‘Hạ cánh mềm’ của ông Powell gần như là bất khả thi
Sau hơn một thập niên với một chuỗi các gói kích thích và lãi suất cực thấp, với hàng ngàn tỷ USD kích thích tiền tệ thúc đẩy việc định giá tài sản cao và kích thích đầu tư được đòn bẩy khổng lồ vào rủi ro, ý tưởng về một vụ nổ có kiểm soát hoặc một cú tiếp đất “hạ cánh mềm” là không thể.
Trong một cuộc phỏng vấn với Marketplace, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang thừa nhận rằng “hạ cánh mềm thực sự chỉ là quay trở lại mức lạm phát 2% trong khi giữ cho thị trường lao động mạnh mẽ. Và khá khó khăn để đạt được điều đó ngay lúc này.” Ông tiếp tục nói rằng “tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng vẫn có những con đường … để chúng ta đạt được điều đó.”
Vấn đề đầu tiên của hạ cánh mềm là bằng chứng về dữ liệu kinh tế yếu. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp dường như mạnh mẽ, cả tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ việc làm cho thấy một bức tranh khác, vì hai chỉ số này đã trì trệ trong gần một năm. Cả tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, ở mức 62.2% và tỷ lệ việc làm trên dân số, ở mức 60.0%, đều thấp hơn 1.2% so với giá trị hồi tháng Hai năm 2020, như báo cáo việc làm tháng Tư cho thấy. Tiền lương thực tế giảm, do lạm phát làm hao mòn hoàn toàn mức tăng lương danh nghĩa. Theo Cục Thống kê Lao động: “Từ tháng Tư năm 2021 đến tháng Tư năm 2022, thu nhập trung bình thực tế theo giờ được điều chỉnh theo mùa đã giảm 2.6%. Sự thay đổi trong thu nhập thực tế trung bình hàng giờ kết hợp với mức giảm 0.9% về tuần làm việc trung bình đã dẫn đến thu nhập thực tế trung bình hàng tuần giảm 3.4% trong giai đoạn này.”
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan vào đầu tháng Năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 59.1, từ mức 65.2, chìm sâu vào vùng suy thoái. Chỉ số điều kiện hiện tại giảm xuống còn 63.6, từ mức 69.4, nhưng chỉ số kỳ vọng thì giảm mạnh xuống còn 56.3, từ mức 62.5.
Vấn đề thứ hai của việc tin vào một cuộc hạ cánh mềm là đánh giá thấp tác động phản ứng dây chuyền của những điều chỉnh thậm chí được cho là nhỏ trên thị trường. Với nợ toàn cầu ở mức cao nhất mọi thời đại và nợ ký quỹ chỉ riêng tại Hoa Kỳ là 773 tỷ USD, kỳ vọng về một vụ nổ có kiểm soát trong đó các thị trường và lĩnh vực mắc nợ sẽ hấp thụ việc tăng lãi suất mà không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế chỉ đơn giản là quá lạc quan. Nợ ký quỹ vẫn hơn 170 tỷ USD so với mức năm 2019, mức cao nhất mọi thời đại vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là Cục Dự trữ Liên bang muốn kiềm chế lạm phát trong khi chính phủ liên bang không muốn giảm chi tiêu. Cuối cùng, lạm phát được giảm bớt bằng cách cắt giảm lượng tiền lớn trong nền kinh tế, và nếu chi tiêu của chính phủ vẫn giữ nguyên, thì những nỗ lực giảm lạm phát sẽ chỉ đến từ việc xóa sổ khu vực tư nhân thông qua chi phí nợ cao hơn và sự sụt giảm tiêu dùng. Quý vị biết ngay rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn khi thâm hụt tài khóa chỉ giảm xuống còn 360 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm tài chính 2022 mặc dù có doanh thu kỷ lục và làn gió phục hồi mạnh mẽ trong GDP. Hiện tại, với tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ không thay đổi trong sáu tháng đầu năm nhưng chi tiêu bắt buộc và tùy nghi vẫn hầu như không thay đổi, việc tiêu dùng dự trữ tiền tệ của chính phủ có khả năng sẽ khiến lạm phát cơ bản tăng lên ngay cả khi giá dầu và giá khí đốt ở mức vừa phải.
Cục Dự trữ Liên bang không thể mong đợi một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng khi nền kinh tế thậm chí còn chưa cất cánh; nó đã phình to với một chuỗi các gói kích thích được tài trợ bằng nợ đã làm cho nợ tăng cao và tạo ra động lực xấu nhằm tiền tệ hóa từ tất cả những gì mà chính phủ liên bang chi tiêu quá mức.
Ý tưởng về sự hạ nhiệt dần của nền kinh tế cũng bị phủ nhận bởi thực tế của các thị trường mới nổi và các ngân hàng Âu Châu. Sức mạnh tương đối của đồng USD đã và đang tạo ra những lỗ hổng tài chính lớn trong tài sản của một hệ thống tài chính đã xây dựng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) lớn nhất đối với đồng USD trong nhiều thập niên. Hầu như không thể tính toán thiệt hại danh nghĩa và thực tế trong các quỹ hưu trí và hậu quả tiêu cực đối với các tổ chức tài chính trong các tài sản được định giá cao nhất, từ đầu tư có trách nhiệm với xã hội và công nghệ cho đến cơ sở hạ tầng và cổ phần tư nhân. Chúng ta có thể thấy các thị trường đã mất hơn 7 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm cho đến nay với những động tĩnh rất khiêm tốn từ Cục Dự trữ Liên bang. Tác động của những tổn thất này chưa được thấy rõ trong các tổ chức tài chính, nhưng sự sụt giảm này có thể sẽ là đáng kể vào nửa cuối năm 2022, dẫn đến tình trạng khủng hoảng tín dụng trở nên nghiêm trọng hơn do tăng lãi suất.
Các ngân hàng trung ương luôn đánh giá thấp mức độ nhanh chóng mà vốn tự có của một tổ chức tài chính có thể tan biến thành hư không. Ngay cả bản thân hệ thống tài chính cũng không thể thực sự hiểu được mức độ phức tạp của tác động chéo giữa các tài sản xảy ra do sự sụt giảm trên diện rộng đối với các mức định giá vô cùng hào phóng trên tất cả các loại tài sản. Đó là lý do tại sao các bài kiểm tra căng thẳng luôn thất bại. Và các tổ chức tài chính trên toàn thế giới đã từ bỏ quy trình trích lập dự phòng lành mạnh, mong đợi một sự phục hồi lâu dài và vững chắc.
Cục Dự trữ Liên bang cố gắng thuyết phục thế giới rằng lãi suất thực tế sẽ vẫn âm trong thời gian dài, nhưng chi phí đi vay trên toàn cầu đang tăng lên trong khi đồng USD đang mạnh lên, tạo ra một hiệu ứng chân không lớn có thể tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế thực trước khi Cục Dự trữ Liên bang thậm chí có thể nhận ra rằng thị trường yếu hơn so với dự đoán và tính thanh khoản thấp hơn đáng kể so với tính toán.
Không có giải pháp nào dễ dàng. Không thể có con đường bình thường hóa nào dễ dàng. Sau một thời kỳ kích thích tiền tệ vô độ, không có cảm giác nôn nao nào nhẹ nhàng. Điều duy nhất mà Cục Dự trữ Liên bang nên biết là các kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ vào năm 2020 đã tạo ra kết quả tồi tệ nhất: lạm phát cơ bản cao đến mức cố định cùng với tăng trưởng kinh tế suy yếu. Chỉ có hai khả năng: thực sự giải quyết lạm phát và mạo hiểm tạo ra khủng hoảng tài chính do hiệu ứng chân không của đồng USD hoặc hãy quên lạm phát đi, khiến người dân nghèo hơn, và duy trì cái gọi là bong bóng của mọi thứ. Hai lựa chọn này đều không tốt nhưng họ đã muốn có một phản ứng dứt khoát và chưa từng có đối với các đợt phong tỏa đại dịch và tạo ra một rủi ro tài chính toàn cầu mang tính tất yếu và chưa từng có. Họ nghĩ rằng việc tạo ra tiền không phải là một vấn đề và giờ đây rủi ro tích lũy đã cao tới mức thật khó để biết cách giải quyết.
Một ngày nào đó, ai đó cuối cùng có thể hiểu rằng các cú sốc cung được giải quyết bằng các chính sách trọng cung, chứ không phải các chính sách trọng cầu. Giờ thì đã quá muộn rồi. Ông Jerome Powell sẽ phải lựa chọn giữa nguy cơ suy thoái tài chính toàn cầu hoặc lạm phát kéo dài.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Freedom or Equality” (“Tự Do hoặc Bình Đẳng”), “Escape from the Central Bank Trap” (“Thoát khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”) và “Life in the Financial Markets” (“Cuộc Sống trong Thị Trường Tài Chính”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: