Giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Hoa Kỳ cũng có một hệ thống phân đẳng cấp
Hệ thống phân đẳng cấp ở những quốc gia xa xôi như Trung Quốc và Ấn Độ thì có liên quan gì đến Hoa Kỳ? Hoàn toàn có liên quan.
Trong một bài viết trước, tôi đã thảo luận về những tác động của hộ khẩu, hệ thống phân đẳng cấp tàn bạo của Trung Quốc. Phương pháp phân tầng xã hội của Trung Quốc chỉ ưu ái cho một số ít người được chọn; hàng trăm triệu công dân, phần lớn là những người dân đến từ các thị trấn và làng mạc nông thôn, nhận thấy bản thân mình bị tẩy chay.
Ấn Độ, một quốc gia khác đồng nghĩa với phân tầng xã hội, đã chia 1.4 tỷ người dân của mình thành các nhóm có thứ bậc cứng nhắc. Sử dụng hai thước đo chính, nghiệp (tạm dịch là “hành động”) và pháp (tạm dịch là “đạo đức”), hệ thống đẳng cấp này của Ấn Độ phân chia con người theo các nấc thang do xã hội dựng lên. Ngày nay, hơn 200 triệu người Ấn Độ thuộc về nấc thang dưới đáy xã hội. Không hề có chỗ cho chuyển dịch xã hội. Được nhắc đến như là “những người không thể chạm tới,” những người này thường xuyên bị từ chối quyền tiếp cận các nhu cầu căn bản, kể cả giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Đối với những người “không thể chạm tới” này, do bị chế giễu và ngược đãi nên cuộc sống [của họ] thực sự bi đát.
Ở Hoa Kỳ, cũng tồn tại một hệ thống phân đẳng cấp. Sử dụng các thước đo chính – là giới tính và chủng tộc – để ưu ái cho một số người và phỉ báng những người khác, hệ thống phân đẳng cấp của Mỹ là sản phẩm mang tính kết hợp [giữa các yếu tố], một khung đánh giá sử dụng chủng tộc, giai cấp, và giới tính để phân loại các cá nhân. Ở dưới đáy của cái bậc thang xã hội vốn đang ngày càng lung lay này, quý vị sẽ thấy đó là người da trắng. Cụ thể là đàn ông da trắng. Cụ thể hơn nữa là đàn ông da trắng hợp giới. Một số người nói rằng đàn ông da trắng hợp giới là những người xấu tệ nhất trong xã hội. Với tư cách là một người đàn ông da trắng hợp giới, tôi lấy làm khó chịu với cái ý tưởng cho rằng 30% dân số Hoa Kỳ bị coi khinh như những kẻ biến thái không thể cứu vãn.
Tất nhiên, người ta không thể thảo luận về sự tha hóa của người da trắng mà không thảo luận về cái khái niệm rất khó nắm bắt là “đặc quyền của người da trắng,” một lý thuyết đầy khiếm khuyết được xây dựng trên nền tảng của những giai thoại vô căn cứ. Tại Hoa Kỳ, khoảng 250 triệu người da trắng đã bị quy thành một đám người không ra người. Những kẻ cấp tiến, nhiều người trong số họ rất hứng thú nói về những trải nghiệm thực tế, lại nhanh chóng bỏ qua những trải nghiệm thực tế của người da trắng. Rốt cuộc, những trải nghiệm thực tế của một giám đốc điều hành của JP Morgan da trắng rất khác biệt với những trải nghiệm thực tế của một nông dân da trắng ở Louisiana. Nông dân có tỷ lệ tự tử cao gấp ba lần tỷ lệ của quốc gia và 95% nông dân Mỹ là người da trắng. Tuy nhiên, với chế độ phân đẳng cấp như vậy, sự thật dù có thương tâm đến đâu cũng không sao cạnh tranh được với những câu chuyện giả dối, và được đơm đặt đầy cảm xúc.
Mặc dù nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng vẫn cần phải nói ra những điều như thế này: Hàng triệu người Mỹ da trắng hoàn toàn không được hưởng đặc quyền. Họ chưa từng được sinh ra với đặc quyền. Họ sống chật vật bằng đồng lương của mình, và nỗ lực hết sức để trang trải cho chi phí sinh hoạt và bữa ăn hàng ngày. Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, một số nhóm người thiểu số kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể so với người da trắng, bao gồm người Mỹ gốc Pakistan, người Mỹ gốc Liban, người Mỹ gốc Nam Phi và người Mỹ gốc Sri Lanka. Thực tế, người Mỹ gốc Ấn Độ là những người có thu nhập cao nhất. Đây là điều nên được chúc mừng. Về lý thuyết, Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia coi trọng tất cả những cá nhân làm việc chăm chỉ, tận tâm, bất kể màu da hay sắc tộc của họ là gì. Tuy nhiên, “trên lý thuyết” có nghĩa là rất ít.
Chúng ta được biết là chủ nghĩa phân biệt tuổi tác là “chủ nghĩa” cuối cùng có thể chấp nhận được trong xã hội phương Tây. Nhưng đó là một nhận thức sai lầm. Phân biệt chủng tộc vẫn có thể chấp nhận được, miễn là những bình luận mang tính thù địch đó hướng về phía người da trắng — tốt hơn cả là đàn ông da trắng hợp giới.
Làm thế nào mà chúng ta lại trở nên như vậy? Mặc dù khái niệm của Eric Weinstein về mô hình thể chế kiểm soát thông tin (GIN) chưa bao giờ có ý định lý giải về thành kiến đối với người da trắng, những nó lại giúp làm sáng tỏ hiện tượng khá tồi tệ này. Theo GIN, các phương tiện truyền thông thiên tả và giới học thuật hiện đang quyết định thông tin nào là đúng. Chỉ có những thông tin đã được sàng lọc kỹ càng, và được chấp thuận trước mới được đưa ra cho công chúng, ngay cả khi thông tin đó bỗng nhiên chẳng chứa sự thật nào cả. Lấy dự án NY Times 1619 làm ví dụ. Dự án này đã bị các nhà sử học đáng kính chỉ trích nặng nề vì đã khắc họa Hoa Kỳ như một mảnh đất vốn luôn phân biệt chủng tộc. Người da trắng, tất nhiên, là những kẻ áp bức. GIN, xét từ nhiều phương diện, giống như một hộp đêm độc quyền. Chỉ những ai “phù hợp” mới được phép bước vào. Những ai có tư tưởng khác biệt và những ý kiến khác biệt sẽ không được phép bước vào. Mọi người đều phải tôn trọng một “quy tắc ăn mặc” rất cụ thể. Những người da trắng duy nhất được phép vào là những người thừa nhận đặc quyền và tội lỗi bản nguyên của họ, ngay cả khi họ chẳng có đặc quyền hay tội lỗi đặc biệt nào cả.
Như người ta vẫn thường nói, chính trị bắt nguồn từ văn hóa. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, thái độ bài xích người da trắng đã thâm nhập vào luật pháp của chính phủ. Như tờ NY Post đưa tin hồi tháng Ba, Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ của chính phủ Tổng thống Biden, rõ ràng là đã phân biệt đối xử với người da trắng. Nông dân người Mỹ gốc Phi Châu thì được miễn giảm nợ. Trong khi đó, nông dân da trắng hầu như không nhận được hỗ trợ nào cả. Theo tờ báo này, một điều khoản khác “đã hỗ trợ hàng tỷ dollar cho các nhà hàng có chủ sở hữu là phụ nữ và người thiểu số.” Trong khi đó, “các chủ nhà hàng chẳng may là những người đàn ông da trắng đang chật vật trong khó khăn” thì được yêu cầu xếp cuối hàng. Tệ hơn nữa, dự luật cơ sở hạ tầng mới đây mang đầy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người da trắng. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thiểu số được cấp cho những vị trí hàng đầu; còn người da trắng, một lần nữa, lại thấy mình bị đặt ở phía sau. Dù thế nào đi nữa, làm thế nào mà điều này có thể chấp nhận được nhỉ? Chẳng phải là cần xem xét hoàn cảnh của mỗi người theo từng trường hợp, và trên cơ sở không có phân biệt chủng tộc hay sao?
Ý tưởng về “đặc quyền của người da trắng” có lẽ là ý tưởng gây hại nhất ở Hoa Kỳ hiện nay. Với việc hàng triệu người Mỹ bị trừng phạt vì mang “tội danh” là người da trắng, thì đất nước sẽ này đi về đâu đây? Trừ khi mọi thứ sớm thay đổi, nếu không thì đất nước này sẽ chẳng đi tới kết cục nào tốt đẹp cả.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: