Hai quan chức Trung Quốc khiến nhà ngoại giao Đài Loan phải nhập viện
Hôm 19/10, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan bà Âu Giang An (Joanne Ou) nói với truyền thông địa phương rằng hai nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đã tìm cách lẻn vào buổi tiệc chiêu đãi do Đài Loan tổ chức ở Fiji. Khi một viên chức Đài Loan chặn không cho họ vào, xung đột đã xảy ra khiến viên chức Đài Loan này bị thương ở đầu và phải nhập viện.
Diễn biến vụ việc
Hàng năm, Đài Loan kỷ niệm Ngày Quốc khánh vào ngày 10/10, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương năm 1911 đã lật đổ hoàng đế Triều Thanh và thành lập Trung Hoa Dân Quốc (ROC) – tên chính thức của Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình bất chấp thực tế rằng quốc đảo này là một quốc gia độc lập với [hệ thống] quan chức được bầu cử dân chủ. Bắc Kinh thường xuyên đe dọa các quốc gia và các tổ chức quốc tế công nhận chủ quyền của Đài Loan. Trước ngày Quốc khánh, Bắc Kinh đã đe dọa hòn đảo tự trị này bằng các cuộc tập trận quân sự và những lời lẽ hung hăng.
Trong lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 109 năm nay của Đài Loan, Văn phòng Thương mại Đài Bắc tại Fiji, tên chính thức của văn phòng đại diện của Đài Loan tại Fiji, đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại khách sạn Grand Pacific Hotel. Theo trang web của Văn phòng Thương mại, hơn 100 vị khách quý, bao gồm cả các thành viên của quốc hội Fiji đã tham gia [sự kiện này].
We strongly condemn the violence against our diplomat in #Fiji🇫🇯 by #China's uncivilized "wolf warriors." As a sovereign state, we'll continue celebrating #TaiwanNationalDay everywhere, every year. #Taiwan🇹🇼 is a force for good in the world & we won't be intimidated. JW
— 外交部 Ministry of Foreign Affairs, ROC (Taiwan) 🇹🇼 (@MOFA_Taiwan) October 19, 2020
Tại lễ kỷ niệm, các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đã “làm loạn” bên ngoài khu vực chiêu đãi và gần như đã len lỏi được vào bên trong hội trường trước khi gây ra xung đột, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Harry Ho-jen Tseng cho biết tại Quốc hội Đài Loan hôm thứ Hai (19/10).
Họ muốn thu thập thông tin về những người đang tham dự sự kiện bằng cách chụp ảnh các khách mời. Nhưng sau đó, một viên chức Đài Loan chặn không cho họ vào, vụ ẩu đả xảy ra và viên chức Đài Loan này phải nhập viện.
Cảnh sát Fiji đã đến buổi tiệc chiêu đãi và bắt giữ hai nhà ngoại giao Trung Quốc. Theo bà Âu Giang An, cả hai người này đã khai man với cảnh sát và nói rằng họ bị các viên chức Đài Loan hành hung.
Bà Âu nói, hành vi bạo lực của hai nhân viên ngoại giao Trung Quốc được coi là “vi phạm luật pháp nghiêm trọng và vi phạm quy tắc ứng xử văn minh”. Bà nói thêm rằng Văn phòng Thương mại Đài Bắc đã thu thập các bằng chứng và chuyển tới Bộ Ngoại giao và cảnh sát của Fiji. Đài Loan đã đệ đơn khiếu nại Đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji.
Thứ trưởng ngoại giao Đài Loan Tseng nói rằng chính phủ Fiji đã “chịu rất nhiều áp lực chính trị” và muốn “xem nhẹ” vụ việc.
Bà Âu cho biết do cách tiếp cận ngoại giao đối đầu của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã yêu cầu Văn phòng Thương mại Đài Bắc tại Fiji phối hợp chặt chẽ với cảnh sát địa phương khi tổ chức các sự kiện trong tương lai.
Vụ việc lần đầu tiên được đưa tin trên Grubsheet Feejee, một trang blog do nhà báo Graham Davis sinh ra tại Fiji điều hành, trong đó đã trích dẫn nhiều nguồn tin giấu tên ở Suva, thủ đô của Fiji.
Bối cảnh
Fiji hiện không phải là một trong những đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan. Tuy nhiên Đài Loan đã thành lập văn phòng đại diện tại Fiji từ năm 1971.
Tháng 7/2019, Hãng thông tấn Trung ương (CNA) do chính phủ Đài Loan điều hành báo cáo rằng Đài Loan đã đổi tên cơ quan đại diện ngoại giao của mình từ “Phái đoàn Thương mại của Trung Hoa Dân Quốc ở Cộng hòa Fiji” thành “Văn phòng Thương mại Đài Bắc tại Fiji” do Bắc Kinh gây sức ép lên chính phủ Fiji.
Trong những năm gần đây tại nhiều quốc gia bao gồm có Ecuador, Dubai, Bahrain, Nigeria và Jordan, Đài Loan đã buộc phải loại bỏ [cụm từ] “Đài Loan” hoặc “Trung Hoa Dân Quốc” ra khỏi tên các văn phòng đại diện của họ và thay bằng [cụm từ] “Đài Bắc”. Không quốc gia nào trong số những quốc gia nói trên là đồng minh chính thức của Đài Loan.
Phản ứng của Trung Quốc
Chiều thứ Hai (19/10), Đại sứ quán Trung Quốc tại Fiji đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc nhân viên của Văn phòng Thương mại Đài Bắc ở Fiji đã hành động “khiêu khích” và “gây thương tích” cho một trong các nhà ngoại giao của họ. Họ cũng tuyên bố lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh của Đài Loan ở Fiji là “vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc”, thứ mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố Đài Loan không có nhà ngoại giao nào ở Fiji, vì hòn đảo này đã được ĐCSTQ tuyên bố [chủ quyền].
Ông cũng cho biết Văn phòng Thương mại Đài Bắc đã “hành động khiêu khích” khi tổ chức một sự kiện như vậy, và trưng bày một lá cờ Đài Loan cùng một chiếc bánh được trang trí với biểu tượng lá cờ Đài Loan tại sự kiện này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Fiji cũng đệ đơn khiếu nại về vụ việc này, cho rằng nhân viên của họ đã bị một nhân viên của Văn phòng Thương mại Đài Bắc hành hung. Theo trang tin tức trực tuyến Fiji Village của Fiji, cảnh sát địa phương cho biết họ sẽ điều tra đơn khiếu nại của phía Trung Quốc.
Phản ứng của Đài Loan
Vụ việc đã gây náo động ở Đài Loan. Một số nhà lập pháp địa phương đã công khai bày tỏ những lo ngại của họ, trong đó có cả ông Wang Ting-yu đã lên Twitter để nói rằng ông “kinh hoàng và phẫn nộ” trước vụ tấn công bạo lực này.
“Chúng ta không thể để Trung Quốc bắt nạt theo cách họ muốn làm gì thì làm. Tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà ngoại giao của chúng ta ở Fiji,” ông Wang viết.
Hôm thứ Hai, một doanh nhân Đài Loan họ Lu ở Fiji đã nói với nhà lập pháp Đài Loan Wen Yu-hsia trong cuộc trò chuyện qua video rằng bà và em trai của bà đã có mặt tại buổi tiệc chiêu đãi hôm 8/10, theo nhật báo địa phương Liberty Times đưa tin.
Bà Lu cho biết có hai lượt cửa để vào được địa điểm sự kiện, nhưng hai nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã bị chặn lại ở cửa đầu tiên và đã xảy ra vụ xô đẩy.
Theo bà Lu, các quan chức Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện địa phương do chính phủ Đài Loan tổ chức để xác định những người thân thiện với Đài Loan.