Hàng tồn kho tăng vọt, các nhà bán lẻ Mỹ đối mặt với áp lực giảm giá mạnh để giải tồn hàng thừa
Theo báo cáo ngày 28/06 từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, các chỉ số kinh tế cho tháng Sáu cho thấy hàng tồn kho bán lẻ của Hoa Kỳ đang tăng và các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực tài chính để giải tồn lượng hàng dư thừa.
Tồn kho bán buôn trong tháng Năm đã tăng 2% so với tháng Tư lên 880.6 tỷ USD, với mức tăng 25% so với cùng thời kỳ năm ngoái tính từ tháng Năm năm 2021.
Tồn kho bán lẻ trong tháng Năm đã tăng 1.1% so với tháng Tư lên 705.3 tỷ USD, với mức tăng 17.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Thâm hụt thương mại quốc tế của Hoa Kỳ giảm xuống còn 104.3 tỷ USD trong tháng Năm, giảm 2.4 tỷ USD so với 106.7 tỷ USD trong tháng Tư.
Kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Hoa Kỳ trong tháng Năm ở mức 176.6 tỷ USD, nhiều hơn 2 tỷ USD so với tháng Tư, trong khi nhập cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ giảm xuống còn 280.9 tỷ USD, ít hơn khoảng 400 triệu USD so với tháng Tư.
Nhiều nhà bán lẻ trong hai năm qua đã tích trữ hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp nhiều thách thức từ việc phong tỏa do đại dịch gây ra.
Xung đột ở Ukraine và các biện pháp phong tỏa thời virus Trung Cộng ở Trung Quốc đã khiến các mặt hàng sản xuất chậm lại trong những tháng gần đây và gia tăng áp lực giá lên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà bán lẻ lớn như Walmart Inc., Costco Wholesale Corp., và Target Corp. đã báo cáo lượng hàng tồn kho cao hơn dự kiến kể từ cuối quý đầu tiên.
Trong khi đó, Walmart nói với các cổ đông của mình vào tháng Năm rằng họ đã báo cáo tình trạng dư thừa bất ngờ 32% hàng tồn kho trong quý đầu tiên, góp phần vào sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu.
Tương tự, Costco cũng thừa nhận rằng hàng tồn kho của họ đã tăng 26% so với năm trước, trong khi Target cho thấy hàng tồn kho của mình tăng 43%, với doanh thu chỉ tăng 4% trong quý trước.
Bổ sung nguồn cung sau các đợt thiếu hụt
Một phần lớn của tình trạng dư thừa đến từ động lực bổ sung hàng hóa ồ ạt sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vào năm 2021 dẫn đến sự gia tăng các mặt hàng hết hàng.
Các nhà bán lẻ cũng háo hức bổ sung hàng tồn kho sau gần hai năm cạn kiệt trong đại dịch, khi nhu cầu vượt quá nguồn cung đối với các mặt hàng thông thường của cửa hàng như đồ gia dụng và các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh.
Forbes cho biết, phần lớn lượng hàng được đặt cho kỳ nghỉ lễ cuối năm 2021 đã không thực sự đến tay khách hàng cho đến quý đầu tiên của năm 2022, dẫn đến tình trạng dư thừa.
Khi những đơn đặt hàng cuối cùng đã đến, các nhà bán lẻ nhận thấy rằng cơ sở người tiêu dùng của họ đã chuyển đổi mô hình mua hàng của họ, chuyển từ các mặt hàng bán lẻ phổ biến trong quý IV sang giải trí và ăn uống.
Nhiều nhà bán lẻ cũng gặp khó khăn với việc tăng chi phí lưu kho vào cuối quý đầu tiên của năm 2022.
Tệ hơn nữa, giá xăng và giá thực phẩm tăng cũng bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu dùng của người tiêu dùng.
Ông John Furner, giám đốc hoạt động của Walmart tại Hoa Kỳ, cho biết tại cuộc họp nhân viên thường niên của nhà bán lẻ này vào đầu tháng Sáu: “Có lẽ sẽ còn vài quý nữa cho đến khi chúng ta nỗ lực giảm được lượng hàng tồn kho đến mức chúng ta muốn.”
Nhà bán lẻ có trụ sở tại Arkansas này đang ngày càng lo ngại về những ảnh hưởng mà tỷ lệ lạm phát gia tăng đang gây ra đối với cơ sở khách hàng của mình, đặc biệt nếu giá vẫn tăng trong nhiều tháng tới.
Hạn chế tăng giá thực phẩm
Để cạnh tranh với các cửa hàng 1 USD, nơi mà nhiều khách hàng quen thuộc của nhà bán lẻ này đang ngày càng đổ xô đến, Walmart, giống như đối thủ Target, đang có kế hoạch hạn chế việc tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm căn bản.
CEO Brian Cornell của Target đã nói với Marketwatch hồi đầu tháng Sáu rằng nhà bán lẻ này đã dự kiến “sự giảm tốc sau kích cầu,” nhưng họ không “lường trước được mức độ của sự thay đổi đó.”
Các nhà bán lẻ lớn hiện đang cố gắng giải quyết lượng hàng tồn dư thừa như đồ nội thất, điện tử, và thiết bị gia dụng bằng cách cung cấp các đợt giảm giá lớn cho các sản phẩm này, để chuẩn bị cho các cửa hàng của họ cho mùa thu và mùa lễ.
Mối quan tâm hàng đầu của họ là họ có thể đi bao xa với mức chiết khấu hào phóng để loại bỏ những mặt hàng này khỏi cửa hàng của họ mà không gây sụt giảm tài chính trong mùa hè này.
Các nhà bán lẻ vẫn đang báo cáo nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, ngay cả khi giá cả tăng đang trở thành mối quan tâm lớn trong năm nay.
Tuy nhiên, lạm phát ít có dấu hiệu giảm bớt cho đến năm 2022, khiến người tiêu dùng ít có động lực, điều đó có nghĩa là các nhà bán lẻ có thể bị buộc phải đưa ra các mức giảm giá sâu hơn nữa, điều này có thể hạn chế tỷ suất lợi nhuận hàng năm của họ trong năm nay.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.