Hạ viện thông qua, và đang gửi lên Thượng viện dự luật ngân sách trị giá 1.85 ngàn tỷ USD
Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 220–213 để thông qua dự luật Ngân sách Xây dựng lại Tốt hơn trị giá 1.85 ngàn tỷ USD của Đảng Dân Chủ vào thứ Sáu (18/11), gửi dự luật này lên Thượng viện sau nhiều tháng trì hoãn và đấu tranh nội bộ.
Tuy nhiên, mặc dù việc thông qua cuối cùng đã kết thúc nhiều tháng kịch tính tại Hạ viện, dự luật giờ đây sẽ phải đối mặt với một thách thức thậm chí còn khó khăn hơn tại Thượng viện, nơi mà sự quay lưng của một thành viên Dân Chủ duy nhất cũng có thể kết thúc dự luật.
Đảng Cộng Hòa không hài lòng với việc thông qua dự luật sau nhiều tháng chống lại biện pháp đề nghị mà họ cho là quá đắt và nguy hiểm về mặt kinh tế.
Đưa ra lá phiếu của mình tại Hạ viện, một nữ dân biểu Đảng Cộng Hòa nói rằng bà đã bỏ phiếu “Không bao giờ” một cách dứt khoát cho cái dự luật “Xây lại đề phá sản” này.
Sau khi dự luật được thông qua, TNS. Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) đã lên Twitter để chỉ trích luật.
Ông Grassley viết: “Tôi phản đối sự liều lĩnh về thuế và chi tiêu của Đảng Dân Chủ mà Hạ viện vừa mới thông qua. Thật sai lầm khi nước Mỹ chi 1.9 ngàn tỷ USD cho chi tiêu xã hội khi lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm. Thượng viện nên ném dự luật mang tính đảng phái [này] vào thùng rác và làm [chính sách] định giá thuốc, nghỉ phép có lương, v.v. theo cách lưỡng đảng.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã phản đối kể từ khi đạo luật này ra đời và đã nhất trí bỏ phiếu chống lại dự luật.
Các thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu cho dự luật gần như nhất trí và rạng rỡ trước việc Hạ viện thông qua dự luật bị trì hoãn từ lâu.
Sau khi dự luật đạt đến ngưỡng được thông qua, các thành viên Đảng Dân Chủ đã tụ tập cùng nhau ở một bên của Hạ Viện, hò hét, vỗ tay, và cổ vũ khi thông qua dự luật.
Dân biểu cấp tiến Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) nói với các phóng viên bên ngoài phòng họp Hạ viện, “Đây là lý do tại sao chúng tôi thậm chí tranh cử và phục vụ trong Quốc hội. Thông qua luật như luật này tác động đến cuộc sống hàng ngày của mọi người để biến đổi về thực chất cho chúng ta. ”
Nhưng một thành viên, Dân biểu Jared Golden (Dân Chủ-Maine), một người ôn hòa trung thành trong Nhóm những người Giải quyết Vấn đề của lưỡng đảng, đã bỏ phiếu với các thành viên Cộng Hòa chống lại dự luật.
Đầu năm, ông Golden đã tham gia một nhóm 9 (sau này là 10) thành viên ôn hòa để yêu cầu tách rời dự luật ngân sách của đảng phái khỏi dự luật cơ sở hạ tầng, mà những người ôn hòa gọi là “một chiến thắng của lưỡng đảng cho quốc gia của chúng ta.” Yêu cầu này dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng giữa những thành viên ôn hòa và những thành viên cấp tiến mà ngay cả sự can thiệp của Tổng thống Joe Biden cũng không thể giải quyết được.
Những thành viên cấp tiến, chiếm gần một nửa trong số Nhóm của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, từ lâu đã tỏ ra không tin tưởng vào những thành viên ôn hòa. Các thành viên cấp tiến trong Hạ viện, do nghĩ rằng các thành viên ôn hòa sẽ phá bỏ dự luật [ngân sách] này nếu dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD mà các thành viên ôn hòa ưa chuộng được thông qua trước, đã cho biết rằng, các thành viên cấp tiến sẽ không bỏ phiếu cho dự luật cơ sở hạ tầng mà không thông qua dự luật ngân sách trước.
Ban đầu, cả dự luật ngân sách và cơ sở hạ tầng đều được dự kiến cho một cuộc bỏ phiếu hôm 27/09. Tuy nhiên, những thành viên ôn hòa đã từ chối yêu cầu của các thành viên cấp tiến rằng các dự luật ngân sách và cơ sở hạ tầng phải được xem xét riêng biệt, dấu hiệu đầu tiên gây rắc rối cho sự lãnh đạo của Đảng Dân Chủ.
Sự can thiệp kéo dài 11 giờ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã giúp thúc đẩy dự luật ngân sách hôm 27/09, nhưng sự phân chia trong nhóm này vẫn tiếp tục.
Trong một tháng rưỡi tiếp theo, một số thời hạn của lãnh đạo được đưa ra rồi bị bỏ qua mà không có chuyển động nào đối với cả hai dự luật.
Ngay cả hai chuyến thăm của ông tổng thống cũng không thể hàn gắn khoảng cách này, khiến các nhà lãnh đạo và các thành viên cao cấp ngày càng thất vọng.
Trong khi hầu hết những thành viên ôn hòa và cấp tiến cho biết họ sẵn sàng bỏ phiếu cho dự luật về mặt lý thuyết, nhưng về các chi tiết cụ thể về chi phí và các loại chương trình nên có trong dự luật thì vô cùng bất đồng ý kiến.
Khoảng giữa tháng 11, các thành viên Dân Chủ đã cố gắng thông qua Hạ viện trước khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đánh giá chi tiết về những tác động của dự luật đối với thâm hụt liên bang và nợ quốc gia.
Nhưng những thành viên ôn hòa đã yêu cầu rằng đánh giá này phải được đưa ra trước khi họ bỏ phiếu cho dự luật này. Các nhà lãnh đạo Dân chủ miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu này, đẩy cuộc bỏ phiếu về dự luật [lùi lại] cho đến khi công bố thông tin đánh giá.
Được công bố vào tối hôm thứ Năm (17/11), CBO ước tính rằng dự luật sẽ thêm 367 tỷ USD vào thâm hụt liên bang, bất chấp những tuyên bố của Đảng Dân Chủ rằng dự luật này sẽ không gây tốn kém gì và sẽ được thanh toán bằng cách tăng thuế suất đối với những người giàu có.
Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề của Đảng Dân Chủ đều đến từ Thượng viện.
Trong Hạ viện, các thành viên Đảng Dân Chủ có thể chấp nhận tối đa đến ba phiếu chống. Tuy nhiên, tại Thượng viện, nơi Đảng Dân Chủ nắm giữ 51 phiếu, là đa số phiếu ít nhất có thể (bao gồm cả phiếu phá thế cân bằng của Phó Tổng thống), thì Đảng Dân chủ không được phép sai sót.
Tại thượng viện chỉ có lợi thế mỏng manh này, hầu hết các đảng viên Đảng Dân Chủ đều ủng hộ luật pháp. Nhưng hai thành viên ôn hòa, TNS. Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), và TNS. Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona) đã chống lại dự luật trong nhiều tháng.
Đối với cả hai thượng nghị sĩ này, mức ngân sách ban đầu 3.5 ngàn tỷ USD của dự luật là quá cao để chấp nhận.
Bộ đôi liên tục gặp gỡ tổng thống, khiến một nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ châm biếm rằng “[Manchin và Sinema] có một chỗ đậu xe lâu dài tại Tòa Bạch Ốc.”
Nhưng bất chấp những nỗ lực của ông Biden nhằm xoay chuyển hai vị này ủng hộ mức ngân sách lớn hơn, mức ngân sách cuối cùng đã bị cắt giảm khoảng một nửa từ 3.5 ngàn tỷ USD xuống còn 1.85 ngàn tỷ USD.
Dự luật thỏa hiệp này đã khiến những thành viên cấp tiến tức giận, những thành viên vốn coi dự luật 3.5 ngàn tỷ USD đã là một sự thỏa hiệp nặng nề rồi. Bản thảo ban đầu của TNS Bernie Sanders (Độc lập-Vermont) có trị giá là 6 ngàn tỷ USD.
Những người tiến bộ cuối cùng vẫn đã chấp nhận dự luật. Tuy nhiên, ông Manchin và bà Sinema đã từ chối thực hiện cam kết tương tự. Ông Manchin đã có những lời chỉ trích đặc biệt cởi mở của mình đối với dự luật này, lưu ý những tác động tiêu cực mà dự luật có thể gây ra đối với thâm hụt liên bang, nợ quốc gia và lạm phát.
Giờ đây, ước tính của CBO về tác động của dự luật đối với thâm hụt được công bố, ông Manchin và bà Sinema có thể vẫn do dự trong việc thông qua dự luật, tạo tiền đề cho một cuộc chiến khác tại Thượng viện.
Ông Joseph Lord là một ký giả về Quốc hội cho The Epoch Times, người tập trung vào Đảng Dân chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: