Quân đội Trung Quốc đã bàn về khả năng dùng virus corona nhân tạo tấn công khủng bố từ 2015
Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc hồi năm 2015 đã trình bày chi tiết về một âm mưu phát tán một loại coronavirus SARS được tạo ra dựa trên kỹ thuật sinh học, nhằm gây ra khủng bố hàng loạt và thúc đẩy tham vọng chính trị toàn cầu của chính quyền Trung Cộng.
Những tiết lộ mới này được đưa ra trong bối cảnh tăng cường điều tra về khả năng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ một vụ rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, một viện nghiên cứu hợp tác với quân đội Trung Quốc.
Học thuyết của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã được trình bày chi tiết trong một cuốn sách năm 2015 lần đầu tiên được trang tin News Corp’s The Australian đưa tin gần đây. Các nhà khoa học này ủng hộ việc vũ khí hóa các mầm bệnh, bao gồm cả coronavirus SARS, để “gây ra khủng bố và giành được lợi thế chính trị và chiến lược” trước một quốc gia thù địch.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch SARS xảy ra từ năm 2002 đến 2003 đã lây nhiễm cho 2,769 người và làm thiệt mạng 425 người bên ngoài Trung Quốc đại lục. Các chuyên gia cho rằng số người thiệt mạng tại Trung Quốc có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.
Cuốn sách dài 261 trang có tiêu đề “Nguồn gốc phi tự nhiên của bệnh SARS và vũ khí gene dựa trên virus do con người tạo ra,” được Nhà xuất bản Khoa học Quân y, một nhà xuất bản thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc-PLA xuất bản vào tháng 02/2015.
Các tác giả viết, “Sự phát triển của vũ khí sinh học đã bước vào một giai đoạn mới chưa từng có trong lịch sử.”
Các tác giả tiếp tục kêu gọi các chuyên gia Trung Quốc “hãy hiểu và chú trọng đến vũ khí gene hiện đại” để áp dụng cho bất kỳ cuộc chiến tranh nào có thể xảy ra trong tương lai, kể cả khi chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra.
Các tác giả đã viết về “vũ khí gene hiện đại,” đề cập đến việc sử dụng công nghệ sinh học thực nghiệm và tiến hành thử nghiệm trên động vật để sửa đổi gen của mầm bệnh, chúng có thể được điều chỉnh để nhắm mục tiêu vào các đặc điểm gene cụ thể của các quần thể kẻ thù.
Các tác giả lập luận rằng việc khai triển các vũ khí sinh học như vậy sẽ có lợi hơn so với việc sử dụng chiến tranh hay hành động quân sự thông thường, bởi vì các hành động quân sự có thể được quy về cho một quốc gia và vấp phải sự lên án của quốc tế.
Mặt khác, vũ khí gene “có thể được che giấu [khi khai triển] và rất khó tìm ra bằng chứng chống lại chúng,” các tác giả viết.
“Ngay cả khi đối mặt với các bằng chứng về học thuật, virus học hay động vật, [người đó có thể] phủ nhận, ngăn cản [ai đó nêu vấn đề], trấn áp [các cáo buộc có thể có], khiến cho các tổ chức quốc tế và những người chính trực phải bất lực.”
Từ Đức Trung (Xu Dezhong), một trong hai chủ biên chính của cuốn sách, là chuyên gia phân tích của nhóm phòng chống và điều trị SARS quốc gia của Trung Cộng vào thời điểm đó. Nhiệm vụ của ông ấy cũng bao gồm cả việc báo cáo cho chỉ huy quân sự hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Quân sự Trung Quốc, theo trang Baike, một nền tảng tương tự Wikipedia do công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc điều hành.
Ông Từ cũng là một giáo sư trong khoa dịch tễ học quân sự tại Đại học Y tế Không quân Trung Quốc. Trường này trước đây được gọi là Đại học Quân y số 4, nằm ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, miền Trung của Trung Quốc. Mười nhà khoa học khác từ trường đại học quân sự này cũng đã được liệt kê trong số 18 tác giả của cuốn sách.
Chủ biên chính còn lại của cuốn sách này là ông Lý Phong (Li Feng), phó trưởng phòng Cục phòng chống dịch bệnh tại Cục Hậu cần của PLA. Không rõ liệu ông Lý có còn giữ chức vụ này hay không.
Cuốn sách đã thảo luận rất nhiều về khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học và các điều kiện tối ưu để giải phóng một loại vũ khí như vậy.
Cuốn sách cho biết, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng có khả năng áp đảo ngành y tế trong khu vực. Ngành y tế sẽ phải chịu “một gánh nặng to lớn” vì số lượng bệnh nhân quá tải. Ngoài ra, nhu cầu đưa bệnh nhân vào diện cách ly, cũng như điều trị y tế kéo dài sẽ làm gia tăng căng thẳng về nguồn lực y tế.
Các tác giả bổ sung thêm, một luồng gió thổi ổn định theo một hướng rất quan trọng để mang mầm bệnh của vũ khí sinh học trong không khí đến được khu vực đã nhắm mục tiêu. Vì những mầm bệnh này có thể bị suy yếu dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, tốt hơn hết là nên phát tán chúng vào “bình minh, hoàng hôn, ban đêm hoặc ngày nhiều mây,” họ nói thêm.
Hơn nữa, các tác giả lưu ý rằng lượng mưa và tuyết không phải là điều kiện tối ưu vì kiểu thời tiết này sẽ “làm giảm nồng độ hiệu quả” của các mầm bệnh trong không khí.
Nguồn gốc đại dịch
Tiết lộ của cuốn sách được đưa ra hơn một năm sau khi bùng phát dịch virus Trung Cộng, thường được gọi là chủng virus corona mới ở Vũ Hán, Trung Quốc. Việc Trung Cộng giải quyết sai lầm trong đợt bùng phát ban đầu đã khiến căn bệnh này lây lan trên toàn cầu trong khi nó có thể đã được kiểm soát, và cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới.
Khi thế giới đang vật lộn để truy ra nguồn gốc của đại dịch, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng virus đã bị rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán-WIV, và đã yêu cầu Trung Cộng mở cửa viện này để thực hiện điều tra. Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này nhưng không cho phép tiến hành điều tra độc lập tại phòng thí nghiệm này.
Ông David Asher, cựu trưởng nhóm điều tra COVID-19 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hồi tháng Ba rằng; virus có thể là kết quả của một tai nạn trong nghiên cứu vũ khí sinh học tại WIV.
Vào tháng Một, Bộ Ngoại giao đã công bố những phát hiện về phòng thí nghiệm P4 duy nhất của Trung Quốc-WIV (có cấp độ an toàn sinh học cao nhất), kết luận rằng viện này “đã thay mặt cho quân đội Trung Quốc tham gia vào các nghiên cứu tuyệt mật, bao gồm cả các thí nghiệm trên động vật, ít nhất từ năm 2017.”
Bộ này cho biết họ có lý do để tin rằng “một số nhà nghiên cứu bên trong WIV đã bị nhiễm bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca nhiễm đầu tiên của đợt bùng phát được xác định, cùng với các triệu chứng nhất quán với COVID-19 và các bệnh theo mùa thông thường.”
WIV cũng bị phát hiện đã tham gia vào một dự án do nhà nước tài trợ từ năm 2012 đến năm 2018, nghiên cứu mầm từ bệnh động vật trên các động vật hoang dã. Dự án được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quân sự và dân sự.
Tuy nhiên, một báo cáo từ hồi tháng Ba của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài được tập hợp bởi Tổ chức Y tế Thế giới, đã bác bỏ giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, rằng điều này là “cực kỳ khó xảy ra.” Báo cáo đã nhận phải chỉ trích nặng nề, 14 quốc gia trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh đã bày tỏ lo ngại về phát hiện này, đồng thời kêu gọi một “phân tích và đánh giá minh bạch và độc lập” về nguồn gốc của đại dịch.
Một lời cảnh báo
Ông Anders Corr, người đại diện của công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York, trong một bài bình luận gần đây trên The Epoch Times đã cho biết cuốn sách của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc nên được xem như một lời cảnh báo về khả năng xảy ra “một cuộc tấn công sinh học bất ngờ từ Trung Cộng.”
“Đừng ngồi chờ một cuộc tấn công sinh học bất ngờ. Hãy dập tắt các chương trình vũ khí sinh học của Trung Cộng ngay bây giờ, bằng cách tách rời thế phòng thủ và sau đó giảm thiểu cơ sở vật chất STEM của quốc gia,” ông Corr viết. STEM là từ viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Ông nói thêm: “Gia tăng áp lực kinh tế và chính trị tối đa, để thúc đẩy Trung Quốc tiến tới quá trình dân chủ hóa là cấp bách. Chỉ khi quốc gia này dân chủ hóa, chúng ta mới nên cho phép nó trở lại hệ thống quốc tế.”
Do Frank Fang thực hiện
Doanh Doanh biên dịch.
Xem thêm: