Hà Lan dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than vì thiếu khí đốt từ Nga
Hà Lan đang theo bước nước láng giềng Đức và nâng giới hạn sản lượng các nhà máy nhiệt điện than trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông vì nguồn cung khí đốt từ Nga đang giảm xuống.
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Rob Jetten cho biết: “Do nguy cơ thiếu khí đốt đã gia tăng, nội các hôm nay đã quyết định rút lại giới hạn sản lượng đối với các nhà máy nhiệt điện than từ năm 2022 đến năm 2024 với hiệu lực tức thì.”
“Điều này có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện than được phép sản xuất trở lại hết công suất để các nhà máy nhiệt điện khí đốt cần ít khí hơn để sản xuất điện. Điều này làm giảm nguy cơ thiếu khí đốt và giúp việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Hà Lan và Âu Châu trở nên dễ dàng hơn.”
Theo ông Jetten, Hà Lan đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng khí đốt, điều này đã thúc đẩy chính phủ bắt đầu Kế hoạch Bảo vệ và Phục hồi Khí đốt của mình.
Ông Jetten cho biết mục tiêu tổng thể của việc dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than là lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trên khắp Hà Lan với số lượng lớn hơn những gì đã được Âu Châu đồng ý trước đó để bảo đảm rằng lượng khí đốt được tiết kiệm trước mùa đông.
Hà Lan đã giới hạn sản lượng nhà máy nhiệt điện than của mình ở mức chỉ 35% công suất khi nước này tìm cách chuyển từ mức phát thải carbon dioxide cao sang năng lượng sạch hơn.
Việc loại bỏ giới hạn đối với sản xuất năng lượng nhiệt điện than dự kiến sẽ tiết kiệm được 2 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm nhưng ông Jetten lưu ý rằng Hà Lan vẫn sẽ đạt được các mục tiêu khí hậu năm 2030, bao gồm việc loại bỏ dần bốn nhà máy nhiệt điện than cuối cùng của họ vào năm 2030.
Nội các Hà Lan sẽ công bố các biện pháp bổ sung nhằm giảm lượng CO2 dư thừa để bù đắp lượng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai gần.
Ông Jetten nói, trong ngắn hạn, các quan chức đang tiến hành một “cuộc đấu thầu tiết kiệm khí đốt tạm thời vốn sẽ mang lại cho những khách hàng tiêu dùng khí đốt lớn một động lực tài chính để giảm tiêu thụ khí đốt của họ.”
Hồi tháng Năm, Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho nhà kinh doanh khí đốt Hà Lan GasTerra sau khi hãng này không thanh toán được các khoản giao hàng bằng đồng rúp của Nga theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng Ba.
Quyết định đó có nghĩa là Gazprom sẽ không cung cấp khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt cho Hà Lan từ nay đến ngày 01/10, khi hợp đồng với GasTerra sắp kết thúc. Tuy nhiên, ông Jetten nhấn mạnh hôm thứ Hai rằng hiện tại Hà Lan không thiếu khí đốt.
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng cho biết: “Hiện tại không có tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng ở Hà Lan, nhưng nguồn cung cấp khí đốt sụt giảm có thể gây ra các hậu quả.”
“Với việc công bố mức độ khủng hoảng khí đốt đầu tiên, các công ty khí đốt phải cung cấp thông tin chi tiết bổ sung về nguồn cung cấp khí đốt hiện tại và lượng dự trữ hàng ngày. Điều này sẽ cho phép chính phủ giám sát thị trường khí đốt chặt chẽ hơn và ngay lập tức thực hiện các biện pháp bổ sung nếu tình hình đòi hỏi. ”
Quyết định mới nhất của Chính phủ Hà Lan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này sẽ hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện và thay vào đó là tăng cường đốt than để bù đắp. Hành động này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm và lo ngại về khả năng thiếu hụt.
Trong một diễn biến khác vào thứ Hai, chính phủ Hà Lan cũng đã công bố kế hoạch sản xuất 2.8 tỷ bcm khí đốt từ mỏ khí Groningen vào tháng 10/2023, tăng trở lại 4.5 bcm trong năm sản xuất hiện tại.
Chính phủ cho biết: “Do những diễn biến địa chính trị bấp bênh, Ngoại trưởng Vijlbrief đã quyết định không đóng cửa hoàn toàn bất kỳ giếng khoan nào trong năm nay”.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.