Hai nhà lập pháp của lưỡng đảng giới thiệu dự luật ‘Chống Cưỡng ép Kinh tế từ Trung Quốc’
Trong một lần thể hiện sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng – nêu bật nhận thức ngày càng cao về những mối nguy mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, một thành viên Đảng Cộng Hòa và một thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã hợp tác để đưa ra một dự luật nhằm chống lại các hành vi cưỡng ép kinh tế của nhà nước cộng sản lớn nhất [thế giới] này.
Dự luật mang tên “Đạo luật Chống Cưỡng ép Kinh tế từ Trung Quốc” được dẫn đầu bởi các dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California) và Ann Wagner (Cộng Hòa-Missouri).
Dự luật này sẽ thiết lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành mới tập trung đặc biệt vào việc chống lại sự cưỡng ép kinh tế từ quốc gia đối thủ này.
Các nhà lập pháp đã trích dẫn việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng rộng rãi các biện pháp “không chính thức hoặc ngoài pháp luật” để trừng phạt những người không tuân theo ý muốn của Đảng này thay vì sử dụng các biện pháp pháp lý chính thức như trừng phạt hoặc hạn chế đầu tư.
Một trong những ví dụ [như vậy] xảy ra vào năm 2010 khi ĐCSTQ – kiểm soát trữ lượng lớn kim loại đất hiếm cần thiết cho nhiều ứng dụng công nghệ và công nghiệp – cho ngừng các chuyến hàng vận chuyển những kim loại này đến Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Một ví dụ khác về “sự cưỡng ép kinh tế” của ĐCSTQ đã kéo dài hơn nửa thập niên, lần này là nhắm vào Na Uy. Một hội đồng độc lập của nước này đã trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người từng bị ĐCSTQ bỏ tù vì phản đối nhà cầm quyền này.
Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng việc đóng băng các liên hệ ngoại giao. Và để gây áp lực hơn lên quốc gia chuyên về ngư nghiệp này, ĐCSTQ đã ra lệnh cấm vận đối với tất cả các mặt hàng xuất cảng cá hồi của Na Uy.
Lệnh cấm vận này đã kéo dài đến cho đến năm 2016, khi chính phủ Na Uy cam kết với ĐCSTQ rằng họ sẽ không “ủng hộ bất kỳ hành động nào làm suy yếu” các lợi ích kinh tế và chính trị cốt lõi của Trung Quốc. Hơn nữa, chính phủ Na Uy, mặc dù không tham gia vào quá trình trao Giải Nobel này, cũng đã thừa nhận rằng các hành động của họ đã làm tổn hại đến “sự tin cậy lẫn nhau” giữa hai quốc gia.
Năm 2012, Trung Quốc đã làm điều tương tự với Philippines – đồng minh của Hoa Kỳ, khi họ chặn xuất cảng chuối của Philippines vì các tranh chấp lãnh thổ không ngừng ở Biển Đông.
Một lần nữa vào năm 2016, ĐCSTQ đã trả đũa Mông Cổ vì đã tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập cảng từ đất nước không giáp biển này, họ cố tình gây ra sự chậm trễ tại một cửa khẩu chính giữa Trung Quốc và Mông Cổ, và hủy bỏ các cuộc đàm phán về cho vay với chính phủ này.
Một trong những hành động cưỡng ép kinh tế có hại nhất của Trung Quốc là nhằm vào Nam Hàn, một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong khu vực. Để ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân liên tục từ nhà độc tài thân cận với Trung Quốc của Bắc Hàn là ông Kim Jong Un, Hoa Kỳ đã giúp Nam Hàn thiết lập một hệ thống phòng thủ hạt nhân.
Trung Quốc đã cho ra một bản danh sách trừng phạt nước này. ĐCSTQ đặt ra các hạn chế đối với các mặt hàng xuất cảng văn hóa của Nam Hàn như phim ảnh, âm nhạc, và trò chơi điện tử, cấm bán một số sản phẩm do Nam Hàn sản xuất như mỹ phẩm, máy lọc không khí, và thực phẩm, làm giảm đáng kể du lịch giữa hai quốc gia, và nhắm mục tiêu vào Lotte, một Công ty Nam Hàn đang hoạt động tại Trung Quốc, bằng cách từ chối cấp phép xây dựng nhà máy hoặc nhà kho mới. Quốc gia cộng sản này thậm chí còn nhắm mục tiêu vào trang web của công ty đó trong một cuộc tấn công mạng.
Lực lượng đặc nhiệm sẽ có sự tham gia của chính phủ, các tổ chức khu vực tư nhân
Trước cách tiếp cận cứng rắn về kinh tế của ĐCSTQ, dự luật này cho rằng một lực lượng đặc nhiệm liên ngành được gọi là “Lực lượng Đặc nhiệm Chống Cưỡng ép Kinh tế” (CEC) nên được thành lập.
CEC sẽ tìm cách đạt được điều này bằng cách làm việc với các đồng minh cũng như khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, mà ông Bera và bà Wagner gọi là “một đối tác quan trọng” trong cuộc chiến này.
Với sự tham vấn của các đồng minh, CEC sẽ “xác định, đánh giá, và ứng đối với các biện pháp kinh tế cưỡng ép của [ĐCSTQ].”
Để chứng minh cho tầm nhìn rộng lớn mà ông Bera và bà Wagner dự định cho CEC, lực lượng đặc nhiệm này sẽ được dẫn đầu bởi một loạt các nhân sự trong nhánh hành pháp, bao gồm các bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại, Ngân khố, Tư pháp, Nông nghiệp, cũng như Giám đốc Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ, và các đại diện từ Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cùng những người khác.
Lực lượng đặc nhiệm này cũng sẽ “có sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân của Hoa Kỳ,” thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho những người dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa của ĐCSTQ. Sự tham gia mật thiết của khu vực tư nhân trong đề xướng này, vốn mang lại cho khu vực tư nhân một vai trò có ảnh hưởng hiếm có trong các quyết định về chính sách ngoại giao, cho thấy sự công nhận rằng các kế hoạch được xây dựng kém có thể dẫn đến tổn hại về kinh tế nếu Trung Quốc trả đũa, điều mà nước này vẫn luôn thể hiện là trên cả sẵn lòng đi làm.
Dự luật cho thấy sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các thành viên Quốc hội rằng Trung Quốc gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, một mối đe dọa mà ông Bera và bà Wagner đã nhấn mạnh từ lâu trước khi đưa ra dự luật này.
Đề xướng này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu làm dấy lên lo ngại trong giới nghiên cứu rằng Trung Quốc có thể đang cố gắng xâm lược hoặc ép buộc Đài Loan, vốn là quốc gia sản xuất hầu hết các vi mạch trên thế giới, nhằm để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nội trong biên giới Trung Quốc.
Hiện tại, dự luật này vẫn còn sơ khai và chưa thu hút được bình luận từ các nhà lập pháp khác.
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, tập trung vào Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: