Hai ông Kim và Putin hội đàm về vệ tinh, đạn dược
Giao thương của Nga với Bắc Hàn đang tăng trưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hai quốc gia này
Nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ thương vong nặng nề, các mục tiêu quân sự thất bại, thiếu trang thiết bị, và cạn kiệt đạn dược, cộng với sự cô lập ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, đã khiến nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin phải tìm đến sự trợ giúp của Bắc Hàn.
Ông Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny ở tỉnh Amur, vùng Viễn Đông của Nga. Địa điểm này đã được lựa chọn vì thuận tiện cho ông Kim tiếp cận bằng tàu bọc thép và vì ông mong muốn có được công nghệ vệ tinh tân tiến từ Nga.
Vào hôm 13/09, ông Kim nói với ông Putin khi mở đầu cuộc gặp gây tranh cãi của họ: “Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trừng phạt các thế lực tà ác.”
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng có mặt trong cuộc thảo luận trên. Ông đã đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng Bảy để kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Đình chiến, một hiệp định chấm dứt giao tranh trong Chiến tranh Triều Tiên. Khi đó, ông Kim đã phô trương các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Hwasong trong một cuộc trình diễn quân sự quy mô lớn. Mặc dù những màn trình diễn như vậy là tiêu chuẩn trong các chuyến thăm cấp quốc gia tới Bắc Hàn, người ta cũng tin rằng ông Shoigu đang xem xét và dự tính mua vũ khí của Bắc Hàn. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn cung cấp trang thiết bị cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Năm ngoái, Bắc Hàn đã cung cấp vũ khí cho Lực lượng Wagner, một công ty đánh thuê tư nhân hoạt động theo sự ủy nhiệm của Điện Kremlin.
Bị cô lập với thế giới, Nga đang tiếp cận tới một số quốc gia mà Nga có ảnh hưởng, cụ thể là Bắc Hàn, Cuba và Trung Quốc. Gần đây, chính quyền Cuba đã phá vỡ một đường dây buôn người đang cố gắng chiêu mộ binh lính từ Cuba sang chiến đấu ở Ukraine. Mặc dù từng là một trong những quốc gia nhận viện trợ từ Liên Xô và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, nhưng chính quyền Havana đang thận trọng trong việc ủng hộ Nga. Tương tự, mặc dù tin rằng Trung Quốc đã né tránh hoặc thậm chí phớt lờ các lệnh trừng phạt, gửi công nghệ và thiết bị có mục đích lượng dụng (quân sự và dân sự) hoặc bị hạn chế cho Nga, nhưng nhìn chung, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine là có chừng mực.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc rõ ràng đã vắng mặt trong cuộc họp kỷ niệm 70 năm ở Bình Nhưỡng, mặc dù đại diện cho Trung Quốc là ông Lý Hồng Trung, phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một cơ quan bù nhìn của Trung Quốc. Sự vắng mặt của bộ trưởng quốc phòng đã nhấn mạnh mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với Bắc Hàn và Nga. Một mặt, Trung Quốc muốn hợp tác kinh doanh và hưởng lợi từ trật tự quốc tế do phương Tây dẫn đầu. Mặt khác, chính quyền Bắc Kinh lại ủng hộ các chính sách chống bá quyền phương Tây của Bình Nhưỡng và Moscow. Tuy nhiên, Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng việc ủng hộ này, không muốn gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc bị cô lập thêm khỏi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và Nhóm G7.
Việc ông Kim hiếm khi rời khỏi Bắc Hàn đã chứng minh tầm quan trọng của chuyến công du của ông đến nước Nga. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Kim chỉ đi ra nước ngoài 9 lần. Và cuộc gặp này đánh dấu lần đầu tiên ông Kim rời khỏi đất nước kể từ đại dịch COVID-19.
Với việc Trung Quốc và Cuba đang thể hiện rằng họ không phải là những đồng minh vô điều kiện, thì Nga và Bắc Hàn đang trở nên thân thiết hơn. Cả hai nước này đều đang chịu các lệnh trừng phạt và ngày càng bị phương Tây cô lập. Cả hai nước đều miêu tả mối quan hệ của họ là vô cùng thân thiết.
“Tôi sẽ luôn sát cánh cùng Nga”, ông Kim nói, ủng hộ “chiến dịch quân sự” của Nga, ca ngợi Moscow vì đã “bảo vệ chủ quyền của mình” và đứng lên chống lại “các thế lực bá quyền”. Điều này hàm ý ông Kim thừa nhận Ukraine là một phần của Nga và coi cuộc chiến là vấn đề nội bộ. Lời của ông ấy cũng ám chỉ đến Hoa Kỳ và phương Tây, những nước đang cố gắng bức chế và kiểm soát các hành động của Nga.
Giao thương của Nga với Bắc Hàn đã tăng trưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hai nước này. Trước cuộc gặp gỡ, Nga cần đạn pháo và đạn dược, mà Bình Nhưỡng lại có thừa. Bắc Hàn vận hành nền kinh tế thời chiến cả ngày lẫn đêm, duy trì một quân đội hùng mạnh bằng việc cắt giảm gần như mọi thứ khác dành cho dân số chung, bao gồm cả lương thực. Đổi lại, ông Kim cần sự thúc đẩy ngoại giao mà mối bang giao mật thiết với một cường quốc thế giới sẽ mang lại cho ông. Về mặt vật chất, Bắc Hàn cũng cần tiền mặt, thực phẩm, dầu mỏ, công nghệ vệ tinh, và tàu ngầm hạt nhân.
Sau cuộc gặp, ông Putin cho biết khả năng hợp tác quân sự giữa hai nước là khả thi. Tuy nhiên, việc cung cấp công nghệ vũ khí tân tiến cho Bắc Hàn sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế vốn được thiết lập nhằm ngăn chặn Bắc Hàn phát triển hoặc cải tiến vũ khí hạt nhân. Ông Putin nói với các phóng viên rằng Nga sẽ giúp Bắc Hàn phóng vệ tinh. Ngoài việc kích hoạt các biện pháp trừng phạt, điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên Bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Trong khi ông Kim đang trên đường tới Nga, Bắc Hàn đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Bắc Hàn phóng hỏa tiễn khi ông Kim đang ở hải ngoại. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ phản ứng bằng cách gọi vụ phóng hỏa tiễn này là “một hành động đáng chú ý và mang tính khiêu khích” đe dọa hòa bình và ổn định.
Từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn vì chương trình hỏa tiễn của nước này. Điều đáng chú ý là Bắc Hàn đã bắn hỏa tiễn trong lúc ông Kim đang gặp gỡ với Nga, một trong các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times