Hàng loạt quan chức cao cấp Việt Nam rơi vào vòng lao lý
Những tội danh như chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, gây thất thoát ngân sách, liên quan tới hoạt động rửa tiền, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ cao cấp Việt Nam đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 cá nhân về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.
Truyền thông trong nước đưa tin, 2 trong số 3 người nói trên đang công tác UBND TP. Hà Nội, giúp việc cho Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Trong đó, Nguyễn Anh Ngọc là cán bộ Phòng Thư ký biên tập và là thành viên tổ giúp việc, còn Nguyễn Hoàng Trung là lái xe của Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Người còn lại là một cán bộ thuộc C03 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) thuộc Bộ Công an.
Đến sáng 14/7, một nguồn tin khác ở UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện 2 người này chưa bị tạm đình chỉ công việc.
Theo nguồn tin này, hiện nay cơ quan công an mới chỉ có lệnh khám xét khẩn cấp, chưa có lệnh tạm giữ, tạm giam nên bên phía Uỷ ban chưa thực hiện các bước tiếp theo.
“2 người này hiện nay vẫn đang làm việc với cơ quan công an, có nghĩa là vẫn đang đi làm”, nguồn tin này nói với báo Lao động.
Bên lề cuộc giao ban Báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 14.7, liên quan đến vụ khám xét chỗ ở, nơi làm việc của thư ký, lái xe của Chủ tịch Hà Nội, ông Phạm Thanh Học – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, đến thời điểm này không có bất cứ thông tin gì về việc này nên không thể khẳng định.
Cũng trong ngày 14/7, các cựu lãnh đạo Bộ Công thương đã gây thất thoát tới gần 4.000 tỷ đồng liên quan tới đất đai. Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được cơ quan điều tra xin giảm nhẹ tội, đồng thời truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa được cho là đang bỏ trốn ở Pháp.
Truyền thông Việt Nam vừa mới lan truyền tin, cơ quan điều tra Bộ Công an muốn giảm nhẹ tội cho cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Cơ quan này viện dẫn rằng ông Hoàng có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác; có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, quá trình công tác đều có thành tích, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen.
Cơ quan điều tra còn đưa ra lý do giảm nhẹ tội cho ông này vì đang bị các bệnh lý về tim, ung thư tiền liệt tuyến.
Trước đó trưa 11/7, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Ông Trần Vĩnh Tuyến là Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ông Trần Trọng Tuấn là Phó chánh văn phòng Thành ủy, nguyên bí thư Quận ủy quận 3, nguyên giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. Ông Tuyến, ông Tuấn cùng bị khởi tố điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cơ quan điều tra quyết định khởi tố, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Tuyến và ông Tuấn ngay trong ngày. Các quyết định và lệnh trên do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Chiều 11/7, Thường trực HĐND TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP khóa 9, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tuyến và ông Tuấn.
Liên quan tới vụ án khởi tố Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy được xác định cầm đầu đường dây nhập cảng lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Ông Huy bị khởi tố ba tội buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền, đã trốn khỏi Việt Nam và đang bị truy nã quốc tế. Nhiều quan chức Hà Nội bị bắt liên quan đến vụ án Nhật Cường Mobile.
Ngày 10/7, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nhà ở và nơi làm việc ông Nguyễn Văn Tứ, chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở Kế hoạch – đầu tư về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.
Từ năm 2016, ông Tứ (lúc đó là Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư) đã ký quyết định phê duyệt gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2016” với giá trị gần 43 tỷ đồng, nguồn vốn chi từ sự nghiệp khoa học công nghệ.