Giữ thể diện cho người khác
Vào thời đại Minh triều Tuyên Đức, Ngự sử Lí Tuấn phụng lệnh Hoàng thượng đến huyện Tiền Đường tỉnh Chiết Giang để giám sát việc dự trữ lương thực, tuy nhiên, quan huyện Tiền Đường đối với Lí Tuấn ngoài mặt thì cung kính, nhưng trong lòng vẫn luôn muốn bày mưu tính kế hãm hại ông.
Quan ấn bị mất
Một lần, huyện lệnh tìm cơ hội đưa tâm phúc của mình vào làm người hầu bên cạnh Lí Tuấn. Vì Lí Tuấn hoàn toàn không có tâm đề phòng người khác, do vậy tên tâm phúc này nhanh chóng có được sự tín nhiệm của Lí Tuấn, đồng thời hắn tìm cơ hội đánh cắp quan ấn Ngự sử của Lí Tuấn. Lúc Lí Tuấn làm việc cần sử dụng đến ấn thì mới phát hiện hộp đựng ấn trống không. Lí Tuấn nghĩ tới nghĩ lui, từ các manh mối vụn vặt ông phán đoán được chính là huyện lệnh đã làm việc này.
Sau khi thuộc hạ của Lí Tuấn biết chuyện, liền muốn dẫn quân đến lục soát nhà của quan huyện, nhưng Lí Tuấn lập tức ngăn cản, bởi vì trong lòng ông biết cũng vô dụng, căn bản là không có bằng chứng. Nếu huy động nhân lực đi lục soát, rất có thể sẽ khiến đối phương trong lúc hoảng loạn mà vứt bỏ tang vật, như vậy Lí Tuấn không những không lấy lại được quan ấn, ngược lại còn đẩy bản thân vào đường cùng, bởi vì làm mất đại ấn là một việc thất trách mang trọng tội. Vì để người khác không biết việc bản thân bị mất quan ấn, Lí Tuấn đành phải giả bệnh và ngừng xử lí công vụ.
Diệu kế kịp thời
Cứ như vậy qua mấy ngày sau, Lí Tuấn cuối cùng đã nghĩ ra được một cách có thể khiến quan huyện chủ động giao trả quan ấn, nhưng tiền đề là phải để cho ông ta một con đường lui. Vào đêm sau khi chủ ý được đưa ra, Lí Tuấn giả vờ là bệnh đã khỏi, tinh thần phấn chấn nên muốn mời huyện lệnh đến nhà để uống rượu chúc mừng. Trong lúc hai người đang uống rượu, không biết vì nguyên nhân gì mà nhà bếp trong nhà Lí Tuấn đột nhiên phát hỏa, Lí Tuấn vội vàng từ phòng ngủ lấy hộp đựng ấn ra đưa cho quan huyện rồi nói: “Hãy giúp ta bảo quản nó một đêm, sáng sớm ngày mai hãy giao nó lại cho ta, việc cấp bách của ta bây giờ là phải dập lửa!”, nói rồi không cho quan huyện có cơ hội từ chối, Lí Tuấn nhanh chóng chạy đi dập lửa.
Ngọn lửa trong nhà bếp thực ra chính là do Lí Tuấn từ sớm đã an bài cho đầy tớ trong nhà phóng hỏa, thế lửa đương nhiên không lớn, trong phút chốc đã có thể dập tắt. Tuy nhiên, huyện lệnh thì lại khác, ông ta ôm cái hộp rỗng trở về nhà, nếu giữ nguyên trạng thái như vậy đem trả lại thì điều đó đồng nghĩa với việc ông ta đã làm mất đại ấn Ngự sử, đây là tội lớn liên hệ đến họa phúc của cả nhà, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, huyện lệnh đành sai người đem quan ấn đã đánh cắp từ nhà của Lí Tuấn đặt trở lại vào hộp. Sáng sớm ngày hôm sau thì đem hộp ấn giao trả về nhà Lí Tuấn. Lí Tuấn khi nhận hộp thì mở hộp ngay tại chỗ, trong hộp bỗng nhiên có đại ấn. Lúc này, hai người trong lòng đều hiểu rõ nhưng không nói ra mà chỉ mỉm cười, chỉ khác nhau ở chỗ một nụ cười thể hiện sự thản nhiên độ lượng, còn một nụ cười thì thể hiện sự xấu hổ.
Từ đó có thể thấy, khi chịu tổn thương hoặc đối xử bất công từ người khác, nếu một mực đối đầu gay gắt, bản thân có lí nên không chịu khoan nhượng, chỉ e rằng sẽ khiến cả hai bên đều chịu thương tổn, nếu như có thể chừa cho đối phương một đường lui, khiến họ biết khó mà lùi, kì thực đó là một loại trí huệ kì diệu vậy.
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: