Giáo sư Úc bỏ sang Trung Quốc sau khi nghiên cứu nhận dạng khuôn mặt theo sắc tộc bị phát hiện là phi đạo đức
Một học giả người Úc đã đột ngột rời đất nước để đến Trung Quốc sau khi công trình nghiên cứu về phát triển công nghệ nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ dựa trên dữ liệu hình ảnh của ông bị phát hiện là phi đạo đức.
Nghiên cứu do Giáo sư Lưu Vạn Toàn (Wanquan Liu) tại Đại học Curtin ở miền Tây nước Úc thực hiện và được công bố vào năm 2018 đã sử dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật học máy để xác định chính xác một cá nhân là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, hay là người Nam Hàn.
Mặc dù công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được phát triển và sử dụng trên toàn cầu, nhưng khả năng xác định các đặc điểm trên khuôn mặt của các nhóm dân tộc nhất định thì chưa.
Người ta lo ngại rằng công nghệ này có thể được Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) sử dụng để đàn áp hơn nữa các nhóm thiểu số, với IPVM báo cáo rằng công an Trung Quốc đã khai triển rộng rãi công nghệ nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ do các tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei, Megvii, Dahua, và Hikvision cung cấp.
Sự việc này xảy ra khi Trung Cộng bị quốc tế chỉ trích xung quanh việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, cùng với việc trục xuất những người đào thoát khỏi Bắc Hàn.
Đại học Curtin phát hiện ông Lưu đã vi phạm Bộ Quy tắc của Úc về Tiến hành Nghiên cứu có Trách nhiệm trên một số điều khoản và từ đó đã yêu cầu nhà xuất bản xóa tên trường khỏi nghiên cứu đó.
IPVM cáo buộc rằng các email cho thấy ông Lưu đã từ chối trả lời trường Curtin trong quá trình điều tra và tuyên bố ông bị ốm. Học giả này sau đó đã từ chức và nhận một vị trí tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Các nguồn tin như ShouyeData và PHPYuan đưa tin rằng trước đây ông Lưu đã được tuyển mộ theo Chương trình Nhân tài Hải ngoại của Bắc Kinh (BOTP).
Theo China Today, BOTP có kế hoạch chiêu mộ 1,000 học giả tài năng cao cấp và 10,000 sinh viên hải ngoại — tương tự như Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Cộng.
Các nguồn tin cũng báo cáo rằng sau nghiên cứu vào năm 2018, ông Lưu đã diễn thuyết tại “Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo và Dữ liệu Lớn,” nơi ông ca ngợi “sự phát triển mạnh mẽ” của công nghệ này ở Trung Quốc.
Ông Trịnh Tông Huy (Tshung Chang), chuyên gia về ảnh hưởng của Trung Cộng ở Úc, nói với The Epoch Times rằng Trung Cộng đã sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt và hệ thống tín dụng xã hội của họ để trừng phạt các nhóm không phục tùng chế độ cộng sản này.
Ông Trịnh cho biết, “Đó là vấn đề giành được quyền kiểm soát toàn bộ và tuyệt đối đối với người dân. Trước năm 1949, người Tây Tạng có quyền tự trị của riêng họ, và trong những thời kỳ khác nhau, người Duy Ngô Nhĩ đã có quyền tự trị của họ. Theo thời gian, họ nhận ra rằng họ có cách suy nghĩ độc lập của riêng mình, và một số người trong số họ vẫn khao khát sự tự chủ đó.”
“Vì vậy, [Trung Cộng] cố gắng khiến họ phải tuân theo — cho dù là về mặt văn hóa hay là tôn giáo — để không có vị thần nào khác ngoài Trung Cộng.”
Ông Trịnh cũng nói rằng công nghệ này có thể được sử dụng ở hải ngoại để theo dõi và thu thập thông tin từ các thành viên gia đình của những người Duy Ngô Nhĩ hoặc những người Tây Tạng đang sống ở Trung Quốc, đặc biệt là với sự hiện diện quốc tế của Huawei và các tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc khác có những năng lực giám sát.
Trong một email gửi tới The Epoch Times, Đại học Curtin nói rằng họ đã không hay biết về công trình nghiên cứu của ông Lưu.
“Sự tham gia của học giả Đại học Curtin vào nghiên cứu này không được Trường biết đến, vì nó được thực hiện một cách không chính thức (không có sự hỗ trợ của tài liệu chính thức, chẳng hạn như không có hợp đồng, tài trợ hoặc Biên bản Ghi nhớ),” một phát ngôn viên của trường Curtin nói.
Phát ngôn viên này cho biết trường Curtin đã thiết lập một khuôn khổ dựa trên rủi ro và các hướng dẫn mới để giải quyết các hoạt động nghiên cứu không chính thức trong tương lai.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: