Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CẠNH TRANH gây tranh cãi
Sáng hôm thứ Sáu (04/02), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật CẠNH TRANH gây tranh cãi trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo quan điểm đảng phái với tỷ lệ 222–210.
Dự luật vừa nêu, trên danh nghĩa là nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc nhưng được bổ sung thêm các điều khoản khác ít liên quan hơn, đã bị toàn thể thành viên Đảng Cộng Hòa cùng nhau phản đối với sự ủng hộ của Dân biểu Stephanie Murphy* (Dân Chủ-Florida), một dân biểu ôn hòa của Hạ viện, người đã nhiều lần có lập trường chống lại đảng của bà.
Chỉ mình Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois), người đã chính thức bị Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) khiển trách hôm thứ Năm (03/02) vì vai trò của ông trong Ủy ban 06/01, đã bỏ phiếu với Đảng Dân Chủ để thông qua dự luật.
Trong bản tóm tắt dự luật dài 20 trang được công bố trên trang web của Chủ tịch Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), các thành viên Đảng Dân Chủ nói rằng dự luật này là “một gói lập pháp táo bạo tạo ra các khoản đầu tư mới mang tính đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới, và sản xuất của Hoa Kỳ mà sẽ bảo đảm rằng Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, bây giờ và trong nhiều thập niên tới.”
Bản tóm tắt tiếp tục, “Gói này sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn trọng yếu của Hoa Kỳ, củng cố chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở Mỹ, tăng cường năng lực nghiên cứu của chúng ta để dẫn đầu các công nghệ của tương lai, và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta, đồng thời hỗ trợ các tiêu chuẩn lao động và nhân quyền mạnh mẽ, cùng các điều khoản quan trọng khác.”
Bản tóm tắt trên lưu ý rằng dự luật này là một dự luật được lưỡng đảng chấp nhận, vì “các thành phần chính của nó bao gồm nhiều dự luật đã được Hạ viện thông qua bởi các cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ của lưỡng đảng hoặc có các nhà lập pháp đồng bảo trợ của lưỡng đảng.”
Đúng là như vậy, dự luật có một số điều khoản mà cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều đồng ý là cần thiết.
Ví dụ, một phần của dự luật được thiết kế để tăng cường hoạt động khai thác kim loại bán dẫn và sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ.
Đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ đã để cho Đông Á thống trị trong vài thập niên qua. Theo Hiệp hội Năng lượng Bán dẫn (pdf), năm 1990, Hoa Kỳ đã sản xuất khoảng ⅓ số vi mạch trên toàn thế giới; năm 2021, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 12%.
Tuy nhiên, các phần khác của dự luật lại ít được đồng thuận hơn rất nhiều.
Đầu tiên, Đạo luật CẠNH TRANH sẽ “[đầu tư] vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” bằng cách “hỗ trợ nghiên cứu để thúc đẩy thế hệ tiếp theo của công nghệ lưu trữ năng lượng, năng lượng mặt trời, năng lượng hydro, vật liệu trọng yếu, năng lượng nhiệt hạch, sản xuất, loại bỏ carbon, và công nghệ năng lượng sinh học, cùng nhiều lĩnh vực khác.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ cũng lo lắng để làm sao bảo đảm rằng nguồn tài trợ của dự luật này nhấn mạnh vào “sự đa dạng”.
Trong quá khứ, việc tài trợ cho nghiên cứu và công nghệ ở Hoa Kỳ được hướng đến các lĩnh vực hoặc dự án cụ thể. Nhìn chung, những điều này được thực hiện bởi các cơ quan đã hiện hữu như NASA hoặc CDC, hoặc thông qua các bên thứ ba được chính phủ ký hợp đồng.
Thay vào đó, dự luật do Đảng Dân Chủ đề xướng sẽ tập trung vào “tăng cường và mở rộng lực lượng lao động STEM của quốc gia chúng ta để đại diện tốt hơn cho sự đa dạng của quốc gia chúng ta.”
Để đáp ứng mục tiêu “đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, dự luật sẽ “[chuẩn bị cho] thế hệ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, và chuyên gia năng lượng sạch đa dạng tiếp theo.”
Đạo luật CẠNH TRANH cũng sẽ thúc đẩy tăng cường “sự đa dạng” trong cộng đồng giáo viên STEM.
Bản tóm tắt giải thích cách dự luật sẽ đáp ứng các mục tiêu “đa dạng” này. Luật sẽ “[trao quyền] cho các cơ quan và trường đại học liên bang xác định và hạ thấp các rào cản đối với việc tuyển dụng, duy trì, và thăng tiến của phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm khác thiếu đại diện trong các nghiên cứu và công việc ngành STEM.”
Ngoài ra, luật quy định rằng các cơ quan được yêu cầu “thu thập dữ liệu nhân khẩu học toàn diện về quá trình xét duyệt tài trợ và về đội ngũ giảng viên STEM tại các trường đại học Hoa Kỳ.” Dự luật cũng “cung cấp hỗ trợ cho những người nhận tài trợ cũng có trách nhiệm chăm sóc [người phụ thuộc].”
Hơn nữa, Đạo luật CẠNH TRANH sẽ cho phép nhập tịch hàng ngàn người tị nạn mới, ngay cả khi Hoa Kỳ đã đang phải đối mặt với mức độ nhập cư bất hợp pháp chưa từng có tại biên giới phía nam của mình.
Thậm chí còn gây tranh cãi hơn, dự luật sẽ cho phép có thêm một loại “thị thực nhà đầu tư” mới, trong ngắn hạn cho phép những công dân giàu có nhất từ các quốc gia khác vào Hoa Kỳ không vì lý do gì khác ngoài tài phú của họ.
Dẫu các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện có rất ít cơ hội để ngăn chặn dự luật này ở Hạ viện, nơi thiểu số phải phục tùng đa số, có một điều rõ ràng: Đảng Cộng Hòa phản đối luật này một cách rộng rãi.
Tại Thượng viện, nơi mà tất cả các luật phải đạt được ngưỡng 60 phiếu để kết thúc tranh luận và đi đến một cuộc bỏ phiếu theo đa số quá bán tại phòng họp, Đảng Cộng Hòa có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn dự luật này. Miễn là 41 trong số 50 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện phản đối dự luật, họ sẽ có thể ngăn chặn Đảng Dân Chủ đạt ngưỡng 60 phiếu bầu và buộc họ trở lại bàn đàm phán.
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, chuyên về Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
(*) Bà Stephanie Murphy tên thật là Đặng Thị Ngọc Dung (sinh năm 1978), là một nữ chính khách người Mỹ gốc Việt thuộc Đảng Dân Chủ. Bà là dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ kể từ tháng 11/2016, đại diện cho khu vực bầu cử số 7 của tiểu bang Florida. Bà là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: