Giới chức Hoa Kỳ, các nhóm nhân quyền lên án việc Hồng Kông bịt miệng truyền thông
‘Nếu các anh không đưa tin gì hết, thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề,’ một vị quan chức Hồng Kông nói với các ký giả.
Việc đóng cửa một phương tiện truyền thông độc lập nữa ở Hồng Kông đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo trong giới lãnh đạo và các nhóm nhân quyền trên thế giới, những người kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp bảo vệ những gì là chút quyền tự do còn sót lại ở thành phố từng sôi động một thời này.
Hôm 29/12, hơn 200 nhân viên an ninh quốc gia đã đột kích vào các văn phòng của tờ báo ủng hộ dân chủ nổi tiếng Lập Trường Tân văn (Stand News), bắt giữ 6 giám đốc điều hành tiền nhiệm và đương nhiệm của tờ báo này, đồng thời cáo buộc họ tham gia vào “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn”.
Trong vòng vài giờ, hãng thông tấn này đã thông báo sẽ đóng cửa và xóa trang web cũng như các trang mạng xã hội của họ. Họ đã cho giải tán toàn bộ nhân viên. Trong một tuyên bố hôm thứ Tư — được viết bằng chữ trắng trên nền đen — Lập Trường Tân văn cho biết họ đã thực hiện lời hứa bảo vệ nhân quyền và nền dân chủ của thành phố, đồng thời gửi lời cảm ơn tới độc giả đã ủng hộ họ trong suốt bảy năm qua.
Sự đóng cửa chóng vánh của tờ báo này chỉ vỏn vẹn nửa năm sau sự kiện đóng cửa theo cách tương tự của tờ Apple Daily, đã thu hút sự tức giận và lên án của những người theo dõi từ bên ngoài.
Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) viết trong một tweet hôm thứ Tư: “Một hãng thông tấn độc lập nữa ở Hồng Kông đã gục ngã. Đây là cách mà Trung Quốc Cộng Sản đối xử với những người yêu tự do — nhà cầm quyền này vừa bịt miệng những người bất đồng chính kiến vừa hủy hoại nền dân chủ, dồn ép mọi người vào tình cảnh sống trong nơm nớp lo sợ.”
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ “vô cùng chấn động trước những gì cuộc đàn áp tiếp nối này gây ra cho không gian dân sự” ở thuộc địa cũ của Anh.
Cơ quan này nói với Reuters trong một tuyên bố: “Chúng ta đang chứng kiến việc đóng cửa cực kỳ nhanh chóng của không gian dân sự và các hãng thông tấn để xã hội dân sự của Hồng Kông tự do biểu đạt và thể hiện bản thân.”
Một cựu biên tập viên của Apple Daily kết hôn với cựu biên tập viên Lập Trường Tân văn bị bắt [lần này], cũng đã bị bắt giữ hôm thứ Tư. Đây là người thứ bảy có dính líu tới tờ báo này đã bị cảnh sát bắt.
Cảnh sát đã thu giữ số tài sản trị giá 61 triệu HKD (7.82 triệu USD), cho đến nay là lượng tài sản lớn nhất mà các cơ quan điều tra an ninh quốc gia của Hồng Kông phong tỏa, ông Steve Li, người đứng đầu Bộ Công An quốc gia của lực lượng cảnh sát Hồng Kông nói với các phóng viên. Hơn 30 thùng tài liệu báo chí đã được chuyển ra khỏi văn phòng Lập Trường Tân văn.
Ông Li đã cáo buộc Lập Trường Tân văn xuất bản “tin tức giả” và nội dung “kích động” kể từ tháng Bảy năm ngoái, bao gồm một số nội dung mô tả sự mất tích của những người biểu tình ủng hộ dân chủ hoặc tuyên bố họ bị tấn công tình dục trong khi bị cảnh sát giam giữ. Ông cho biết, kênh thông tấn này đã sử dụng nền tảng của mình để kích động lòng thù hận đối với chính quyền trung ương và Hồng Kông, mà không đề cập đến các bài báo cụ thể.
“Chúng tôi không nhắm vào các phóng viên, chúng tôi không nhắm vào giới truyền thông. Chúng tôi chỉ nhắm mục tiêu vào luật an ninh quốc gia, các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu các anh không đưa tin gì hết, thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề,” ông nói bằng tiếng Anh trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư.
Ông Lý Gia Siêu (John Lee), bí thư thành phố, cảnh báo các phóng viên rằng công việc truyền thông của họ sẽ không thể là vỏ bọc bảo vệ cho họ nếu hành vi của họ bị coi là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Ông nói trong một cuộc họp báo riêng: “Những người làm trong lĩnh vực truyền thông chuyên nghiệp nên nhận ra rằng đây là những người xấu đang lạm dụng chức vụ của họ đơn giản bằng cách mặc lớp áo ngụy trang của người làm trong ngành truyền thông.”
Một ngày trước cuộc đột kích của cảnh sát, các công tố viên Hồng Kông đã đệ đơn cáo buộc “các ấn phẩm xúi giục nổi loạn” mới đối với ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người sáng lập Apple Daily, hiện đang lãnh án tù vì các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông Steven Butler, điều phối viên chương trình Á Châu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở tại New York, một cơ quan giám sát tự do báo chí, nói rằng các hành động của chính quyền Hồng Kông chống lại ông Lê và Lập Trường Tân văn hôm thứ Ba đánh dấu một “cuộc tấn công toàn diện vào các phương tiện truyền thông độc lập”.
Ông nói trong một tuyên bố: “Bối cảnh truyền thông từng sôi động một thời của Hồng Kông đang bị phá hủy khi Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn thuộc địa cũ này và người dân Hồng Kông bị tước đi những tiếng nói phản biện thiết yếu.”
Ủy ban này cho biết vào tháng Mười Hai, Trung Quốc vẫn là quốc gia tống giam ký giả tồi tệ nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Họ lưu ý rằng năm 2021 là lần đầu tiên các ký giả ở Hồng Kông bị bỏ tù vì công việc của họ.
Ông Trần Lãng Thăng (Ronson Chan), phó tổng biên tập kiêm chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, đã được thả vào khoảng giữa trưa hôm thứ Tư.
Ông nói với các phóng viên bên ngoài văn phòng của tờ Lập Trường Tân văn rằng ông tôn trọng quyết định đóng cửa của công ty.
“Hôm nay là một ngày thê lương,” ông giãi bày và nhắn nhủ các ký giả đồng nghiệp khác rằng “hãy kiên định đến cùng”.
Bản tin có sự đóng góp của văn phòng The Epoch Times ở Hồng Kông
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: