Giusi Mastro: Sinh ra để làm kiến trúc sư
Kiến trúc sư người Ý Giusi Mastro đam mê nghệ thuật và kiến trúc, nhưng cô cũng là một nhiếp ảnh gia đầy nhiệt huyết.
Các họa tiết trang trí phức tạp của đầu cột, cửa sổ vòm với tỷ lệ hoàn hảo, một bức tượng Hy Lạp hùng vĩ bên dưới bức phù điêu, bạn sẽ nhận thấy những chi tiết kiến trúc tuyệt đẹp này ở Thành phố New York nếu dành chút thời gian nhìn lên một số tòa nhà, những công trình trọng điểm đó đã được bảo tồn trong quá trình lịch sử của thành phố.
Khi đi dạo trên đường phố New York, cô sẽ thường nhận ra một thứ gì đó đẹp đẽ, chụp nhanh một bức ảnh và đăng nó lên Instagram của mình.
“Tôi yêu nhiếp ảnh vì nó cho phép bạn ngưng đọng một khoảnh khắc khi một thứ mà bạn có thể đã thấy nhiều lần có ánh sáng, bóng đổ, tỷ lệ {biểu hiện ra} theo một cách nhất định. Bạn chụp một bức ảnh vào một khoảnh khắc trong ngày, và chủ thể trông hoàn toàn khác {vào một khoảnh khắc khác},” cô nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Các chi tiết trên các tòa nhà cũng nhắc nhở cô về “một thời kỳ trong lịch sử, và một nghệ nhân đã tạo ra chúng theo cách thủ công,” cô nói thêm.
Mastro lớn lên ở vùng Puglia, Ý, trong một gia đình với truyền thống làm gốm khoảng 300 năm. Về cơ bản, cô sinh ra trong môi trường nghệ thuật, hay còn gọi là “figlio d’arte” như cách nói của người Ý.
Quê hương của cô là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân và những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, vùng này từng được gọi là Magna Graecia, từng là thuộc địa của những người định cư Hy Lạp cổ đại. Mastro thích kiến trúc một cách tự nhiên. Đến năm sáu tuổi, cô biết rằng mình muốn một ngày nào đó trở thành một kiến trúc sư.
Nhưng cho đến khi học trung học, khi đến thăm Florence, “điều trở nên rõ ràng là kiến trúc sẽ mãi mãi trong cuộc đời tôi,” cô tâm sự.
Trong suốt chuyến đi, cô Mastro đã đến thăm Duomo di Firenze nổi tiếng (còn được gọi là Nhà thờ Saint Mary of the Flower). Khi đang đi trên con đường dẫn từ Piazza del Duomo (Quảng trường Nhà thờ) đến nhà thờ, thoạt đầu cô không nhìn thấy công trình này.
Nhưng đột nhiên, “Tôi nhìn lên và thấy một phần của mái vòm lớn đến nỗi bạn bạn chỉ nhìn thấy một phần nhỏ khi nhìn từ đường phố, giống như một quả bóng bay khổng lồ đang đậu phía trên con đường,” cô nói.
Đó là khoảnh khắc cô sẽ không bao giờ quên. “Bạn cảm thấy được kết nối với nơi chốn, kiến trúc – mọi thứ.” Cô đi dạo quanh thành phố như thể cô đã từng sinh ra ở đó.
Cô biết mình phải trở về và thuyết phục cha mẹ cho cô theo học ngành kiến trúc tại Đại Học Florence, trong thời kỳ mà lĩnh vực này vẫn được coi là nghề của đàn ông. Mastro nói, đó là kỷ nguyên mà con đường sự nghiệp là “không thể lường trước được” đối với một phụ nữ trẻ.
Ở trường, cô đã học lịch sử kiến trúc, từ những người Hy Lạp và La Mã cổ đại, những người đã thiết lập các nguyên tắc cổ điển, cho đến ngày nay. Cô cũng học được rằng, phong cách thiết kế của Ý chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh khác nhau.
Tại Ý, “bạn được bao quanh bởi [những công trình] lịch sử và thủ công. Những cấu trúc này đã chịu đựng được thử thách của thời gian, chiến tranh, biến động xã hội và vẫn tồn tại,” cô Mastro nói.
Ngày nay, với công ty kiến trúc và thiết kế ORA studio (được thành lập vào năm 2001) tại thành phố New York, cô đã kết hợp những nguyên tắc cổ điển như vậy vào các thiết kế hiện đại của mình.
Chẳng hạn như một phần trong dự án mới nhất của cô tại Long Island, cô đã thiết kế một lối vào gợi nhớ đến không gian chuyển tiếp từ khu vực đón trả khách dẫn vào nhà ở các dinh thự và lâu đài xưa.
Phần vỉa hè bên ngoài nhà cô đã chọn sử dụng sampietrini, một loại đá cuội do người La Mã cổ đại phát minh, được làm từ đá núi lửa rắn; một số con đường lát đá cuội vẫn được bảo tồn ở Rome cho đến ngày nay.
Trong hai thập kỷ qua kể từ khi đến New York, Mastro đã liên tục khám phá những công trình kiến trúc tuyệt đẹp và chia sẻ tình yêu kiến trúc của cô với thế giới.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: