Giữa nguy cơ sụp đổ kinh tế, Sri Lanka yêu cầu Trung Quốc tái cấu trúc việc hoàn trả nợ
Tổng thống của đất nước Sri Lanka ngập nợ đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ tái cấu trúc việc hoàn trả nợ nhiều tỷ USD như một giải pháp ngăn chặn nền kinh tế nước này khỏi nguy cơ sụp đổ do tác động của đại dịch COVID, thư ký tổng thống cho biết vào hôm Chủ Nhật (09/11).
Văn phòng của tổng thống cho biết trong một bản tuyên bố rằng, trong cuộc viếng thăm và gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống (TT) Gotabaya Rajapaksa đã nói rằng, “sẽ là một cứu cánh lớn cho Sri Lanka nếu chú ý đến việc tái cấu trúc việc hoàn trả nợ như một giải pháp cho khủng hoảng kinh tế diễn ra do đối mặt với đại dịch COVID-19.”
Tuyên bố này cho biết, TT Rajapaksa cũng đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp một chương trình tín dụng-thương mại ưu đãi dành cho việc nhập cảng hàng hoá vào Trung Quốc và hỗ trợ việc mở cửa cho khách du lịch Trung Quốc đến Sri Lanka theo hình thức vành đai an toàn tránh lây nhiễm COVID.
Theo báo cáo, Sri Lanka phải thực hiện hoàn trả khoảng 4.5 tỷ USD nợ trong năm nay, bắt đầu với khoản 500 triệu USD nợ trái phiếu quốc tế phải trả vào ngày 18/01/2022.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka chạm mức cao kỷ lục là 11.1% vào tháng 11/2021, trong đó tỷ lệ lạm phát lương thực tăng lên đến 16.9%. Nguyên nhân thúc đẩy gia tăng lạm phát được cho là bắt nguồn từ việc đồng nội tệ của Sri Lanka giảm 7.5% so với đồng USD vào năm ngoái.
Ngay lập tức chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp của nền kinh tế theo sắc lệnh an ninh công cộng và thành lập một uỷ ban dịch vụ thiết yếu để điều chỉnh giá thực phẩm của các chuỗi kinh doanh thực phẩm và các nhà bán lẻ.
Hiện nay chưa rõ liệu Trung Quốc có đồng ý với những yêu cầu từ Sri Lanka hay không.
Trung Quốc được xem là chủ nợ lớn thứ tư của Sri Lanka, sau các thị trường tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu, và Nhật Bản.
Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay hơn 5 tỷ USD để làm những dự án đường cao tốc, cảng, phi trường, và một nhà máy năng lượng điện than. Tuy nhiên các nhà phê bình kinh tế đã chỉ trích các khoản tiền vay của chính phủ được sử dụng vào các dự án tốn kém và hiệu quả thấp. Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Sri Lanka cũng là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, một kế hoạch dài hạn để tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với các nơi còn lại trên thế giới. Nhưng các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, đã gọi sáng kiến này là “bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ cảng Hambantota trong 99 năm để chuyển đổi các khoản nợ 1.4 tỷ USD của Sri Lanka thành vốn chủ sở hữu, nhưng biện pháp này đã khiến hàng chục ngàn người biểu tình tập hợp chống lại thỏa thuận này.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã lên tiếng cảnh báo cho Sri Lanka về việc qua lại làm ăn với Bắc Kinh, ông gọi đích danh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “kẻ săn mồi” khi liên tục vi phạm chủ quyền cả đường bộ và trên biển.
Tại cuộc họp báo chung năm 2018 ở Sri Lanka, ông Pompeo cho biết: “Chúng ta chứng kiến từ những thỏa thuận tồi tệ, vi phạm chủ quyền và vô pháp luật trên đất liền và trên biển, rằng ĐCSTQ là một kẻ săn mồi, còn Hoa Kỳ tiếp cận theo một cách khác. Chúng tôi đến với tư cách là đối tác và là bạn đồng hành”.
Aldgra Fredly là ký giả tự do sinh sống tại Malaysia, chuyên báo cáo tin tức của Châu Á Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Sunny Chao và Reuter
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: