Giáo sư khoa học chính trị Patrick J. Deneen: ‘Tại sao chủ nghĩa tự do thất bại’
Đối với ông Patrick J. Deneen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame ở tiểu bang Indiana, chủ nghĩa tự do tự nhận là phi ý thức hệ thực chất là một hệ tư tưởng có sức mạnh ngang với chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa phát-xít; rất khó để nắm bắt vì hệ tư tưởng này đã tự hòa nhập vào phương Tây một cách êm ái mà không cần đến sự trợ giúp của một nhà nước độc tài.
Giống như những điều không tưởng (utopia) của thế kỷ XX, chủ nghĩa tự do muốn hình thành một “Con người mới”, thoát khỏi các mối liên hệ với gia đình, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo và giới tính. Tuy nhiên, theo giáo sư Deneen, sự thoát ly [khỏi các giá trị này] này là sự lệch lạc đối với tự do đích thực được định nghĩa bởi các triết gia cổ điển như Aristotle hay Plato và những người theo đạo Cơ đốc như Augustine hay Thomas Aquinas.
Theo các triết gia này, tự do nhấn mạnh đến sự tự chủ. Điều này có được nhờ việc thực hành các đức tính căn bản của con người (can đảm, cẩn trọng, chừng mực và công bằng), những đức tính này sẽ được bổ sung thêm bằng các đức tín thần học trong Cơ đốc giáo (bác ái, đức tin và hy vọng), cũng như những thói quen và phong tục ước chế chúng ta bởi gia đình, truyền thống và tôn giáo. Một cộng đồng các cá nhân khép kín tạo thành một chính phủ có quyền lực hạn chế [thông qua các cơ quan được ủy quyền] ví dụ như trường hợp của thành phố cổ Athens.
Tự do hiện đại được phát triển bởi các triết gia như John Locke hay Thomas Hobbes. Theo họ, con người rất thuần khiết trong tự nhiên. Chính cuộc sống trong xã hội đã làm tha hóa con người. Vì vậy, để lấy lại sự toàn vẹn của mình, con người phải giải phóng bản thân khỏi mọi trở ngại áp đặt lên họ. Bằng cách đó, con người sẽ tự do làm bất cứ điều gì mình muốn miễn là không xâm phạm quyền tự do của người khác. Chính vì lý do này mà con người phải trao lại sự an toàn của mình cho Nhà nước kiểu Leviathan mà [nhiệm vụ của] nhà nước này là bảo đảm quyền tự do của một người khỏi sự tấn công của các cá nhân khác.
Theo giáo sư Deneen, quan niệm hiện đại về tự do này thật tai hại. Giải phóng cá nhân khỏi bất kỳ nghĩa vụ nào cho phép con người làm những gì con người muốn. Tuy nhiên, con người thường muốn thỏa mãn những đam mê vô độ của mình như dục vọng, tham lam, ham muốn quyền lực, v.v. Tin rằng bản thân được tự do, nhưng trên thực tế, con người lại trở thành nô lệ cho những đam mê của mình, điều này làm xấu đi và làm biến dạng mối liên kết giữa con người với nhau. Để bảo đảm sự ổn định của một xã hội đã trở nên hỗn loạn do sự suy yếu của các mối quan hệ giữa con người với con người, nhà nước chuyển đổi thành một kẻ chuyên chế kỹ trị được can thiệp một cách hợp pháp vào kinh tế, xã hội, an ninh cho đến tất cả các kẽ hở của cuộc sống.
Đối với giáo sư Deneen, chủ nghĩa bảo tồn truyền thống (conservatisme) chỉ là mặt đảo ngược của chủ nghĩa cấp tiến trên cùng một chiếc huy chương tự do. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến mong muốn trao quyền cho cá nhân trong khi bảo vệ thiên nhiên. Ngược lại, những người bảo tồn truyền thống lại coi trọng sự phát triển kinh tế và thương mại tự do, vốn cần đến nguồn lực tài chính, ngoại giao và quân sự đáng kể trong khi muốn bảo tồn hệ sinh thái nhân văn. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do là một động lực của sự giải phóng, đó là điều tồi tệ nhất đối với chủ nghĩa cấp tiến, hoặc là giải phóng cá nhân – là điều tồi tệ nhất đối với phái bảo tồn truyền thống, hoặc là tăng trưởng kinh tế [nhưng] phá hủy thiên nhiên, vốn chiếm ưu thế.
Vì vậy, đối với ông Deneen, sự chinh phục quyền lực của những người bảo tồn truyền thống sẽ không thể ngăn cản sự suy tàn của phương Tây bởi vì các xã hội hiện đại dựa trên một sai lầm nhân chủng học mang tính hủy diệt. Bị lôi cuốn bởi tác phẩm “Le pari Benedictine” (tạm dịch: “Đặt Cược Benedictine”) của nhà báo Rod Dreher, ông Deneen kêu gọi những người theo đạo Thiên chúa và những người bảo tồn truyền thống từ bỏ xã hội hiện đại, tạo dựng gia đình và hình thành các cộng đồng tôn giáo tự trị để tự bảo vệ mình khỏi hậu quả của sự sụp đổ sắp xảy ra của một nền văn minh đang tan rã và đặt nền móng cho một tương lai lành mạnh hơn.
Ý kiến trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh ý kiến của Epoch Times.
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: