Hai nghị sĩ Cruz và Manchin hợp lực ngăn việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược
Hôm thứ Năm (20/07), Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một sửa đổi đối với dự luật quốc phòng thường niên, theo đó sẽ cấm xuất cảng dầu sang Trung Quốc từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia, vốn đã vơi đi một nửa sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh rút bớt một lượng dầu để giảm lạm phát tăng cao.
Bản sửa đổi do các Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) và Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) dẫn đầu này đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu hôm 20/07 của Thượng viện với tỷ lệ 85 phiếu thuận – 12 phiếu chống.
Dữ liệu liên bang mới nhất cho thấy SPR, từng được nạp đầy với sức chứa 727 triệu thùng cách đây hơn một thập niên, đã bị đẩy xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên với 336 triệu thùng.
Sự sụt giảm của kho dự trữ chiến lược đã trở thành chủ đề gây tranh cãi, khi các thành viên Đảng Cộng Hòa cáo buộc ông Biden đã rút trữ lượng dầu xuống một cách vô trách nhiệm và tước đi vùng đệm năng lượng quan trọng của quốc gia trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù chính phủ Biden đã cam kết sẽ bổ sung kho dự trữ, nhưng Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết quá trình này có thể mất nhiều năm, vì một chương trình mua lại trong thời gian ngắn có thể gây ra tăng giá đột ngột đồng thời khiến áp lực lạm phát quay trở lại vào một thời điểm mà giá dầu vẫn duy trì ở mức cao.
Theo phương thức lưỡng đảng, Thượng viện đã tiến hành bảo vệ để cho kho dự trữ chiến lược không bị rút cạn thêm nữa. Việc kho dự trữ bị suy giảm sẽ có lợi cho các đối thủ của Hoa Kỳ, những quốc gia này đã và đang bồi đắp cho kho dự trữ của họ.
Do đó, hôm 20/07, Thượng viện đã thông qua một sửa đổi (pdf) đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) để cấm việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược cho Trung Quốc, Bắc Hàn, Iran, và Nga.
Dầu của SPR chảy đến Trung Quốc
Tháng Bảy năm ngoái (2022), trong đợt bán ra 39 triệu thùng dầu của một đợt trích xuất tổng cộng khoảng 180 triệu thùng từ SPR do ông Biden ra lệnh, có khoảng 1 triệu thùng đã được chuyển đến UNIPEC America, một chi nhánh của công ty Sinopec của Trung Quốc có trụ sở tại Houston.
“Chúng tôi biết Trung Quốc đã và đang tích lũy kho dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm ngoái, Hoa Kỳ đã bán một phần trong kho dự trữ của mình cho Trung Quốc,” ông Cruz cho biết trong một tuyên bố. “Tôi đã và đang hợp tác với Thượng nghị sĩ Manchin theo phương thức của lưỡng đảng để cấm những hành động liều lĩnh không thể hiểu nổi như vậy.”
Ông Cruz nói thêm: “Chúng ta không nên bán dự trữ dầu khẩn cấp của mình cho những đối thủ của chúng ta.”
Ông Manchin, người đã nhiều lần chỉ trích các chính sách năng lượng của chính phủ Biden, cũng có nhìn nhận tiêu cực tương tự về việc Hoa Kỳ đang rút kiệt kho dự trữ xăng dầu của mình.
Trong khi Hoa Kỳ đẩy mạnh sản xuất và xuất cảng nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu vào thời điểm một số nguồn cung cấp dầu thô ngừng hoạt động sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thì một số quốc gia khác đã có phương sách khác đối với cuộc khủng hoảng năng lượng này.
“Mặt khác, Trung Quốc đã dự trữ dầu và hạn chế sản xuất lọc hóa dầu, và trong thời gian Trung Quốc đang dự trữ, một trong những công ty nhà nước của nước này đã mua hơn 1.4 triệu thùng từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, từ người dân của quốc gia vĩ đại của chúng ta, từ kho dự trữ của chính chúng ta,” ông Manchin cho biết trong một tuyên bố. “Đó là điều chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn.”
Một số thượng nghị sĩ đã phản đối dự luật nói trên. Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) đã phản đối lệnh cấm, và nói rằng lệnh cấm “tạo ra ảo tưởng về việc giải quyết vấn đề trong khi có rất ít tác động chính trị và có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.”
Một số nhà phân tích cho rằng hành động này mang tính biểu tượng hơn là thiết thực.
Ông Benjamin Salisbury, một nhà phân tích tại Height Capital Markets, cho biết rằng một lệnh cấm có khả năng không tạo ra “bất kỳ tác động mang tính hệ thống nào đối với hoạt động của SPR, vốn được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh trong một thị trường tương đối thanh khoản.”
Trước khi sửa đổi này có thể trở thành luật như một phần của dự luật quốc phòng, Hạ viện và Thượng viện cần phải họp bàn để đưa ra phiên bản cuối cùng của dự luật. Phiên bản này phải được cả hai viện thông qua và được ông Biden ký để trở thành luật và có hiệu lực.
Hôm 18/07, Thượng viện đã bỏ phiếu bắt đầu xem xét dự luật quốc phòng kể trên để tiến một bước gần hơn tới việc thông qua cuối cùng.
Thượng viện bắt đầu xem xét dự luật quốc phòng
Các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 72 phiếu thuận và 25 phiếu chống để tiến tới kiến nghị chấm dứt tranh luận nhằm đưa ra phiên bản [chính thức của] dự luật, trong đó quy định các chính sách cho các chương trình và hoạt động của Bộ Quốc phòng (DOD), cũng như xây dựng quân đội, và các chương trình an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng (DOE).
Mặc dù dự luật cho phép phân bổ tiền [cho mục đích nào đó], nhưng nó không cung cấp quyền ngân sách [để giải ngân và sử dụng số tiền này].
Gói quốc phòng trị giá 886 tỷ USD này cho phép cấp 844.3 tỷ USD cho DOD và 32.4 tỷ USD cho các chương trình an ninh quốc gia trong DOE.
Theo một bản tóm tắt (pdf) từ Ủy ban Quân vụ Thượng viện, gói quốc phòng cũng bao gồm mức tăng lương 5.2% cho cả quân nhân và nhân viên dân sự của DOD, và kéo dài Sáng kiến Trợ giúp An ninh cho Ukraine (USAI) cho đến năm tài khóa 2027.
Các điều khoản đáng chú ý khác trong dự luật là tăng cường tài trợ cho một số sáng kiến nhằm đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng, bao gồm cả nghiên cứu về các hoạt động gây ảnh hưởng độc hại của ngoại quốc và một “chương trình đào tạo, tư vấn, và xây dựng năng lực tổ chức toàn diện cho các lực lượng quân sự của Đài Loan,” khi Trung Quốc đang có các hành động ngày càng hung hăng.
Báo cáo có sự đóng góp của Katabella Roberts
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times