Gửi thế hệ tương lai: Đối mặt với sự từ chối
Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta đều phải đối mặt với việc bị từ chối trong các mối quan hệ cá nhân, ở trường học và nơi làm việc, v.v. Tất nhiên, một số người phải vật lộn với cảm giác mất mát này nhiều hơn những người khác. Cách mà một cá nhân đối phó với sự từ chối có thể phần nào định hình nên quỹ đạo cuộc sống của họ.
Một số người trở nên tiêu cực khi họ quen với việc bị từ chối; kết quả là, họ chui vào lớp vỏ lo lắng và trầm cảm. Ngược lại, một số người khác có thể sẽ cố gắng xây dựng nên những phẩm chất như động lực và sự kiên trì sau những lần bị từ chối. Các vận động viên, doanh nhân, nghệ sĩ giải trí, tướng lĩnh quân đội nổi tiếng, v.v. thường phải vất vả nỗ lực nhiều năm, thông qua những lần làm sai rồi sửa trước khi họ thành công.
Nếu bạn phải đối mặt với viễn cảnh bị từ chối, quan trọng là hãy coi nó như một lẽ tự nhiên của đời sống. Dĩ nhiên, cảm giác buồn bã khi bị từ chối là chuyện bình thường.
Tôi còn nhớ có nhiều lần trong đời, tôi cố gắng vượt qua sự trầm cảm và phiền muộn sau khi nhận được những lá thư từ chối trong lĩnh vực việc làm và viết lách. Đúng vậy, những lá thư được viết tay và được chuyển qua đường bưu điện, trong khi giờ đây bạn có thể nhận được một thông báo từ chối thông qua thư điện tử hay tin nhắn!
Lần đầu tiên là vài năm về trước khi tôi nộp đơn vào Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), lúc đó tôi đã sống ở thành phố Winnipeg khoảng 5 năm. Tôi không vào được đến vòng phỏng vấn – sau vòng nộp đơn. Tôi nhận được một bức thư từ chối “xã giao,” nhưng không nói rõ lý do từ chối. Có thể do thực tế là trong suốt quãng thời gian khi tôi còn nhỏ, gia đình chúng tôi đã chuyển nhà gần như mỗi năm khắp các khu vực ở Bắc Mỹ. Cũng có thể là RCMP mong muốn tuyển các ứng viên có môi trường giáo dục ổn định hơn. Tôi có chút trầm cảm, nhưng đã vượt qua trạng thái đó vì tôi đã vào đại học và đi làm, vậy nên tôi không có thời gian để chìm đắm trong sầu muộn.
Lần tiếp theo là khi tôi tham gia một sự kiện chớp nhoáng trong khóa học 4 năm của tôi trong đội Tuần duyên Hoa Kỳ. Tôi vô cùng hứng thú với nghề phi công; vì vậy, tôi đã nộp đơn ứng tuyển vào lĩnh vực hàng không trong đội Tuần duyên Hoa Kỳ. Tôi đã vượt qua vòng kiểm tra thể lực và có một buổi phỏng vấn trước hội đồng các sĩ quan ở tại Mobile, Alabama. Sau vài tuần, tôi nhận được một lá thư từ chối “ôn hòa” mà không đưa ra lý do cụ thể nào. Tôi đoán đó có thể là do [tôi đã không đạt được] số lượng tối thiểu các khóa toán học/vật lý đã hoàn thành, điều kiện tiên quyết để gia nhập ngành phi công và hàng hải.
Tôi mất nhiều thời gian hơn để vượt qua [nỗi đau buồn vì] sự từ chối này, bởi tôi đã bỏ nhiều công sức hơn rất nhiều trong cả quá trình. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của mình và thề sẽ làm hết sức mình trong bất cứ lĩnh vực nào mà cuộc sống dẫn tôi đến, bởi vì một số điều là vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Tôi không còn đếm số lượng thư từ chối mà tôi đã nhận được từ những học viện tư nhân và học viện công, cũng như cho những bài viết được gửi đi in xuất bản của mình.
Cuối cùng, trải nghiệm thứ ba của tôi là một sự tiến triển vui vẻ hơn. Điều đó đã củng cố sự thực rằng chúng ta hiếm khi nhận được chính xác điều mình muốn, nhưng lại thường xuyên nhận được những gì mình cần để làm vững chắc thêm mục đích sống của chúng ta. Khi còn học trung học phổ thông, tôi đã nhận ra rằng mình có chút tài năng trong việc viết lách, vì vậy, tôi bắt đầu viết nhật ký và làm thơ.
Trong vài năm, tôi đã bắt đầu viết các bài luận về nhiều chủ đề khác nhau và gửi đi xuất bản. Tôi cũng gắn bó với ngành giáo dục hơn 20 năm, nơi tôi có vinh dự được trợ giúp các em học sinh, sinh viên gặp khó khăn với các bài tập đọc và viết.
Tôi nhận ra rằng để một số những bài viết mẫu của tôi được các nhà in chấp thuận là một quá trình khó khăn. Có vô số những thông báo từ chối qua thư điện tử hay qua đường bưu điện, và thường không có phản hồi từ các biên tập viên và các nhà xuất bản. Những kinh nghiệm học tập này đã tiếp thêm năng lượng cho tôi, để tôi kiên trì với việc viết các bài báo mang tính thời sự và đầy thuyết phục, phù hợp với triết lý cụ thể của mỗi ấn phẩm.
Tôi phát hiện ra rằng các nhà văn [được coi là] may mắn nếu 20% số tác phẩm của họ được chấp nhận xuất bản. Chỉ có hơn 100 bài viết được xuất bản, vậy nên [bạn hãy thử] tính toán xem tôi đã viết bao nhiêu bài!
Bị từ chối là một phần của cuộc sống, việc này có thể đầy đau khổ, nhưng cũng có thể xây dựng nên nhân cách và dẫn hướng bạn đến với định mệnh cuộc đời của mình. Mỗi khi phải đối mặt với việc bị từ chối, hãy chăm chỉ nỗ lực và tìm ra cơ hội trong hoàn cảnh [khó khăn đó].
Qua thời gian, bạn thậm chí có thể trở nên dày dặn kinh nghiệm hơn, bình thản đối diện với mỗi cánh cửa đóng lại, và hướng đến cơ hội học hỏi kế tiếp. Niềm tin vào những tài năng mà Thượng đế ban cho chúng ta cũng có thể tạo ra một cái nhìn cân bằng, hài hòa về cuộc sống.
Hãy nhớ rằng sự chấp nhận hay sự từ chối đều có thể đến khi chúng ta ít mong đợi nhất; vậy nên, hãy chuẩn bị tinh thần cho những điều bất ngờ và hành xử trước mọi tình huống với thái độ trầm ổn.
Christian Milord, California
______________
Bạn muốn đưa ra lời khuyên gì cho các thế hệ trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả sẵn lòng chia sẻ những giá trị vượt thời gian, đã định rõ được đúng và sai qua những trải nghiệm thực tế cùng với kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm của mình. Chúng tôi nhận thấy những thông điệp ý nghĩa truyền lại cho thế hệ tiếp theo đang giảm dần theo thời gian, và rằng chỉ với một nền tảng đạo đức vững vàng thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Hãy gửi thông điệp của bạn, cùng với tên đầy đủ, tiểu bang và thông tin liên hệ của bạn tới [email protected] hoặc gửi thông điệp đó đến: Next Generation, The Epoch Times, 229 W. 28th St., Floor 7, New York, NY 1000
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: