Hạ viện thông qua dự luật cải cách bầu cử, Thượng viện sẽ sớm xem xét
Cuối hôm thứ Năm (13/01), Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã thông báo rằng Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét luật liên quan đến bầu cử vào ngày 18/01.
Trước đó hôm thứ Năm, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã kết hợp hai dự luật bầu cử riêng biệt — Đạo luật Tự do Bầu cử và Đạo luật Sửa đổi Quyền Bầu cử John Lewis — thành một văn bản duy nhất và thông qua dự luật này với số phiếu 220-203 trong một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái.
Đạo luật này đã được gửi tới Thượng viện, nơi các thành viên Đảng Dân Chủ đang sử dụng một lỗ hổng thủ tục để vượt qua quy trình tranh luận không giới hạn và buộc luật này phải được đưa ra tại phòng họp cho một cuộc tranh luận.
Mặc dù các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện bị cấm ngăn chặn một cuộc tranh luận, nhưng họ vẫn có thể ngăn các đồng nghiệp Đảng Dân Chủ của mình tổ chức một cuộc bỏ phiếu cuối cùng.
Thông báo của ông Schumer về ngày 18/01 cách biệt một ngày so với thời hạn tự đặt ra của ông vào ngày 17/01 để xem xét các dự luật liên quan đến bầu cử.
“Do các tình huống liên quan đến dịch COVID và một cơn bão mùa đông tiềm ẩn nguy hiểm khác đang tiếp cận khu vực D.C. vào cuối tuần này, nên Thượng viện sẽ phải hoãn lại vào tối nay,” ông Schumer nói trong phòng họp Thượng viện. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hoãn giải lao để Thượng viện có thể bỏ phiếu về quyền bầu cử. Chúng tôi sẽ trở lại vào thứ Ba (18/01) để tiếp nhận thông điệp đã được Hạ viện thông qua có chứa luật về quyền bầu cử.”
“Không sai, lần đầu tiên Thượng viện Hoa Kỳ sẽ tranh luận về luật về quyền bầu cử bắt đầu vào thứ Ba.”
Ông nói thêm, “Và nếu các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện chọn cản trở việc bảo vệ quyền thiêng liêng được bầu cử, như chúng tôi dự đoán họ sẽ làm, thì Thượng viện sẽ xem xét và bỏ phiếu về việc thay đổi các quy tắc của Thượng viện, như đã được thực hiện nhiều lần trước đây, để cho phép thông qua luật về quyền bầu cử.”
Đạo luật Sửa đổi Quyền Bầu cử John L. Lewis, trong số một loạt các điều khoản, sẽ khôi phục một số khía cạnh của Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 trong nỗ lực tăng cường quyền kiểm soát của liên bang đối với các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Đạo luật Tự do Bầu cử sẽ tạo ra các tiêu chuẩn liên bang cho việc bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm, và ID cử tri, cùng với các điều khoản khác.
Ngoài việc kết hợp hai dự luật này thành một văn bản duy nhất, Đảng Dân Chủ đã đưa nó vào dự luật đã được thông qua trước đó nhằm mở rộng thẩm quyền của NASA để [cơ quan này] cho thuê các cơ sở của mình.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Joe Biden đã gặp các thành viên Đảng Dân Chủ Thượng viện ở Capitol Hill, kêu gọi họ thay đổi quy trình tranh luận không giới hạn (filibuster) — ngưỡng 60 phiếu bầu để luật được tiếp tục thông qua tại Thượng viện — để họ có thể bỏ qua sự phản đối của toàn bộ các thành viên Đảng Cộng Hòa và thông qua đạo luật này với đa số quá bán trong một Thượng viện bị chia cắt bởi khoảng cách hẹp [giữa đa số và thiểu số].
Nhưng trước khi tổng thống đến Điện Capitol Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona) và Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) đã nhắc lại rằng họ sẽ không ủng hộ những thay đổi đối với quy trình filibuster, khiến cho chiến lược trên bị hoài nghi.
Bà Sinema nói rằng, “Việc loại bỏ ngưỡng 60 phiếu bầu sẽ chỉ đơn giản là bảo đảm rằng chúng ta mất đi một công cụ quan trọng mà chúng ta cần để bảo vệ nền dân chủ của mình khỏi các mối đe dọa trong những năm tới.”
Bản thân ông Biden đã bày tỏ sự hoài nghi về việc dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua sau khi các thượng nghị sĩ ra hiệu phản đối. “Câu trả lời trung thực với Chúa là tôi không biết liệu chúng ta có thể làm được điều này hay không,” ông nói với các phóng viên.
Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: