Hai mặt của mối bang giao Trung-Nga
Gần đây có hai sự kiện cho thấy tính hai mặt của mối bang giao giữa Trung Quốc và Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khởi công dự án hợp tác năng lượng nguyên tử lớn nhất giữa hai nước qua hội nghị truyền hình hôm 19/05. Ông Putin tuyên bố rằng mối bang giao Trung-Nga hiện đang là tốt đẹp nhất, trong khi ông Tập nói rằng hai nước sẽ phát triển các mối liên hệ song phương ở cấp độ cao hơn, rộng hơn và sâu hơn. Sự kiện này cho thấy một diện mạo khiến phương Tây rất lo ngại-có thể Trung Quốc và Nga đang hình thành một liên minh.
Tuy nhiên, trước đó hôm 03/05, Đảng Tổ quốc Nga Vĩ đại, trong một bức thư ngỏ, đã cáo buộc Đảng Cộng sản Nga cùng các quan chức cao cấp của Đảng này đã nhận tiền và các ân huệ khác từ Trung Cộng và phụng sự với tư cách là đặc vụ của Trung Cộng tại Nga. Một số nhà phân tích cho rằng các đảng chính trị của Nga thường bôi nhọ lẫn nhau, nhưng hiếm khi chơi quân bài Trung Quốc để tấn công đối thủ. Vụ việc này cho thấy diện mạo khác của mối bang giao Trung-Nga – sự ngờ vực to lớn của Nga đối với Trung Cộng và những mâu thuẫn sâu sắc đằng sau các chính sách về Trung Quốc của nước này.
Trên thực tế, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai mặt của mối bang giao Trung-Nga thường xuyên hoặc là đổi qua lại hoặc là hòa quyện với nhau. Trong những năm qua, thế giới dường như bị thu hút nhiều hơn bởi mặt cho thấy Trung Quốc và Nga là đồng minh.
Chẳng hạn, kể từ ngày 05/06/2019, kênh truyền thông nhà nước Trung Cộng Tân Hoa Xã đã đưa tin rằng đó là thời điểm khi mối bang giao song phương được nâng lên thành “quan hệ đối tác phối hợp chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới,” đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã khởi đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong khi đó mối bang giao giữa Nga với Hoa Kỳ và Âu Châu xấu đi, khiến Trung Quốc và Nga phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Có những biến cố khác cho thấy Trung Quốc và Nga đang tăng cường quan hệ ngoại giao. Chẳng hạn, vào ngày 22/10/2020, khi hồi đáp một câu hỏi của giới truyền thông tại Diễn đàn Thảo luận Valdai, ông Putin đã nói rằng việc thiếu liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc vào thời điểm hiện tại không liên quan gì đến thái độ của đôi bên, mà đúng hơn là [điều đó] thiếu cần thiết. Tuy nhiên, không loại trừ một liên minh như vậy sẽ có trong tương lai.
Câu trả lời của ông Putin mang đầy hàm ý. Ví dụ, vào tháng Hai năm nay, ngoại trưởng của Nga và Trung Quốc đã trao đổi trong một cuộc điện đàm rằng liên kết hợp tác chiến lược giữa đôi bên là toàn diện.
Trong nội bộ cả hai quốc gia đều có tiếng nói ủng hộ việc liên minh lại. Nhà nghiên cứu cao cấp người Nga Vasily Kashin viết rằng Nga và Trung Quốc nên thành lập liên minh quân sự ngay khi có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Hoa Kỳ. Vì các công ty Nga tham gia vào phát triển hệ thống cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo của Trung Cộng, nên Nga và Trung Quốc có vị thế tốt để xây dựng mạng lưới phòng thủ hỏa tiễn toàn cầu bằng cách chia sẻ dữ liệu và thiết lập liên kết đối tác của riêng họ.
Về phía Trung Quốc, ông Vương Hải Vận (Wang Haiyun), từng là đại diện cho lực lượng vũ trang của Trung Cộng ở Liên Xô và Nga trong gần 10 năm qua, cũng viết rằng cần phải nâng mối bang giao giữa hai nước lên mức một “mối liên kết đồng minh gần gũi”-một mối bang giao của sự “kề vai, sát cánh, tay trong tay, tâm đối tâm” với một “mối liên kết quân sự hữu nghị đặc biệt. … Cả Trung Quốc và Nga nên mạnh dạn và mau lẹ hơn nữa” trong việc làm sâu sắc thêm các mối liên kết quân sự, ông viết.
Trên thực tế, mặc dù Nga và Trung Quốc nhấn mạnh rằng cả hai bên tuân thủ nguyên tắc không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào, nhưng tối thiểu thì Moscow và Bắc Kinh đã là “đồng minh gần gũi,” theo Tân Hoa Xã.
Chúng ta hãy xem qua một vài ví dụ.
Nga và Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự, với sự hợp tác quân sự-kỹ thuật rất chặt chẽ, bao gồm cả việc trao đổi công nghệ quân sự giữa hai bên. Đáng chú ý là Nga đã và đang giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống cảnh báo hỏa tiễn. Ngoài ra, vào cuối tháng 07/2019 và vào ngày 22/12/2020, Nga và Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc tuần tra chiến lược chung trên không, mở rộng các hoạt động của họ từ Biển Nhật Bản đến Biển Hoa Đông-điều này đã được quảng bá rầm rộ bởi các hãng thông tấn nhà nước ở cả hai nước.
Theo báo cáo của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) kể từ năm 2018, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc vẫn ở mức khoảng 100 tỷ USD, với mục tiêu mới là 200 tỷ USD đạt được vào năm 2024. Theo công ty tư vấn nghiên cứu Trung Quốc Qianzhan, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong nhiều năm và tỷ trọng phần trăm của nước này trong tổng kim ngạch thương mại của Nga đã tăng từ 8.12% vào năm 2013 lên 15.76% vào năm 2018.
Khi hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga phát triển mạnh mẽ hơn, có ba vấn đề cần được xem xét.
Thứ nhất, tỷ lệ thanh toán bằng nội tệ của hoạt động thương mại Nga-Trung đạt 25% vào năm 2020, trong khi vào năm 2013 và 2014 thì con số này không đáng kể, chỉ ở mức khoảng 2% đến 3%-đây được gọi là “de-dollarization” (loại bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD), theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc.
Thứ hai, xuất cảng nông sản của Nga sang Trung Quốc tăng đáng kể vào năm 2020, đưa thương mại nông sản trở thành điểm sáng mới trong hợp tác kinh tế và thương mại song phương, từ đó củng cố vị thế của Trung Quốc như một điểm đến đứng đầu cho xuất cảng nông sản của Nga. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt khi xét đến tình trạng thiếu lương thực tiềm tàng ở Trung Quốc và mối bang giao căng thẳng giữa Trung Cộng và các nước xuất cảng lương thực lớn trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Úc và Canada.
Thứ ba, tầm quan trọng của hợp tác năng lượng Trung-Nga, ông Tập gọi đây là dự án quan trọng nhất, hiệu quả nhất và trên phạm vi rộng giữa hai nước. Chẳng hạn như, Dự án Khí đốt miền Đông Trung-Nga, còn được gọi là Power of Siberia, chính thức được đưa vào vận hành tháng 12/2019, với công suất xuất cảng 38 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương hơn 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Trung Quốc trong năm 2018. Trong khi đó, Nga đã bắt đầu chuẩn bị bắt tay vào Dự án Đường ống dẫn Khí đốt phía Tây Trung-Nga, Power of Siberia 2.
Tuy nhiên, “mối liên kết đối tác chiến lược” được chính quyền Trung Quốc và Nga quảng cáo rầm rộ như vậy không thể giấu diếm hay che đậy đi bản chất bẩn thỉu và xung đột của mối bang giao song phương này.
Sau đây chỉ là một ví dụ. Hôm 25/02 năm nay, một người dân địa phương tên là Vladimir Vasiliev đã bị truy tố trong một vụ án gián điệp vì thu thập thông tin tình báo cho cơ quan gián điệp của Trung Quốc và bị tòa án ở Zabaykalsky Krai của Nga ở Chita kết án tám năm tù giam vì tội phản quốc. Vụ án này khác với hầu hết các vụ gián điệp khác-nó không liên quan gì đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng nó diễn ra tại khu vực biên giới có ý nghĩa quân sự. Nga đã cố tình giấu nhẹm vụ việc này.
Thế nên, bất chấp mối bang giao ngày càng khăng khít hơn giữa Nga và Trung Quốc, tại sao cả hai nước đều âm mưu chống lại nhau và các hoạt động gián điệp lại trở nên thường xuyên hơn như vậy?
Trên thực tế, về mặt quan hệ đối ngoại, Nga đã đang thực hiện một cách tiếp cận mang tính phòng thủ cao để kiềm chế và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng, đặc biệt gây nhiễu loạn cho chế độ này.
Chẳng hạn, Nga đã xuất cảng một lượng lớn vũ khí tiên tiến cho Ấn Độ sau cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2020. Nga và Ấn Độ đang nỗ lực để xây dựng một chương trình hợp tác quân sự-kỹ thuật mới trong 10 năm tới. Ngoài ra, Nga đã và đang giúp Ấn Độ chế tạo phi cơ và tàu ngầm thế hệ thứ năm, đồng thời phát triển xe tăng ở vùng cao, v.v., tất cả đều nhằm mục đích kiềm chế Trung Cộng.
Một ví dụ khác, vì Trung Á được coi là sân sau của Nga, Nga phải chống lại sự bành trướng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đó. Năm nay, việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan đã thu hút nhiều sự chú ý hơn đến các vấn đề an ninh tại khu vực đó và Trung Cộng đã sử dụng cơ chế “5+1” mới được thiết lập để tăng cường tương tác với các quốc gia ở Trung Á.
Hôm 12/05, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã gặp mặt những người đồng cấp từ năm quốc gia Trung Á tại Tây An để “củng cố lòng tin chiến lược lẫn nhau” và “thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao,” theo thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Trung Quốc. Hôm 14/05, các hãng thông tấn thân chính phủ của Nga đã chỉ trích gay gắt Bắc Kinh vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Trung Á, theo bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Bản tin này cho biết, Trung Cộng đã góp phần vào tình trạng tham nhũng tràn lan ở Trung Á bằng việc chi các khoản hối lộ lớn cho các quan chức quyền lực ở địa phương. Trên thực tế, khi làn sóng chống Trung Cộng ở một số quốc gia Trung Á ngày càng tăng, Kazakhstan đã thông qua luật mới hôm 13/05, chính thức cấm bán và cho thuê đất nông nghiệp cho người nước ngoài.
Không có gì bí mật rằng đã có một cuộc giằng co giữa Nga và Trung Quốc tại Trung Á trong vài năm qua.
Một trường hợp điển hình: vào tháng 09/2019, ông Putin đã đến thăm Mông Cổ và hai bên đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy liên kết đối tác chiến lược. Trong một sự kiện lớn khác, vào tháng 07/2020, Nga đề nghị Mông Cổ gia nhập Tổ chức An ninh và Quốc phòng Tập thể (CSDO) do Nga đứng đầu để tăng cường mối bang giao song phương.
Các thành viên hiện tại của CSDO bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga. Là thành viên của CSDO, vũ khí do Nga sản xuất có thể được mua với giá nội địa rẻ hơn. Các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn được tổ chức thường niên trên lãnh thổ của một số quốc gia thành viên. Trong những năm gần đây, Nga đã đưa hỏa tiễn chiến thuật Iskander mang đầu đạn nguyên tử tới Kyrgyzstan và Tajikistan thông qua các cuộc tập trận chung.
Nếu Mông Cổ tham gia CSDO, thì nước này sẽ trở thành thành viên không thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) đầu tiên của tổ chức này; quan trọng hơn, Mông Cổ sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe chiến lược chống lại Trung Cộng.
Từ những hành động nói trên của Nga, người ta có thể có cái nhìn thoáng qua về chiến lược hai mặt của nước này đối với Trung Quốc.
Một mặt, Nga sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng để thúc đẩy kinh tế và chống lại sức ép chiến lược từ phương Tây. Mặt khác, Nga sẽ củng cố các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương để tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Cộng đồng thời giữ sức ảnh hưởng và tham vọng của chế độ Trung Cộng nằm trong tầm kiểm soát.
Cách tiếp cận chiến lược mà Nga thực hiện đối với Trung Quốc dựa trên tương quan thế mạnh của hai nước.
Trước hết, nền kinh tế Nga đã ì ạch kể từ năm 2008, và khoảng cách kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã mở rộng đáng kể. Ví dụ, vào năm 2020, GDP của Nga là khoảng 1.46 nghìn tỷ USD, so với Trung Quốc là 14.8 nghìn tỷ USD, theo Statista. Thứ hai, Nga vẫn coi mình là một cường quốc thế giới, không muốn chỉ đơn thuần là nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cho Trung Quốc, mà muốn ngang hàng với nước này. Nga có một lợi thế hơn nữa so với Trung Quốc-công nghệ quân sự của họ.
Các loại vũ khí và thiết bị của Liên Xô cũ từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của chế độ Trung Cộng, vốn muốn có được chúng bằng việc mua, sao chép hoặc đánh cắp. Nhưng liệu Nga có thể nắm giữ lợi thế công nghệ quân sự này trước Trung Quốc trong bao lâu? Theo một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển, Nga có thể chỉ còn năm đến mười năm nữa cho đến khi Trung Quốc bắt kịp. Khi điều đó xảy ra, Nga sẽ làm sao để có thể cạnh tranh với Trung Quốc để có vị thế bình đẳng?
Các nhà chức trách Nga nhận thức rõ những mâu thuẫn cùng những lỗ hổng cố hữu trong chiến lược hiện tại của họ đối với Trung Quốc. Giờ đây, nếu Nga không nhìn ra được bản chất thực sự của Trung Cộng và nếu nước này tiếp tục giữ chiến lược hai mặt trong việc đối phó với Trung Quốc, thì Nga sẽ gặp nguy hiểm.
Tác giả Vương Hà (Wang He) có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử, chuyên nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là nhà quản lý của một công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc. Ông đã bị bỏ tù ở Trung Quốc hai lần vì đức tin của mình. Ông Vương hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Vương Hà thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times. (Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản)
Xem thêm: