Giao tranh nổ ra trên đường phố ở Kyiv, người dân được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn
KYIV, Ukraine — Hôm thứ Bảy (26/02), quân đội Nga đã tấn công vào thủ đô của Ukraine, và giao tranh trên đường phố đã nổ ra khi các quan chức thành phố kêu gọi người dân đi trú ẩn. Tổng thống nước này đã từ chối một lời đề nghị di tản của Hoa Kỳ, khẳng định rằng ông sẽ ở lại. “Cuộc chiến đang ở đây,” ông cho biết.
Khi bình minh ló dạng ở Kyiv, không rõ ngay lập tức các binh sĩ Nga đã tiến vào được bao xa. Các quan chức Ukraine đã ghi nhận một số chiến thắng trong việc chống trả các cuộc tấn công, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn gần thủ đô. Các cuộc giao tranh được báo cáo ở rìa thành phố này cho thấy rằng các đơn vị nhỏ của Nga đang thăm dò các tuyến phòng thủ của Ukraine để dọn đường cho các lực lượng chủ lực.
Cuộc tiến công nhanh chóng của các binh sĩ Nga sau chưa đầy ba ngày chiến đấu càng đẩy một đất nước đang bám trụ độc lập phải đối mặt với một cuộc tấn công ồ ạt của Nga vào vòng nguy hiểm, đe dọa lật đổ chính phủ dân chủ và đảo loạn trật tự thế giới thời hậu Chiến Tranh Lạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã một lần nữa trấn an hôm thứ Bảy (26/02) rằng quân đội nước này sẽ đương đầu với cuộc xâm lược của Nga. Trong một đoạn video được ghi lại trên một con phố ở trung tâm thành phố, ông nói rằng ông chưa rời thành phố và cho biết các tuyên bố cho rằng quân đội Ukraine sẽ hạ vũ khí đầu hàng là sai sự thật.
“Chúng tôi sẽ không hạ vũ khí. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước,” ông nói. “Vũ khí của chúng tôi là sự thật của chúng tôi, và sự thật của chúng tôi là lãnh thổ của chúng tôi, là đất nước của chúng tôi, là con em của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều đó.”
Các cuộc đụng độ trên đường phố kéo theo giao tranh đã làm sập các cây cầu, trường học, và các tòa nhà chung cư, dẫn đến hàng trăm vụ thương vong. Đến sáng thứ Bảy (26/02), cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Zelensky cho biết, khi các đơn vị nhỏ của Nga cố gắng xâm nhập vào Kyiv, thì các lực lượng Ukraine đã kiểm soát tình hình.
Các quan chức Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết tâm lật đổ chính phủ Ukraine và thay thế họ bằng một chế độ của riêng mình. Cuộc xâm lược này thể hiện nỗ lực táo bạo nhất của ông Putin trong việc vẽ lại bản đồ Âu Châu và hồi sinh ảnh hưởng của Moscow thời Chiến Tranh Lạnh. Nó đã kích hoạt những nỗ lực quốc tế mới nhằm chấm dứt cuộc xâm lược, kể cả các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với bản thân ông Putin.
Sáng sớm hôm thứ Bảy (26/02), chính phủ Hoa Kỳ đã hối thúc Tổng thống Zelensky di tản Kyiv nhưng ông đã từ chối lời đề nghị này, theo một quan chức tình báo Mỹ cao cấp đích thân biết đến cuộc trao đổi này. Quan chức này đã dẫn lời ngài tổng thống nói rằng “cuộc chiến đang ở đây” và ông cần đạn chống tăng chứ “không phải là một chuyến đi nhờ.”
Quan chức nói trên đã trả lời phỏng vấn với điều kiện được ẩn danh vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Các quan chức thành phố ở Kyiv kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn, tránh xa các cửa sổ và đề phòng các mảnh vỡ hoặc đạn lạc.
Điện Kremlin đã chấp thuận đề nghị tổ chức đàm phán của Kyiv, nhưng dường như đây là một nỗ lực để ép ông Zelensky nhượng bộ thay vì một cử chỉ hướng tới một giải pháp ngoại giao.
Hôm thứ Sáu (25/02), quân đội Nga đã tuyên bố chủ quyền đối với thành phố Melitopol, miền nam Ukraine. Tuy nhiên, trong khói mù chiến tranh, vẫn chưa rõ có bao nhiêu phần của Ukraine vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ukraine và bao nhiêu phần bị quân đội Nga chiếm giữ.
Trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn, một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ xác nhận rằng quân đội Ukraine cho biết đã bắn rơi một phi cơ vận tải chở lính dù II-76 của Nga gần Vasylkiv, một thành phố cách Kyiv 25 dặm (40 km) về phía nam. Không rõ có bao nhiêu người trên phi cơ này. Phi cơ vận tải có thể chở tới 125 lính dù.
Theo hai quan chức Mỹ có hiểu biết trực tiếp về tình trạng thực địa ở Ukraine, một phi cơ vận tải quân sự thứ hai của Nga đã bị bắn rơi gần Bila Tserkva, cách Kyiv 50 dặm (85 km) về phía nam.
Quân đội Nga đã không bình luận về cả hai chiếc phi cơ nói trên.
Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt khe hơn đối với Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược gây chấn động lớn đến nền kinh tế và nguồn cung cấp năng lượng của thế giới. Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết hàng triệu người có thể đang đào thoát khỏi Ukraine. Các liên đoàn thể thao đã tiến hành trừng phạt Nga, và thậm chí cuộc thi hát nổi tiếng Eurovision đã cấm nước này tham dự vòng chung kết vào tháng Năm tới tại Ý.
Sau tất cả, Nga vẫn không nao núng, và đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu nước này ngừng tấn công Ukraine và rút quân ngay lập tức. Mặc dù việc Nga phủ quyết nằm trong dự liệu, nhưng Hoa Kỳ và các nước ủng hộ lập luận rằng nỗ lực này sẽ làm nổi bật sự cô lập của quốc tế đối với Moscow. Cuộc bỏ phiếu có kết quả 11–1, với Trung Quốc, Ấn Độ, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bỏ phiếu trắng, cho thấy sự phản đối đáng kể đối với việc Nga xâm lược nước láng giềng nhỏ hơn, yếu hơn về mặt quân sự của họ.
Trong khi đó, lần đầu tiên NATO đã quyết định cử một phần lực lượng ứng phó của liên minh này đến giúp bảo vệ các quốc gia thành viên ở phía đông. NATO không cho biết sẽ khai triển bao nhiêu binh sĩ nhưng tuyên bố thêm rằng lực lượng được điều động sẽ liên quan đến sức mạnh trên bộ, trên biển và trên không.
Không rõ có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế chiến này.
Về phần mình, các quan chức Ukraine báo cáo đã có ít nhất 137 người thiệt mạng trong ngày giao tranh đầu tiên và họ đã sát thương hàng trăm người thuộc phe Nga. Các nhà chức trách Nga không công bố con số thương vong.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận 25 trường hợp thường dân thiệt mạng, chủ yếu là do các cuộc pháo kích và không kích, đồng thời nói rằng 100,000 người được cho là đã rời bỏ nhà cửa. Họ ước tính rằng có tới 4 triệu người có thể sẽ chạy nạn nếu chiến sự leo thang.
Cuối ngày thứ Sáu (25/02), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ cho phép hỗ trợ an ninh bổ sung lên tới 350 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ an ninh đã được chấp thuận cho Ukraine lên 1 tỷ USD trong năm qua. Không rõ nguồn viện trợ này sẽ đến nơi nhanh như thế nào.
Nơi ở của Tổng thống Zelensky đã được giữ bí mật sau khi ông nói với các lãnh đạo Âu Châu trong một cuộc gọi hôm thứ Năm (24/02) rằng ông là mục tiêu số một của Nga — và họ có khả năng sẽ không nhìn thấy ông còn sống nữa. Sau đó, văn phòng của ông đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh ông đứng cùng các phụ tá cao cấp bên ngoài văn phòng tổng thống và nói rằng ông và các quan chức chính phủ khác sẽ ở lại thủ đô.
Trước đó, ông Zelensky đã đề nghị đàm phán về một yêu cầu trọng yếu của ông Putin: Ukraine tuyên bố trung lập và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO của mình. Điện Kremlin cho biết Kyiv ban đầu đồng ý đàm phán ở Minsk, sau đó nói rằng họ thích Warsaw hơn và sau đó đã tạm dừng liên lạc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó cho biết Moscow sẽ thảo luận về triển vọng cho các cuộc đàm phán vào ngày thứ Bảy (26/02).
Cuộc tấn công này đã được Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây lường trước trong nhiều tuần và bị ông Putin phủ nhận cũng trong thời gian lâu như vậy. Ông cho rằng phương Tây khiến ông không còn lựa chọn nào khác khi từ chối đàm phán về các yêu cầu an ninh của Nga.
Tổng thống Putin chưa tiết lộ kế hoạch cuối cùng của mình đối với Ukraine. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đưa ra một gợi ý khi nói rằng, “Chúng tôi muốn cho người dân Ukraine tự quyết định số phận của mình.” Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin cho biết Nga công nhận ông Zelensky là tổng thống, nhưng không cho biết chiến dịch quân sự của nước này có thể kéo dài bao lâu.
Các lực lượng Nga đã xâm lược Ukraine từ ba hướng sau khi tích lũy khoảng 150,000 quân gần đó.
Cư dân của một khu chung cư ở Kyiv đã thức giấc trong tiếng la hét, và khói bụi bay mù mịt. Thứ mà thị trưởng Kyiv xác định là cuộc pháo kích của Nga đã xé toạc một phần của tòa nhà và kích hoạt một đám cháy.
“Các anh đang làm gì vậy? Đây là cái gì?” cư dân Yurii Zhyhanov hỏi các lực lượng Nga. Giống như vô số người Ukraine khác, anh chộp lấy những đồ tùy thân có thể mang theo, đón mẹ và bỏ trốn, trong tiếng chuông báo động của những chiếc xe hơi kêu inh ỏi sau lưng anh.
Ở những nơi khác tại Kyiv, thi thể một binh sĩ thiệt mạng nằm gần một đường hầm. Những mảnh vỡ của một chiếc phi cơ bị bắn rơi bốc khói giữa những ngôi nhà gạch của một khu dân cư. Nhựa đen được phủ trên các bộ phận thi thể được tìm thấy bên cạnh những ngôi nhà này. Mọi người trèo ra khỏi các hầm tránh bom, các tầng hầm và tàu điện ngầm để đối diện với một ngày biến động khác.
“Tất cả chúng tôi đều sợ hãi và lo lắng. Chúng tôi không biết phải làm gì sau đó, điều gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới,” cô Lucy Vashaka, 20 tuổi, nhân viên tại một khách sạn nhỏ ở Kyiv cho biết.
Hôm thứ Sáu (25/02), chính phủ Tổng thống Biden cho biết sẽ phong tỏa tài sản của ông Putin và ông Lavrov, tiếp nối việc Liên minh Âu Châu và Anh trực tiếp trừng phạt giới lãnh đạo hàng đầu của Nga.
Bà Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, gọi các lệnh trừng phạt đối với ông Putin và ông Lavrov là “một ví dụ và là một minh chứng cho sự bất lực hoàn toàn” của phương Tây.
Do Yuras Karmanau, Jim Heintz, Vladimir Isachenkov, và James LaPorta của The Associated Press thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quy tham khảo bản gốc từ Epoch Times
Xem thêm: