Gửi thế hệ tương lai: Hãy tò mò, hãy làm quen với mọi người
Tôi sinh năm 1957 và lớn lên trong thời gian nước Đức bị chia cắt, tôi may mắn được sống ở Tây Đức, nơi mà thời kỳ lịch sử của những gì đã xảy ra dưới chế độ Đức Quốc xã là một phần trong chương trình học trung học của tôi. Chúng tôi được dạy về chiến tranh, điều gì đã dẫn đến chiến tranh và những hành động tàn bạo đã xảy ra. Một trong những điều tôi nhớ rất rõ cho đến ngày nay là những bộ phim do những người lính Đồng Minh quay lại khi giải thoát các trại tập trung. Chúng tôi đã được xem đoạn phim gốc này ở trường.
Trong một vài chuyến đi đến các nước Âu Châu khác thời niên thiếu, tôi đã gặp những người không muốn dính dáng đến tôi vì tôi là người Đức. Ở độ tuổi thiếu niên, tôi đã nhận ra sự phi nhân tính của những gì Đức Quốc xã đã gây ra, tôi đã dành nhiều năm tháng và nhiều cuộc trò chuyện với người chồng Mỹ của tôi để hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương và không cảm thấy xấu hổ khi là người Đức.
Tôi lớn lên ở một cảng biển nơi các tàu buôn quốc tế và tàu hải quân cập bến thường xuyên. Bạn luôn nhận biết có một con tàu quốc tế đang cập cảng chỉ bằng cách quan sát những người mua hàng và nghe ngôn ngữ họ nói. Cha mẹ chúng tôi đã nuôi dạy chị gái tôi và tôi biết khoan dung với những người khác (văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, v.v.), trường học và nhà thờ cũng giảng điều đó.
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã quan tâm đến các quốc gia và nền văn hóa khác, và tiếp thu mọi thứ “khác biệt” và mới mẻ. Cùng với gia đình và bạn bè, tôi đã đi thăm các nước Âu Châu khác cũng như Liên Xô cũ và một số nước Á Châu. Tất nhiên, việc này được thực hiện trước khi có điện thoại di động và mạng xã hội; và tôi luôn trân trọng những trải nghiệm cá nhân đó.
Tôi có thẻ thư viện từ năm học lớp 6. Một giáo viên của chúng tôi đã sắp xếp với người đứng đầu một thư viện gần trường để “đào tạo” cách tra cứu danh mục bằng thẻ mục lục và cách tìm kiếm từng cuốn sách trên kệ. Tôi nghĩ rằng cả lớp đã đăng ký thẻ thư viện vào ngày hôm đó. Dù sao, tôi đã tới thư viện vài lần một tuần. Tôi đã đọc sách về các chủ đề khác nhau — địa lý, tâm lý học, lịch sử, v.v.
Nói về tàu hải quân ở cảng, tôi nhớ tới một buổi tối cùng bạn bè tại trung tâm thành phố khi chúng tôi gặp một vài thủy thủ của Hải quân Hoàng gia Anh. Nhóm của chúng tôi nhanh chóng được mở rộng thêm với một người lính Mỹ từng đóng quân tại quê hương tôi. Chúng tôi đã dành hàng giờ để nói về đất nước của chúng tôi, chia sẻ cuộc sống hàng ngày của chúng tôi và nhiều hơn thế nữa.
Trong công việc của mình, tôi đã gặp rất nhiều người đến từ các quốc gia và hoàn cảnh khác nhau. Một đồng nghiệp cũ từng là thuyền nhân Việt Nam; cha mẹ anh đã chạy trốn khỏi một đất nước Việt Nam bị áp bức và lập cuộc sống mới ở một đất nước tự do. Một người phụ nữ tôi đã từng làm việc cùng, cô ấy cùng với gia đình đã chạy trốn khỏi Nam Tư cũ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trong một chuyến đi ở Hoa Kỳ, chồng tôi và tôi đã gặp một người phụ nữ lớn tuổi, lớn lên ở Ba Lan, từ một khu rừng, cô cùng gia đình đã chứng kiến những người lính Đức Quốc xã đốt phá ngôi làng nhỏ của cô. Cô và gia đình ẩn náu trong rừng và cuối cùng tìm được đường đến Hoa Kỳ.
Điểm mà tôi đang cố gắng chia sẻ là để cho tất cả chúng ta — bất kể người già hay trẻ, hay chúng ta đến từ đâu — nên biết đến người khác phương diện cá nhân. Hãy tò mò, đặt câu hỏi để hiểu rõ quan điểm, lắng nghe và đồng tình về việc không đồng tình. Mỗi người là duy nhất và mỗi người đều có một câu chuyện.
Một tổ chức mà tôi từng làm việc đã khuyến khích nhân viên trong quá trình đào tạo nội bộ ngồi lại với đồng nghiệp từ các bộ phận khác để làm quen với nhau cũng như hiểu về những thách thức mà họ phải đối diện trong cương vị của họ tại sở làm.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ về hai thủy thủ người Anh. Không lâu sau khi chúng tôi gặp nhau tại quê hương tôi, tàu của họ là một phần của hạm đội được khai triển đến Quần đảo Falkland trong một cuộc chiến ngắn ngủi. Tôi thường tự hỏi liệu họ đã trở về nhà hay chưa.
Sigrid Alexander, Colorado
____________________
Bạn muốn đưa ra lời khuyên gì cho các thế hệ trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả sẵn lòng chia sẻ những giá trị vượt thời gian có thể phân định rõ đúng và sai, và truyền cho thế hệ tương lai thông qua những kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm của mình. Chúng tôi nhận thấy những thông điệp ý nghĩa truyền lại cho thế hệ tiếp theo đang giảm dần theo thời gian, và rằng chỉ với một nền tảng đạo đức vững vàng thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Hãy gửi thông điệp của bạn, cùng với tên đầy đủ, tiểu bang và thông tin liên hệ của bạn tới [email protected] hoặc gửi thông điệp đó đến: Next Generation, The Epoch Times, 229 W. 28th St., Floor 7, New York, NY 10001.
Bạch Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: