Gửi thế hệ tương lai: Hãy để lương tâm dẫn lối chúng ta trên chuyến du ngoạn trần thế này
Gửi thế hệ tương lai:
Kinh nghiệm sống của tôi cho thấy điểm mấu chốt đưa ta đến một đời sống viên mãn chính là nền tảng sống dựa trên cơ sở của sự thật và công lý. Văn hoá hiện đại vẫn luôn cố gắng thuyết phục chúng ta rằng cảm xúc chính là chất liệu cốt lõi tác động đến việc ra quyết định của chúng ta. Nhưng chính tính kỷ luật và sự hy sinh đã mang đến cho chúng ta những thành tựu vì người khác, cũng góp phần thành tựu một xã hội tốt đẹp hơn.
Hãy nhìn vào những người lính trong Cuộc cách mạng Hoa Kỳ và những Tổ phụ Lập quốc của chúng ta, những người đã không tiếc sinh mạng của mình để kiến lập sự thật và công lý, để một quốc gia, dưới Chúa, có thể tự do tận hưởng những thành quả tốt đẹp.
Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm cho từng quyết định hàng ngày và hậu quả [của nó]. Đúng vậy, cuộc đời trần thế này không phải lúc nào cũng công bằng. Nhưng vẫn luôn có niềm hy vọng lấp lánh. Tôi tin rằng một số mệnh vĩnh cửu cùng món quà từ thiên thượng vẫn luôn dành cho chúng ta, nếu chúng ta chọn đức hạnh vị tha, tự chủ và kiên cường. Chính lương tâm của chúng ta nên là điều dẫn lối ta trên hành trình trần gian này, chứ không phải là những trạng thái nhất thời, không ổn định và chỉ vụt qua trong thoáng chốc của cảm xúc con người.
Để sở hữu một nội tâm được định hình vững chắc, chúng ta cần sở hữu nội tâm được sự thấu triệt nội tại. Hiện nay người ta có xu hướng khẳng định rằng “sự thật của bạn” khác với “sự thật của tôi”, kết quả dẫn đến “sự độc tài trong thuyết đạo đức tương đối” mà Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã tài tình mô tả. Nếu không có sự thật khách quan hoặc chuẩn mực đạo đức để chúng ta xác lập những hành vi của mình, chúng ta sẽ như lạc lối giữa biển khơi mà không có khả năng để định hướng và không có chiếc la bàn đạo đức để đo lường hành vi của mình.
Vậy, chúng ta có thể khám phá những nguyên lý đạo đức vĩnh hằng được kiến lập trên cơ sở công lý và sự thật ở nơi đâu? Hãy khởi đầu với Mười Điều Răn. Nơi nào có sự đau khổ, phân ly, tham lam, lừa dối và bất công, thì ở đó bạn luôn tìm thấy sự vi phạm một hay nhiều điều trong Mười Điều Răn. Tự do thực sự là kết quả của việc thực hành những việc cần thiết theo chỉ dẫn của Chúa và người khác chứ không phải là việc chúng ta cần làm để thoả mãn các dục vọng ích kỷ của mình. Thông điệp của Mười Điều Răn được củng cố xuyên suốt trong bộ Kinh Thánh.
Khi mục đích đúng đắn của World Wide Web là khả năng kết nối những cá nhân trên toàn thế giới bằng một phương cách hoà bình, thì việc sử dụng sai mục đích đã mang đến kết quả là sự chia rẽ và tạo ra một thứ “văn hoá xóa sổ” được dựng lập trên cơ sở của hệ tư tưởng “thức tỉnh”, nơi mà sự thật khách quan hoặc các tranh luận thành thật không được dành cho bất kỳ sự tôn trọng nào.
Điều này dẫn đến sự nô dịch đối với công nghệ, và xu hướng tuân thủ đã trở thành thông lệ. Kết quả là, bốn phẩm hạnh nền tảng [của con người] (sự thận trọng, công bằng, tiết chế và can đảm) đã bị thay thế bằng bốn thói xấu (sự khinh suất, thiên lệch, phóng túng và hèn nhát) một cách quá thường xuyên. Các thuật ngữ có “xu hướng” (“trending”) trên mạng truyền thông xã hội lại trở thành thông lệ cho sự thành công của rất nhiều người trong nền văn hoá đại chúng và xu hướng khoái lạc của chúng ta.
Lượng “thích” trên một bài “post” ở Facebook mà người ta có được lại được xem là chuẩn mực mà nhiều người tin rằng nó là dấu hiệu của sự chấp thuận. Thông thường, lượng “thích” tăng lên chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy rất nhiều người đang điên cuồng chạy theo bất cứ ý tưởng ‘thức tỉnh’ nào.
Trong suốt 29 năm giảng dạy ở trường tiểu học công lập, tôi thường đính câu châm ngôn này lên bức tường của phòng học: “Điều phổ biến không phải lúc nào cũng đúng đắn; và điều đúng đắn không phải lúc nào cũng phổ biến”. Tôi cố gắng để câu châm ngôn này thấm vào đầu óc của bọn trẻ qua các tương tác cá nhân và những bài giảng trên lớp.
Việc tuân thủ các nguyên tắc về công bằng và lẽ phải cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời, nhưng định hình những thói quen đạo đức trong suốt thời niên thiếu là đặc biệt quan trọng, như thế thì những thói quen này có thể ăn sâu, củng cố và tồn tại lâu dài trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta.
Gian lận trong thi cử, lấy trộm tài sản của đồng nghiệp, quan hệ ngoài hôn nhân, hoặc đánh cắp ý tưởng của người khác là một vài ví dụ về những hành vi có thể mang đến sự thỏa mãn tức thời. Thông thường, một trong những thói xấu này có thể khởi nguồn từ thuở nhỏ với câu “một lời nói dối không tổn hại ai”, điều này, nếu không được kiểm soát, có thể dần phát triển thành những tội trạng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Thoả mãn những cảm xúc nhất thời của một cá nhân theo một cách đầy khinh suất và thiếu trách nhiệm có thể dẫn tới những tác động tai hại đến định hướng cuộc đời trong nháy mắt. Ví dụ, ai cũng có thể trở thành nạn nhân tức thời của một tên lái xe nghiện rượu đầy bất cẩn.
Tất cả những quyết định và hành động của chúng ta đều đi kèm với hậu quả. Chúng ta không chủ ý làm tổn thương một ai đó, nhưng những quyết định và hành động thiếu cân nhắc lại để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Mặt khác, khi đưa ra những quyết định duy lý và có đạo đức, đồng thời điều hướng cuộc sống đến trạng thái trung hoà trên cơ sở của các nguyên tắc thành thật, khoan hòa, và liêm chính, chúng ta sẽ có thể phục vụ xã hội bằng những phương cách rất cao quý, dựa trên những ân từ về nghề nghiệp của Chúa mà chúng ta đã lựa chọn.
Như Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Sự thật sẽ cởi trói cho các con”. Những hành động của cá nhân bạn trên bình diện vi quan có thể nhân rộng lên và thay đổi thế giới, từ từng người một cho đến cả xã hội toàn cầu đầy ắp sự thật, tính công bằng và hòa bình.
Xây dựng lòng tự chủ đòi hỏi tính kiên trì và lòng can đảm. Người mẹ đã quá cố của tôi, một người con của Đau khổ, đã cho tôi biết rằng tất cả những gì đáng được làm đều đáng được làm tốt. Sự khích lệ của bà đã giúp tôi kiên định trong để đạt hai học vị thạc sỹ (trong lĩnh vực giảng dạy âm nhạc và tâm lý), và một bằng tiến sĩ trong lĩnh vực lãnh đạo tổ chức. Với sự trợ sức của Chúa, tôi đã kiên trì, đạt được học vị thạc sĩ đầu tiên vào năm 1985, và học vị thạc sĩ gần đây nhất là vào năm 2019. Càng sống lâu hơn, tôi càng trở nên khiêm nhường, bởi tôi nhận ra rằng có quá nhiều thứ tôi có thể học hỏi, từ khía cạnh của đạo đức, giáo dục và tâm lý học.
Cuối cùng, trên bước đường tìm kiếm công lý và sự thật, vẫn luôn có những thời khắc mà những phẩm chất này được tôi luyện trong sự nhân từ, khiêm nhường, khoan dung và tha thứ. Chúng ta sở hữu nhục thân này, nghĩa rằng chúng ta rất có khả năng thực hiện những hành vi phản Chúa và người khác. Nhưng mỗi ngày là một ngày mới – là một món quà nữa từ Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể chọn lựa tạo nên những thay đổi, tạo nên những chuyển biến cuộc sống của mình, và để trao truyền lòng bao dung cho người đã xúc phạm ta. Ngược lại, chúng ta cần luôn khiêm nhường khi đòi hỏi sự khoan dung từ người khác. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều không muốn làm cho mình đừng làm cho người khác). Đây là một nguyên tắc vàng vĩnh hằng có thể áp dụng cho tất cả chúng ta, bất kể nền văn hoá, dân tộc, tôn giáo hoặc nền tảng tư tưởng nào. Chúng ta đều bình đẳng như nhau dưới ánh nhìn của Đấng Sáng Thế.
Anne Marie Vale, Tiến sĩ, Rhode Island
Bạn muốn đưa ra lời khuyên gì cho các thế hệ trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả sẵn lòng chia sẻ những giá trị vượt thời gian, đã định rõ được đúng và sai qua những trải nghiệm thực tế cùng với kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm của mình. Chúng tôi nhận thấy những thông điệp ý nghĩa truyền lại cho thế hệ tiếp theo đang giảm dần theo thời gian, và rằng chỉ với một nền tảng đạo đức vững vàng thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Hãy gửi thông điệp của bạn, cùng với tên đầy đủ, tiểu bang và thông tin liên hệ của bạn tới [email protected] hoặc gửi thông điệp đó đến: Next Generation, The Epoch Times, 229 W. 28th St., Floor 7, New York, NY 1000
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: