Gửi thế hệ tương lai: Trân quý những lá thư cũ
Những lá thư tay giúp ta gìn giữ những kỷ niệm và ký ức trân quý với người thân và bạn bè.
Bài báo “Những cơ hội bị bỏ lỡ” gần đây của các bạn khiến tôi nghĩ về một số điều tôi luôn mong muốn được chia sẻ với các con, các cháu, và bạn bè tôi bấy lâu nay. Điều tôi muốn chia sẻ chính là nghệ thuật viết thư tay đã bị lãng quên.
Khi tôi lớn lên vào khoảng những năm 1940, 1950, tôi đã nhận và viết thư tay cho cha tôi (khi ông đang phục vụ trong quân đội), bà tôi – người sống cách xa tôi nhiều dặm, cũng như với gia đình và bạn bè. Tôi gặp chồng mình khi anh ấy vừa rời khỏi Hải quân và chúng tôi đã bắt đầu trao đổi thư từ với nhau. Sau đó, tôi tới học ở trường điều dưỡng còn anh ấy bắt đầu học cao đẳng, chúng tôi gửi thư qua lại trong suốt một năm, gần như là hàng ngày. Qua nhiều năm, “những bức thư” của tôi ngày một nhiều hơn, chúng đến từ cả mẹ tôi và các anh, em trai của tôi ở Florida cùng với một số người trong gia đình và bạn bè khác.
Sau khi kết hôn 64 năm, người chồng yêu quý của tôi đã qua đời vì dịch bệnh COVID. Và rồi sau đó tôi lục tìm lại những lá thư cũ – thực sự là tôi đã cất giữ tất cả, từ thư của bạn bè, gia đình và đặc biệt là thư của chồng tôi – tất cả có 246 bức thư. Tôi đọc lại những bức thư anh ấy đã gửi cho tôi. Rất khó để tôi có thể diễn tả niềm hạnh phúc và sự khuây khỏa từ những lá thư xưa của anh ấy đem đến cho tôi. Thật biết ơn vì tôi đã gìn giữ những lá thư tay đong đầy tình yêu thương và những kỷ niệm đẹp. Chúng đã đưa anh ấy lại rất gần với tôi; tôi gần như có thể nghe lại được giọng nói của anh ấy khi tôi đọc chúng. Tôi nói với các con trai của mình rằng “Nếu con muốn biết ký ức tuyệt đẹp về cuộc đời mẹ, các con chỉ cần đọc những lá thư từ cha, bà, các cô và bạn bè của mẹ.”
Có một cảm giác rất trân quý khi đọc những lá thư cũ, cứ như thể ta đang ngồi xuống và nói chuyện với các thành viên trong gia đình và bạn bè mình một lần nữa vậy.
Nhắn tin sẽ không giống như vậy, mặc dù tôi đồng ý rằng mỗi thứ đều có giá trị và được dùng cho một mục đích nào đó. Tôi từng hỏi cháu gái của tôi, khi cháu vừa mới cưới, rằng cháu có nhận được thư tay từ chồng mình không. Cháu tôi trả lời rằng, “Thư được để ở nơi nào đó trên kho lưu trữ đám mây [cloud], bà ạ.”
Cuối cùng thì tôi sẽ không đánh đổi những lá thư của mình lấy bất kỳ thứ gì và tôi khuyến khích tất cả những ai đọc bài này, hãy gửi ít nhất một lá thư tay cho bất kỳ ai, và có khi bạn cũng sẽ nhận được lại một lá thư tương tự. (Tôi đang đọc lại những lá thư của mình lần thứ hai). Tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ để việc “viết thư tay” trở thành một “cơ hội bị lãng quên” trong cuộc đời mình.
Nhân tiện đây, tôi cũng có vài lá thư mà mẹ tôi đã nhận được vào giữa Đệ nhị Thế chiến từ anh em trai và bạn bè của mẹ, và tôi cũng đọc cả những bức thư đó. Quả là một kho báu.
Martha Beeghly
___________
Bạn muốn đưa ra lời khuyên nào cho các thế hệ trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả sẵn lòng chia sẻ những giá trị vượt thời gian, đã định rõ được đúng và sai qua những trải nghiệm thực tế cùng với kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm của mình. Chúng tôi nhận thấy những thông điệp ý nghĩa truyền lại cho thế hệ tiếp theo đang giảm dần theo thời gian, và rằng chỉ với một nền tảng đạo đức vững vàng thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Hãy gửi thông điệp của bạn, cùng với tên đầy đủ, tiểu bang và thông tin liên hệ của bạn tới [email protected] hoặc gửi thông điệp đó đến: Next Generation, The Epoch Times, 229 W. 28th St., Floor 7, New York, NY 1000.