Giới tài phiệt Trung Quốc chuyển tài sản ra ngoại quốc, Singapore là điểm đến hàng đầu
Bất an về môi trường kinh doanh và chính trị không ổn định ở đại lục, ngày càng có nhiều tài phiệt Trung Quốc lo lắng về việc để lại một tỷ lệ lớn tiền của họ ở trong nước và đang chuyển tài sản của họ ra ngoại quốc. Trong cơn sốt chuyển nhượng tài sản này, Singapore đã trở thành thiên đường an toàn số một được lựa chọn.
Mặc dù chính phủ Singapore đã cố gắng hạ nhiệt thị trường địa ốc của mình thông qua Thuế Trước Bạ Bổ Sung Đối Với Người Mua (ABSD), một loại thuế làm tăng giá địa ốc lên 30% đối với người mua ngoại quốc, nhưng biện pháp này không ngăn được sự quan tâm của các ông trùm ngoại quốc đối với các tài sản của nước này.
Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) mới đây đã đăng tải một bài báo cho biết, một nhà tài phiệt đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, gần đây đã mua 20 căn ở Canninghill Piers với giá hơn 85 triệu SGD (khoảng 61.2 triệu USD). Đây là một khu chung cư thuộc diện cao cấp ở Singapore.
Trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này, Liên Hợp Tảo Báo tiết lộ rằng người mua bí ẩn đã thanh toán bằng tiền chuyển từ Indonesia. Trong số 20 căn ông mua, một nửa trong số đó là loại ba phòng ngủ có giá từ 3.1 triệu đến 3.3 triệu SGD (khoảng 2.25 triệu đến 2.39 triệu USD); 10 căn còn lại là căn bốn phòng ngủ có giá từ 5.3 triệu đến 5.6 triệu SGD (khoảng 3.85 triệu đến 4.07 triệu USD).
Họ cũng cho biết người mua này cũng đang xem xét mua thêm 10 căn nữa, việc này sẽ khiến tổng chi tiêu của ông là hơn 100 triệu SGD (khoảng 73 triệu USD). Điều này có nghĩa là chỉ với giao dịch đó, chính phủ Singapore sẽ có thể thu được doanh thu thuế trước bạ khoảng 30 triệu SGD (khoảng 21.81 triệu USD).
Những người làm việc trong lĩnh vực địa ốc nói với Liên Hợp Tảo Báo rằng nhiều tài phiệt ngoại quốc chọn nhập cư vào Singapore do những lo ngại, trong đó có môi trường kinh doanh và chính trị không ổn định ở Trung Quốc, do đó, giao dịch tài sản của người ngoại quốc có thể cao hơn số liệu chính thức mà chính phủ Singapore công bố.
Các nhà tài phiệt Trung Quốc là những người nhập cư mới của Singapore
Trong vài thập niên qua, Singapore đã được coi là một địa điểm hấp dẫn đối với các doanh nhân và tầng lớp trung lưu từ các quốc gia như Malaysia và Indonesia. Nhưng bối cảnh về tài sản đã được định hình lại với một lực lượng xâm nhập mới: giới siêu giàu Trung Quốc nhập cư vào Singapore trong thập niên vừa qua.
Trong Danh Sách Tỷ Phú Thế Giới thường niên lần thứ 36 của Forbes, được công bố hồi tháng Tư năm nay, ông Lý Tây Đình (Li Xiting), người sáng lập và chủ tịch của Công ty Điện tử Y tế Mindray Thâm Quyến, đã trở thành người giàu nhất Singapore với giá trị tài sản ròng là 16.5 tỷ USD.
Ông Lý Tây Đình, 71 tuổi, một công dân đã nhập quốc tịch Singapore, sinh ra trong một gia đình bình thường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc và tốt nghiệp Đại học Công nghệ Trung Quốc. Ở tuổi 40, ông Lý bắt đầu kinh doanh tại Thâm Quyến vào năm 1991 và đồng sáng lập Mindray cùng một số đồng nghiệp từ Công ty TNHH Công nghệ cao An Khoa Thâm Quyến (Shenzhen Anke High-tech Co., Ltd.), có trụ sở chính tại Thâm Quyến, là nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc.
Theo danh sách của Forbes, bốn trong số 10 người Singapore giàu nhất hàng đầu là người nhập cư Trung Quốc. Cụ thể là ông Trương Dũng (Zhang Yong), người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Haidilao, một công ty chuyên về nhà hàng lẩu. Ông Trương đứng thứ sáu với giá trị tài sản ròng là 6 tỷ USD (tính đến hôm 09/06/2022).
Ông Trương được xếp hạng là người giàu nhất Singapore vào năm 2019 với giá trị tài sản ròng là 13.8 tỷ USD khi đó. Với tư cách là “tầng lớp tinh hoa mới” ở Singapore, ông đã phá vỡ sự dẫn đầu giới thượng lưu xã hội trước đây bởi những người có “tiền cũ”. Trước ông Trương, hai anh em ông Robert và ông Philip Ng, thuộc tổ chức phát triển bất động sản Viễn Đông (Far East Organization), được xếp hạng giàu nhất Singapore trong 10 năm.
Xếp thứ bảy là ông Lý Tiểu Đông (Li Xiaodong), thuộc Tập đoàn Đông Hải (Sea Limited), một công ty trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử. Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Diệp Cương (Gang Ye) của Đông Hải đứng thứ 10, với giá trị tài sản ròng là 2.8 tỷ USD (tính đến hôm 09/06/2022). Ba công ty con chính của Đông Hải tập trung vào trò chơi, thương mại điện tử, và thanh toán kỹ thuật số, và các công ty dịch vụ tài chính Garena, Shopee, và SeaMoney.
Những người Singapore gốc Hoa khác trong danh sách bao gồm ông Triệu Đào (Tao Zhao), người sáng lập Công ty Dược phẩm Bộ trưởng Sơn Đông (Shandong Buchang Pharma), người đứng thứ 13. Và ông Chung Thanh Kiên (Zhong Sheng Jian), người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Nhân Hằng (Yanlord Land Group), một công ty phát triển địa ốc, đứng thứ 20 với giá trị ròng 1.5 tỷ USD (tính đến hôm 09/06/2022).
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc giàu có thành lập các văn phòng gia đình ở Singapore.
Các công ty ở Singapore đang giúp những người giàu có Trung Quốc chuyển tài sản đến Singapre thông qua các văn phòng gia đình.
Văn phòng gia đình là một công ty tư nhân đảm nhiệm việc quản lý đầu tư và quản lý tài sản cho một gia đình giàu có. Tại Singapore, để thành lập một văn phòng gia đình thì cần bỏ ra chi phí ít nhất là 10 triệu SGD (tương đương 7.26 triệu USD).
Trước đây, lựa chọn đầu tiên của giới nhà giàu là Hồng Kông, nhưng giờ đây Singapore dường như là lựa chọn phổ biến hơn.
Theo số liệu từ Ban Phát triển Kinh tế, số lượng văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng gấp năm lần từ năm 2017 đến năm 2019. Tỷ lệ này tăng hơn nữa trong thời kỳ đại dịch, và đến cuối năm 2020, Singapore có 400 văn phòng gia đình và con số này đang tiếp tục gia tăng.
Các quỹ đổ vào Singapore cho các văn phòng gia đình và các nguồn được giữ kín bởi chính phủ Singapore.
Tài Tân (Caixin Media) đã đăng một bài báo hôm 06/06, cho biết Cơ quan Tiền tệ Singapore đã trả lời Caixin rằng họ không có dữ liệu thuộc thẩm quyền về số lượng văn phòng gia đình đơn lẻ và dòng vốn.
Một nhà quản lý tài sản lâu năm ở Singapore nói với Tài Tân rằng “lần này, Singapore thắng quá dễ dàng.”
Các công ty đại lục cũng chọn Singapore
Ngoài các tài phiệt đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, một số doanh nhân Trung Quốc đại lục, vì những lý do như phát triển, thị trường Trung Quốc bão hòa, hay “nội quyển” (“neijuan”, Trung văn “內捲”, nghĩa là cạnh tranh vô nghĩa, như trong một trò chơi có tổng bằng không), chọn mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á và nhiều người chọn đặt trụ sở chính tại Singapore.
Các công ty trò chơi hàng đầu Tencent, ByteDance, miHoYo, và Yoozoo Games đã đặt trụ sở chính hoặc thành lập chi nhánh tại Singapore.
Một số doanh nghiệp công nghệ cũng chọn mở rộng ra ngoại quốc để đối phó với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Một người quen thuộc với vấn đề này đã nói với Tài Tân rằng một công ty bán dẫn Thượng Hải với doanh thu bán hàng hàng năm là 1 tỷ USD đang có kế hoạch thiết lập một cấu trúc mới ở Singapore.
Hơn nữa, với các quy định ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về mã kim (cryptocurrency), một số chuyên gia blockchain chọn chuyển đến Singapore.
Các đối tác sáng lập của Boyu Capital Investment Management (Quỹ Tiền Tệ Bác Dụ), một công ty cổ phần tư nhân, ông Đồng Tiểu Mông (Sean Tong) và Trương Tử Hân (Zixin Zhang) đã nhập cư đến Singapore và chuyển một số hoạt động của công ty từ trụ sở chính ở Hồng Kông sang Singapore. Công ty này được thành lập bởi Giang Chí Thành (Alvin Jiang), cháu trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói với Wall Street Journal rằng Boyu bắt đầu chuyển đến Singapore vì lo ngại rằng ảnh hưởng chính trị của ông Giang sẽ giảm. So với Hồng Kông, chi nhánh Singapore sẽ là nơi trú ẩn an toàn của họ để thoát khỏi sự hỗn loạn chính trị trong ĐCSTQ.
Cô Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2009.