Nga bị hạ bậc xếp hạng thanh toán bằng ngoại tệ, rủi ro vỡ nợ tăng lên
Khả năng thanh toán bằng ngoại tệ của Nga đã bị hạ bậc xếp hạng sau khi Moscow sử dụng đồng rúp để thanh toán các khoản nợ ngoại tệ bằng USD vào tuần trước, một hành động mà công ty xếp hạng S&P Global cho biết đã gây nghi ngờ về khả năng hoặc sự sẵn sàng của Nga trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với những chủ nợ ngoại quốc.
Hôm 09/04, S&P Global đã hạ bậc xếp hạng của Nga xuống “vỡ nợ có chọn lọc” (“selective default”, tức không thanh toán một vài khoản nợ nhưng vẫn thanh toán các khoản khác), cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã hiểu rằng Nga đã thực hiện các khoản thanh toán lãi và gốc cho các trái phiếu quốc tế phát hành bằng đồng USD hôm 04/04.
Tổ chức này cho biết, “Chúng tôi hiện không cho rằng các nhà đầu tư sẽ có thể chuyển các khoản thanh toán bằng đồng rúp đó thành số tiền bằng USD tương đương với số tiền gốc (cho vay) ban đầu, hoặc không cho rằng chính phủ Nga sẽ chuyển đổi các khoản thanh toán đó trong thời gian ân hạn 30 ngày.”
Tổ chức này nói thêm rằng họ tin rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine sẽ được thắt chặt trở lại trong thời gian ngắn, một hành động mà họ cho là có khả năng cản trở sự sẵn sàng hoặc “khả năng kỹ thuật” của Moscow trong việc đáp ứng các điều khoản và điều kiện cam kết với các chủ nợ của các khoản trái phiếu chính phủ Nga ở nước ngoài.
‘Hành động không thiện chí’
Trích dẫn “các hành động không thiện chí của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ”, Bộ Tài chính Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 06/04 rằng một ngân hàng đại lý nước ngoài đã từ chối thực hiện thanh toán 649 triệu USD cho hai lô trái phiếu chính phủ Nga, buộc Moscow phải sử dụng đến một tổ chức tài chính của Nga để thực hiện thanh toán bằng đồng rúp.
Bộ Tài chính Nga nhấn mạnh, với hành động này, các nghĩa vụ của Nga đối với hai lô trái phiếu này “đã được hoàn thành đầy đủ.”
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói với hãng thông tấn nhà nước TASS ngày 08/04 rằng đồng rúp được chuyển (để trả nợ) thay cho USD có thể được chuyển đổi cho các chủ nợ ngay sau khi phương Tây dỡ bỏ lệnh đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga.
Ông Siluanov nói với hãng tin này, “Logic như sau: Đồng rúp mà chúng tôi sử dụng để trả nợ có thể được chuyển đổi thành ngoại tệ với điều kiện khả năng tiếp cận nguồn dự trữ tiền tệ của chúng tôi — nguồn dự trữ bị đóng băng của Liên bang Nga — được khôi phục.”
Bằng cách thực hiện giao dịch bằng đồng rúp thay vì bằng đồng USD theo hợp đồng, Moscow đã bước vào thời gian ân hạn 30 ngày kể từ ngày thanh toán, đó là hôm 04/04.
Một khi hết thời gian gia hạn, Moscow sẽ được coi là đã không trả được nợ, khiến việc này trở thành vụ vỡ nợ đầu tiên của chính phủ Nga trong hơn một thế kỷ qua.
Cố gắng ‘khiến Nga tuyên bố vỡ nợ’
Ông Siluanov nói với TASS hôm 07/04 rằng, “các nước phương Tây đang cố gắng bằng mọi cách có thể để khiến Nga tuyên bố vỡ nợ”, nói thêm rằng Moscow sẽ sử dụng “các cơ chế khác” để thực hiện việc trả nợ.
Theo TASS, ông nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng để các bên cho vay nhận được tiền từ Liên bang Nga khi đáo hạn, nhưng chúng tôi sẽ làm như vậy trong khung khổ các cơ chế khác.”
Trái phiếu của Nga đã nổi lên như một tâm điểm trong cuộc xung đột kinh tế với các nước phương Tây, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tê liệt đối với Moscow vì các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Để đáp trả các lệnh trừng phạt này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 05/03 đã ký sắc lệnh cho phép thanh toán các khoản nợ ngoại tệ cho các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng rúp.
Mặc dù khoảng một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga được giữ ở ngoại quốc đã bị đóng băng, các nhà phân tích cho rằng Moscow có đủ phương tiện và khả năng để trả các khoản nợ ngoại tệ của mình, vì Nga vẫn còn hàng trăm triệu USD chưa bị phong tỏa và nước này vẫn tiếp tục nhận được các khoản thanh toán (bằng đồng USD) cho năng lượng.
Theo Reuters, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã không cấm hoạt động ngân hàng đại lý với Nga và đã cấp giấy phép cho phép các khoản thanh toán liên quan đến khoản nợ chính phủ của Moscow cho đến hôm 25/05.
Bà Elina Ribakova, Phó kinh tế gia tại Viện Tài chính Quốc tế, nói với Reuters rằng tình hình có thể là một kịch bản “sẵn sàng chi trả”, với việc Nga cố gắng thanh toán bằng các khoản tiền bị đóng băng và, khi không làm được việc đó, thì trả bằng đồng rúp, thay vì từ nguồn doanh thu USD hoặc euro hoặc các khoản nắm giữ khác mà Nga tiếp cận được.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: