhất 69 quan chức liên bang và địa phương ra các tuyên bố và trao giải thưởng để công nhận sự kiện này từ New York.
Ông nói với The Epoch Times: “Các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp hiện đã được công nhận là nền tảng của nhân loại trên khắp thế giới, và chúng tôi tin tưởng rằng người dân Trung Quốc sẽ có được quyền tự do như vậy trong tương lai không xa để đi theo con đường tu luyện cổ xưa này như những người khác.”
Buổi lễ kỷ niệm mang lại cho cô Mantyk một cảm giác hoài niệm.
Sinh ra ở New Zealand, cô Mantyk biết đến Pháp Luân Công cách đây 18 năm ở tuổi 23. Cô mô tả các giá trị mà môn tu luyện này đề cao như một “điểm tựa” đã dẫn dắt cô vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống.
“Các nguyên lý này nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại chứa đựng rất nhiều nội hàm,” cô Mantyk nói. “Tôi càng hành xử, suy nghĩ, hoặc dụng tâm chiểu theo chân, thiện, và nhẫn hơn, thì kết quả càng hài hòa hơn.”
Tấm lòng trân trọng đó đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho một bài hát của cô có tên “Search No More” (“Không Phải Kiếm Tìm Thêm Nữa”) vào một thập niên trước, khi cô đang tản bộ qua các đường phố của New York. Cô đã trình diễn bài hát này trên sân khấu vào thứ Bảy (07/05). Cô cho biết đây cũng là bài hát đã khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của mình.
“Tôi không cần phải tìm kiếm lời giải đáp cho cuộc sống ở bất cứ nơi đâu vì tôi đã tìm thấy đáp án đó rồi,” cô nói. “Tôi muốn chia sẻ điều đó với thế giới càng nhiều càng tốt.”
Đó là một điều đặc biệt “để ghi nhớ rằng tôi đã đắc được Đại Pháp trong suốt những năm qua, và tôi biết ơn vì điều đó,” cô nói. “Tôi đang mong đợi nhiều hơn nữa.”
Hai cô thiếu nữ tuổi vị thành niên, Li Xiyuan và Li Meiyuan, mỗi người mang một giỏ gỗ đầy hoa sen thủ công xếp theo nghệ thuật gấp giấy Origami, mà họ phát cho các khách bộ hành. Hai thiếu nữ ở độ tuổi lần lượt là 16 tuổi và 14 tuổi này đã ở đó suốt buổi sáng.
Họ dùng chung một chiếc dù có họa tiết kẻ sọc, khoác tay nhau khi nói chuyện. Ống tay áo khoác màu xanh dương của họ, vốn không chống nước, đã bị ướt và có màu xanh thẫm hơn.
Họ thừa nhận là mình rất lạnh, nhưng họ xem cái lạnh như một cơ hội để kiểm nghiệm quyết tâm của mình.
“Nếu tất cả mọi người không chống chọi được với mưa hoặc các tác nhân ngoại quan khác, thì sẽ không có ai ở đây,” cô em gái nói. Hai chị em rất vui khi có thể trao đi những bông hoa gấp giấy origami chia sẻ các nguyên lý của Pháp Luân Công.
Cô Trần Pháp Duyên (Chen Fayuan), 17 tuổi đến từ vùng Upstate New York, đã trình diễn hai bài hát bằng nhạc cụ hai dây Erhu (đàn nhị) của Trung Quốc với các bằng hữu của cô. Một trong những bản nhạc này là “Phong vũ đồng thuyền”. Đây là là một bài hát do các bạn đồng môn chắp bút để biểu đạt một ý chí kiên định khi đối mặt với nghịch cảnh.
Vẻ mặt của cô Trần hơi buồn khi cô kể về cha mẹ mình. Cô ít nghe được tin về họ kể từ khi họ bị bắt ở Trường Sa, một thành phố ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, hồi tháng 10/2020. Cô tin rằng cả hai người đều đã bị kết án, nhưng hầu như không biết họ bị kết án khi nào hoặc giờ đây họ ra sao.
Cô Trần cho biết đôi khi cô cảm thấy chạnh lòng về hoàn cảnh của mình khi nhìn thấy các bạn đồng trang lứa và cha mẹ của họ ở bên nhau. Nhưng khi luyện tập cho chương trình biểu diễn hôm thứ Bảy (07/05), âm nhạc đã khiến cô cảm thấy mình cũng đang tiến bước trên con đường của chính mình trong cuộc sống, khiến cô cảm thấy nguôi ngoai.
Cô nói với The Epoch Times rằng không hiểu sao nỗi cô đơn và sự sợ hãi đã tan biến trong tiếng nhạc. Điều đó giống như một “sự tái sinh”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: