Google cấm quảng cáo có nội dung ‘không chính xác’ về biến đổi khí hậu
Google đang cấm các quảng cáo đưa vào nội dung mà họ coi là nội dung “không chính xác” về biến đổi khí hậu, và sẽ không còn cho phép doanh thu quảng cáo từ những quảng cáo này, công ty thông báo trong một bài đăng trên blog hôm 07/10.
Đại công ty công nghệ này cho biết chính sách mới sẽ có hiệu lực vào tháng 11 và sẽ giúp “củng cố tính liêm chính” của hệ sinh thái quảng cáo Google, đồng thời cũng phù hợp với công việc trước đây của họ là thúc đẩy tính bền vững và “ứng phó với biến đổi khí hậu.”
“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã nghe trực tiếp từ ngày càng nhiều đối tác quảng cáo và nhà xuất bản của chúng tôi, những người bày tỏ lo ngại về các quảng cáo chạy song song hoặc quảng bá các tuyên bố không chính xác về biến đổi khí hậu,” công ty cho biết trong bài blog hôm thứ Năm thông báo về các cập nhật này.
“Các nhà quảng cáo chỉ đơn giản là không muốn quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh nội dung này. Và các nhà xuất bản và người sáng tạo không muốn các quảng cáo quảng bá những tuyên bố này xuất hiện trên các trang hoặc video của họ.”
Google cho biết những lo ngại đó là nguyên nhân khiến họ tạo ra chính sách kiếm tiền mới, áp dụng cho các quảng cáo mà Google đưa lên mạng, cũng như các trang web và video YouTube chạy quảng cáo của Google.
Chính sách cập nhật này nghiêm cấm quảng cáo và kiếm tiền từ nội dung mâu thuẫn với điều mà Google gọi là “sự đồng thuận mang tính khoa học được công nhận” về sự tồn tại và nguyên nhân của biến đổi khí hậu.
Điều này bao gồm bất cứ nội dung nào phủ nhận những đóng góp của con người vào sự nóng lên toàn cầu hoặc coi “biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp hoặc lừa đảo,” chẳng hạn như “việc phủ nhận rằng các xu hướng dài hạn cho thấy khí hậu toàn cầu đang nóng lên, và các tuyên bố phủ nhận rằng phát thải khí nhà kính hoặc hoạt động của con người góp phần vào biến đổi khí hậu,” Google cho biết.
Trong tương lai, Google sẽ phân tích nội dung và cân nhắc xem liệu nội dung đó đưa ra những tuyên bố chính xác hay sai lệch về biến đổi khí hậu, hay liệu nó chỉ đơn giản là thảo luận hoặc đưa tin về một tuyên bố như vậy.
“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cho phép quảng cáo và kiếm tiền trên các chủ đề khác liên quan đến khí hậu, trong đó có các cuộc tranh luận công khai về chính sách khí hậu, các tác động khác nhau của biến đổi khí hậu, nghiên cứu mới và hơn thế nữa,” công ty này cho biết.
Google cho biết thêm rằng họ đã tham khảo ý kiến của “các nguồn có thẩm quyền” về khoa học khí hậu – trong đó có những người đã đóng góp vào các Báo cáo Đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc – khi đưa ra chính sách mới trên.
Chính sách mới sẽ được thực thi thông qua việc nhân viên đọc hoặc xem nội dung cũng như thông qua “các công cụ tự động,” mặc dù công ty không nêu cụ thể các công cụ đó là những gì.
Chính sách mới của Google được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Google đã tuyên bố ủng hộ Thỏa thuận Paris và ca ngợi nhiều cách mà họ đang thực hiện để hỗ trợ thị trường năng lượng tái tạo và bảo đảm tính bền vững trong các sản phẩm của mình.
Tuần này (04-10/10), đại công ty công nghệ này đã ra mắt một số sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức về khí hậu, bao gồm cả mô hình định tuyến trong Google Maps hiển thị cho người dùng con đường thân thiện với môi trường nhất dẫn tới điểm đến của họ.
Tháng trước, Facebook đã công bố một số biện pháp mới để mở rộng sự tương tác của cộng đồng với “các chủ đề khí hậu” và cho biết họ đang tìm cách bảo đảm mọi người “có quyền truy cập thông tin đáng tin cậy trong khi giảm thiểu thông tin sai lệch.” Họ nói thêm rằng họ sẽ đầu tư 1 triệu USD vào một chương trình tài trợ khí hậu mới để xác minh thực tế bất kỳ nội dung khí hậu nào mà họ cho là “thông tin sai lệch.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: