Giáo sư Luật Harvard: TT Trump còn nhiều con đường theo Hiến pháp để chiến thắng
Giáo sư danh dự Luật Đại học Harvard Alan Dershowitz cho biết ông nghĩ Tổng thống Donald Trump có nhiều con đường pháp lý để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Dershowitz cho biết có một số “con đường phù hợp với hiến pháp để giành chiến thắng” cho nhóm pháp lý của tổng thống, mặc dù ông lưu ý rằng tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với các rào cản pháp lý trên tất cả những con đường này.
“Ví dụ, ở Pennsylvania, họ có hai lập luận pháp lý rất chặt chẽ. Một, tòa án đã thay đổi những gì cơ quan lập pháp đã làm về việc kiểm phiếu sau Ngày bầu cử. Đó là một luận điểm có lợi ở Tối cao Pháp viện. Tôi không nhất thiết phải ủng hộ nó, nhưng đó là một luận điểm có lợi tại Tối cao Pháp viện”, ông Dershowitz nói với Fox Business hôm 22/11.
Trong khi đó, nhóm pháp lý có “một luận điểm có lợi tại Tối cao Pháp viện về Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng, rằng một số quận thì cho phép các lá phiếu bị sai sót được sửa chữa trong khi các quận khác thì không. Án lệ Bush v. Gore cho thấy lập luận theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng thì có thể thắng thế.”
Ông Dershowitz, người đã giúp bảo vệ Tổng thống Trump trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện vào đầu năm nay, cho biết vì ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden đã dẫn trước trong cuộc bầu cử, nhóm của Tổng thống Trump khó có thể đấu tranh được đủ số phiếu bầu ở Pennsylvania.
Ông nói: “Một học thuyết pháp lý khác có khả năng rất mạnh là các máy tính, dù gian lận hay bị trục trặc, đã thay đổi hàng trăm nghìn phiếu bầu. Ở đó, có đủ số phiếu bầu để tạo ra sự khác biệt, nhưng tôi chưa thấy bằng chứng để chứng minh điều này. Vì vậy, ở vụ kiện này, họ không có con số. Trong vụ kiện khác, họ dường như chưa có bằng chứng, có thể là họ có. Tôi chưa thấy chúng. Tuy nhiên, có tồn tại học thuyết pháp lý để hỗ trợ họ nếu họ nắm trong tay những con số và bằng chứng.”
Nhưng theo ông, thời gian không còn nhiều cho đội pháp lý của Tổng thống Trump.
“Bạn cần cho phép các nhân chứng và chuyên gia chịu sự kiểm tra chéo và tuân theo các kết quả của tòa án”, ông nói và nói thêm rằng không có “con đường pháp lý để từ chối điều đó” sau khi cuộc bầu cử được xác nhận. “Trường hợp khả quan nhất của họ, nếu họ có bằng chứng, đó là các máy tính có thể đã gian lận hàng trăm nghìn phiếu bầu.”
Tuần trước, ông Dershowitz lưu ý rằng nếu TT Trump có thể “giữ số phiếu [đại cử tri] của ông Biden dưới 270, thì vấn đề sẽ được chuyển đến Hạ viện, nơi tất nhiên có đa số thành viên Đảng Cộng Hòa trong số các phái đoàn của tiểu bang và họ sẽ bỏ phiếu theo tiểu bang nếu vụ việc lên đến Hạ Viện.”
Ông tiếp tục: “Bạn cần một trận đánh hoàn hảo để mang lại hiệu quả. Bạn cần phải có đủ tiểu bang, đủ tổng chưởng lý tiểu bang, hoặc các sở của tiểu bang, hoặc bất kỳ ai, ngoại trưởng hoặc thống đốc của Đảng Cộng Hòa, những người này cần từ chối xác nhận các kết quả một cách hợp pháp bởi vì chúng đang bị thách thức vào ngày Cử tri đoàn họp theo luật.”
Dân biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) – một cựu công tố viên – nói với The Epoch Times tuần trước rằng Quốc hội có “tiếng nói cuối cùng về việc chấp nhận hay từ chối” các phiếu bầu của Đại cử tri đoàn.
Ông cho biết: “Quốc hội có toàn quyền bác bỏ các phiếu bầu của Cử tri đoàn được đệ trình bởi bất kỳ tiểu bang nào, mà chúng tôi tin rằng có một hệ thống bầu cử yếu kém đến mức không thể tin tưởng kết quả bầu cử mà tiểu bang đó đang gửi cho chúng tôi, đến mức họ rất đáng ngờ. Và tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ tiểu bang nào sử dụng hệ thống bầu cử mà tôi không tin tưởng.”
Ông Brooks lưu ý rằng “vào lúc 1h chiều ngày 6/1/2021 giờ miền Đông Hoa Kỳ, 50 tiểu bang sẽ báo cáo với Quốc hội, chủ tịch [của] Thượng viện sẽ chủ trì cuộc họp này” và “sẽ báo cáo với Quốc hội những gì họ tranh luận về kết quả của Cử tri đoàn trong tiểu bang của mình”. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence.