Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn chính phủ đóng cửa
209 dân biểu Đảng Dân Chủ đã cùng 127 dân biểu Đảng Cộng Hòa thông qua biện pháp hai bước của Chủ tịch Johnson để tài trợ cho chính phủ đến hết tháng Một.
Hôm 14/11, Hạ viện đã thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời để tiếp tục tài trợ cho chính phủ theo hai giai đoạn cho đến hết ngày 02/02/2024.
209 dân biểu Đảng Dân Chủ đã cùng với 127 dân biểu Đảng Cộng Hòa thông qua dự luật này trong cuộc bỏ phiếu có 336 phiếu thuận và 95 phiếu chống. 93 dân biểu Đảng Cộng Hòa và hai dân biểu Đảng Dân Chủ phản đối dự luật này.
Việc lưỡng đảng thông qua dự luật này đã mang lại một chiến thắng to lớn cho Chủ tịch Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana). Người tiền nhiệm của ông đã bị cách chức sau khi thông qua một dự luật tương tự hồi tháng Chín.
Dự luật này được xem xét trong điều kiện đình chỉ các quy định, nghĩa là dự luật cần có đa số 2/3 để thông qua. Cách làm đó rõ ràng là nhằm tránh cho dự luật bị chặn lại trong một cuộc biểu quyết theo thủ tục vốn dĩ cần phải diễn ra.
Hiện giờ dự luật sẽ được trình lên Thượng viện, nơi có thời hạn đến nửa đêm ngày 17/11 để thông qua dự luật này nếu không chính phủ sẽ gặp nguy cơ đóng cửa.
Lãnh đạo Đa số Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đều ủng hộ hành động này.
Chủ tịch Hạ viện, người nhậm chức hôm 25/10 giữa cuộc chiến lập pháp về việc tài trợ liên bang, đã bắt tay vào việc chỉ ba tuần trước thời điểm hết hạn của một dự luật tài trợ tạm thời (còn được gọi là nghị quyết tiếp tục tài trợ — CR), vốn đã được thông qua hôm 30/09.
Điều đó đã khiến ông Johnson đưa ra một CR khác có cách tiếp cận mới lạ.
Dự luật này, H.R. 6363, “Tiếp tục Phân bổ ngân sách cho Năm Tài khóa 2024,” sẽ mở rộng thẩm quyền tài trợ cho các chức năng khác nhau của chính phủ liên bang theo hai giai đoạn.
Ngân quỹ cho các bộ Nông nghiệp, Năng lượng và Nước, Giao thông vận tải, Gia cư và Phát triển Đô thị, và cho Xây dựng Quân sự và Các vấn đề Cựu chiến binh sẽ hết hạn vào ngày 19/01.
Nguồn tài trợ cho các bộ này nằm trong tám dự luật chi tiêu còn lại sẽ được gia hạn đến hết ngày 02/02.
Các nghị quyết tiếp tục tài trợ ngày càng không được lòng các thành viên Đảng Cộng Hòa theo hướng bảo tồn truyền thống về mặt tài khóa. Tuy nhiên, ông Johnson bảo vệ rằng CR này vừa là một sự đổi mới hữu ích vừa là một phương sách cuối cùng.
“Đây là một bước đầu tiên rất quan trọng để… thay đổi cách thức hoạt động của Hoa Thịnh Đốn,” ông Johnson nói với các phóng viên hôm 14/11.
“Tôi nghĩ mọi thành viên trong căn phòng đó đều đồng ý rằng đó là một sự đổi mới quan trọng, và điều đó thay đổi cách thực hiện mọi việc.”
CR này nằm trong kế hoạch của ông Johnson nhằm đưa Hạ viện trở lại trật tự bình thường, nghĩa là các dự luật chi tiêu sẽ được lần lượt thông qua, nhằm tạo cơ hội cho việc tranh luận và sửa đổi trên sàn Hạ viện.
Một lúc sau, vị chủ tịch này nói rằng ông sẽ không bao giờ sử dụng công cụ đó nữa.
“Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cam kết sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng này nữa. Tôi đã hoàn thành xong các CR ngắn hạn,” ông Johnson nói.
Ông Johnson cho biết Hạ viện sẽ thông qua tất cả 12 dự luật chi tiêu trước ngày cuối cùng của năm tài khóa liên bang (tức ngày 30/09 năm sau) — một điều chỉ diễn ra bốn lần trong 50 năm qua.
Điều đó sẽ tránh cho việc phải đưa ra các nghị quyết tiếp tục, vốn thường kéo theo một dự luật chi tiêu lớn gồm nhiều mục được thông qua vào gần cuối năm dương lịch.
Phản ứng
Mặc dù một số dân biểu Đảng Cộng Hòa rất không hài lòng với việc thông qua dự luật này, nhưng họ đã nói rõ rằng ông Johnson sẽ không phải chịu sự trả đũa như vị chủ tịch tiền nhiệm.
“Đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn,” Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) nói với The Epoch Times sau cuộc bỏ phiếu. “Chúng ta nên đưa ra một dự luật được Đảng Cộng Hòa ủng hộ áp đảo.”
Khi được hỏi liệu ông Johnson có gặp hậu quả gì vì đã thông qua một dự luật với đa số phiếu bầu do Đảng Dân Chủ bù vào hay không, ông Roy cho biết, “Hôm nay chúng tôi đã dự tính một số hành động khác nhau,” nhưng ông cũng nói thêm rằng kiến nghị bãi nhiệm chức chủ tịch không nằm trong số đó. “Chúng tôi sẽ cho ông ấy một chút không gian,” ông Roy nói. “Ông Mike là một người tốt.”
Phó lãnh đạo Thiểu số Catherine Clark (Dân Chủ-Massachusetts) cho biết các thành viên Đảng Dân Chủ sẵn sàng ủng hộ dự luật này vì trong đó không có những phụ lục gây hại cho các ưu tiên của họ, chẳng hạn như một đề nghị cấm phá thai hoặc đóng cửa các văn phòng dân quyền.
“Tôi nghĩ [ông Johnson] biết rằng việc đóng cửa một lần nữa dưới sự quản lý của Đảng Cộng Hòa là không có lợi cho họ và đây là cách duy nhất, chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho dự luật đó,” bà Clark nói với các phóng viên.
“Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì chính phủ sẽ không đóng cửa vào tối thứ Sáu. Nhưng đây không phải là cách để điều hành đất nước,” bà Clark nói thêm.
Theo Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota), các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện hiện phải đối mặt với thách thức trong việc khiến Thượng viện đàm phán về các dự luật chi tiêu độc lập mà Hạ viện đã và đang thông qua trước khi các thời hạn lại đến.
“Tôi nghĩ nguy cơ thực sự là nếu như Thượng viện nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể bỏ qua Hạ viện và cố gắng gây khó khăn cho chúng tôi bằng một loại [dự luật chi tiêu nhiều mục] nào đó khi chúng ta bước vào tháng Một,” ông Johnson nói. “[Như thế thì] họ sai rồi.”
Không bổ sung, không cắt giảm
Đáng chú ý là dự luật này không có các khoản viện trợ cho Israel, Ukraine, và các chi tiêu an ninh quốc gia khác được Tổng thống Joe Biden yêu cầu hôm 20/10.
Theo Dân biểu Robert Aderholt (Cộng Hòa-Alabama), người đã bảo vệ dự luật này trong phiên điều trần của ủy ban hôm 13/10, thì sách lược này là có chủ ý.
Ông cho biết những khoản tiền đó nên được xem xét riêng.
Đảng Cộng Hòa nhất quyết xem xét các dự luật chi tiêu độc lập để mỗi mục có thể được tranh luận và sửa đổi riêng rẽ.
Dự luật này cũng không yêu cầu cắt giảm chi tiêu và điều này đã khiến nhiều dân biểu Đảng Cộng Hòa phản đối.
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) phản đối vì dự luật này sẽ tiếp tục các mức tài trợ trong năm 2023, điều Đảng Dân Chủ ấn định thêm hai tháng nữa.
“Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mức chi tiêu… cao hơn 131 tỷ USD so với mức của năm tài khóa 2022. Và chúng ta sẽ làm điều đó với những chính sách đã được thông qua vào thời điểm chúng ta đang thâm hụt 2 ngàn tỷ USD,” ông Roy nói.
Hôm 14/11, Nhóm họp kín Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus), bao gồm khoảng 40 dân biểu Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện thiên về bảo tồn truyền thống nhất, đã đưa ra một tuyên bố phản đối dự luật này.
Tuyên bố đó cho biết: “Phiên họp kín Tự do Hạ viện phản đối Nghị quyết Tiếp tục tài trợ ‘nhanh gọn’ được đề nghị này vì nghị quyết không cắt giảm những khoản chi tiêu, không bảo đảm an ninh biên giới, và không mang lại một chiến thắng có ý nghĩa nào cho Người dân Mỹ.”
“Mặc dù chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với Chủ tịch Johnson, nhưng chúng tôi cần có sự thay đổi táo bạo.”
Dân biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng Hòa theo phái bảo tồn truyền thống, một nhóm họp kín lớn nhất tại Hạ viện, cho biết ông dự định phản đối dự luật này vì dự luật không có những cắt giảm chi tiêu đã được lưỡng viện Quốc hội đồng ý.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times