Giới thiệu dự luật giới hạn sự miễn trừ của Mục 230 cho Big Tech
Hạ nghị sĩ Greg Steube (Cộng Hòa-Florida) đã công bố dự luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải tuân thủ “tiêu chuẩn của Tu chính án Thứ nhất đối với các thông lệ kiểm duyệt nội dung của họ”. Dự luật sẽ giới hạn quyền miễn trừ của các công ty này khi họ hạn chế các phát ngôn hoặc kiểm duyệt những nội dung nhất định, để tăng thêm trách nhiệm pháp lý.
Đạo luật về Kiềm chế Lạm dụng và Bảo lưu Biểu đạt trong Công nghệ, hay còn gọi là Đạo luật CASE-IT, vốn sẽ sửa đổi Mục 230 của Đạo luật Truyền thông năm 1934, nhằm cho phép tự do ngôn luận trực tuyến đồng thời bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi nội dung không phù hợp và không an toàn.
Dự luật này nhằm hạn chế quyền lực của CEO của những công ty công nghệ lớn trong việc quyết định nội dung nào không có lợi hay sai sự thật.
Ông Steube nói: “Các giám đốc điều hành của công ty công nghệ lớn không do bầu chọn không nên được quyền lạm dụng các biện pháp bảo vệ mà Mục 230 cấp cho họ để chặn các phát ngôn và ngăn thông tin đến từ công chúng chỉ vì nó không phù hợp với niềm tin chính trị của họ. Việc kiểm duyệt của họ đã vượt ra ngoài vai trò là nhà xuất bản và đã đến mức can thiệp bầu cử một cách tích cực và có chủ đích. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Chính quyền Trump đã lên tiếng về sự cần thiết phải thay đổi Mục 230 để buộc các công ty internet phải quản lý và tiết chế nội dung trên các nền tảng của họ một cách có trách nhiệm và công bằng, đồng thời cáo buộc các nền tảng trực tuyến như Facebook và Twitter tham gia kiểm duyệt các quan điểm nhất định.
Các đồng nghiệp thuộc Đảng Cộng Hòa của ông Steube tại Thượng viện cũng đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế mà những người bảo thủ phải đối mặt trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau. Hôm 28/10, Ủy ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức một phiên điều trần để chất vấn các CEO công nghệ lớn về cách họ duyệt nội dung của mình.
‘Các Trọng tài phân xử sự thật’
Trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Roger Wicker (Cộng Hòa-Mississippi) cho biết ông lo ngại các nền tảng này đã “trở thành những trọng tài đầy quyền lực để phân xử điều gì là đúng và nội dung nào mà người dùng có thể tiếp cận”. Ông đã bác bỏ quan điểm cho rằng bất kỳ lời chỉ trích nào cũng đều xuất phát từ chính trị đảng phái.
Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) cũng đã chất vấn các CEO vào hôm thứ Tư (28/10) và viết một bài bình luận nói rằng các ông chủ công nghệ đã có những tuyên bố sai sự thật về việc không hạn chế những người bảo thủ trên nền tảng của họ.
“Chỉ mới tuần này, Twitter đã đình chỉ Cao uỷ viên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ Mark Morgan trong 20 giờ vì đã cập nhật cho người dân Hoa Kỳ biết về việc xây dựng bức tường biên giới phía nam. Mỗi người trong số các CEO công nghệ lớn này đều tuyên bố công khai xác nhận họ điều hành công ty của mình mà không có thành kiến chính trị. Rõ ràng, điều đó là sai sự thật,” ông Lee viết.
Ông Lee cũng chỉ trích các công ty vì đã hạn chế các nội dung bảo thủ khác như các nhóm ủng hộ quyền được sống.
Ông Lee viết: “Hôm thứ Tư, tôi đã có cơ hội yêu cầu các CEO của Facebook, Google, và Twitter nêu một ví dụ về việc các công ty của họ kiểm duyệt một người hoặc nhóm theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng, bao gồm các nhóm ủng hộ phá thai như Kế hoạch hóa Gia đình, NARAL, hay Danh sách của Emily.”
“Các CEO của Twitter và Facebook hoàn toàn không nêu được một ví dụ nào.”
Twitter và Facebook đã không hồi đáp yêu cầu bình luận ngay lập tức.
Tổng thống Donald Trump thường đưa ra ý tưởng về việc bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp bảo vệ Mục 230.
“Nếu công ty công nghệ lớn vẫn tồn tại, và phối hợp cùng với các phương tiện truyền thông dòng chính, thì chúng ta phải ngay lập tức tước bỏ các biện pháp bảo vệ Mục 230 của họ. Khi chính phủ ban cho họ những biện pháp bảo vệ này, họ đã tạo ra một con quái vật!”, Tổng thống Trump nói trong một bài đăng trên Twitter hôm 15/10.
Bowen Xiao đã đóng góp cho bản tin này.