Giáo dục kiểu bắt cá leo cây, trường học đang giết dần khả năng sáng tạo?
Trong bài nói chuyện TED được xem nhiều nhất mọi thời đại, nhà giáo dục – ông Ken Robinson cho rằng “trường học giết chết sự sáng tạo”. Đối với Robinson, “sự sáng tạo cũng quan trọng như khả năng đọc viết và chúng ta nên để nó ở vị trí tương tự”.
Ông Ken Robinson (1950 – 2020) là một tác giả người Anh, diễn giả và cố vấn quốc tế về giáo dục nghệ thuật cho các cơ quan chính phủ, phi lợi nhuận, giáo dục và nghệ thuật. Ông là giám đốc của Dự án Nghệ thuật trong Trường học và Giáo sư Giáo dục Nghệ thuật tại Đại học Warwick. Năm 2003, ông được phong tước Hiệp sĩ vì đã phục vụ nghệ thuật.
Vũ công tài ba bị trường học đánh giá “rối loạn học tập”
Để minh chứng cho việc trường học giết chết sự sáng tạo, Robinson minh họa ví dụ của Gillian Lynne, một biên đạo múa nổi tiếng, người suýt được chẩn đoán mắc chứng rối loạn học tập khi còn nhỏ do không có khả năng ngồi yên trong lớp khi còn ở trường.
Gillian Lynne là một biên đạo múa cho các vở kịch “Cats” và “Phantom of the Opera.” Khi Robinson hỏi cô ấy: “Làm thế nào bạn có thể trở thành một vũ công?” Cô ấy đã kể lại câu chuyện đầy tuyệt vọng khi còn là cô bé 7 tuổi ở trường học. Giáo viên đã viết thư cho bố mẹ cô ấy và nói, “Chúng tôi nghĩ rằng Gillian mắc chứng rối loạn học tập.”
Khi đó Gillian là một cô bé bảy tuổi không thể ngồi học bình thường. Cô bé liên tục đứng dậy, mất tập trung, suy nghĩ vẩn vơ và không theo dõi bài học. Giáo viên lo lắng cho cô bé, phạt cô bé, mắng mỏ, khen thưởng vài lần khi cô chăm chú, nhưng không có gì thay đổi, cô ấy không biết cách ngồi yên và không thể chăm chú nghe giảng.
Khi cô bé về nhà, mẹ cô bé cũng phạt cô bé. Vì vậy, Gillian không những bị điểm kém, bị phạt ở trường mà còn phải chịu đựng chúng ở nhà.
Một ngày nọ, mẹ của Gillian được gọi đến trường, buồn bã như đang chờ tin dữ, dắt tay con đi vào phòng hội kiến. Các giáo viên nói về bệnh tật, về một chứng rối loạn nào đó. Có thể đó là chứng tăng động hoặc có thể cô ấy cần dùng thuốc. Bởi vì cô ấy đã làm phiền mọi người; cô ấy luôn làm bài tập về nhà muộn.
Trong cuộc hội kiến, một giáo viên già đến, người biết cô gái nhỏ. Ông ấy yêu cầu tất cả người lớn, người mẹ và đồng nghiệp, đi theo ông vào một căn phòng kế bên mà từ đó họ vẫn có thể nhìn thấy được cô bé.
Ông ấy nói với Gillian rằng họ sẽ sớm quay lại và bật một chiếc radio cũ có nhạc và rời đi. Khi cô gái đang ở một mình trong phòng, cô ấy ngay lập tức đứng dậy và bắt đầu di chuyển lên xuống theo điệu nhạc trong không gian bằng đôi chân và trái tim của mình.
Người giáo viên già mỉm cười khi các đồng nghiệp và người mẹ nhìn ông trong sự bối rối và thương cảm, như thường làm với những người già. Rồi ông ấy nói: “Các vị thấy gì không. Gillian không bị bệnh, cô ấy là một vũ công!”
Ông ấy khuyên mẹ cô ấy nên đưa cô ấy đến một lớp học múa và thỉnh thoảng bạn bè cùng lớp của cô ấy cũng yêu cầu cô ấy nhảy. Sau buổi học đầu tiên của cô ấy và khi về đến nhà, cô ấy nói với mẹ: “Ai cũng như con, không ai ngồi im một chỗ!”
Cuối cùng cô đã được thử giọng vào Trường Ballet Hoàng gia; cô ấy đã trở thành một nghệ sĩ với sự nghiệp huy hoàng. Sau khi tốt nghiệp trường Ballet Hoàng gia, Gillian mở một học viện khiêu vũ của riêng mình, Công ty khiêu vũ Gillian Lynne và được cộng đồng quốc tế công nhận vì cống hiến nghệ thuật của mình. Cô ấy là người chịu trách nhiệm cho một số vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã mang lại niềm vui cho hàng triệu người và cô ấy là một triệu phú. Ai đó có thể đã cho cô ấy uống thuốc và bảo cô ấy bình tĩnh?
Tại sao môn toán quan trọng hơn múa?
Khi gia đình Robinson chuyển từ Stratford (Anh quốc) đến Los Angeles, ông nói rằng ông hoàn toàn bất ngờ khi đến Hoa Kỳ và đi du lịch vòng quanh thế giới khi nhận ra rằng, mọi hệ thống giáo dục trên Trái đất đều có cùng hệ thống phân cấp các môn học.
“Tất cả mọi người. Không quan trọng bạn đi đâu. Bạn sẽ nghĩ rằng nó sẽ khác, nhưng nó không phải vậy. Đứng đầu là toán học và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn và cuối cùng là nghệ thuật. Mọi nơi trên Trái đất. Và trong hầu hết mọi hệ thống cũng vậy, có một hệ thống phân cấp trong nghệ thuật. Nghệ thuật và âm nhạc thường được đánh giá cao hơn trong các trường học so với kịch và khiêu vũ. Không có hệ thống giáo dục nào trên hành tinh dạy khiêu vũ hàng ngày cho trẻ em như cách chúng ta dạy toán cho chúng. Tại sao không?”
“Nếu bạn đến thăm trái đất với tư cách là một người ngoài hành tinh, bạn sẽ hỏi: ‘Nó để làm gì, giáo dục công cộng ấy?’ Tôi nghĩ bạn sẽ phải kết luận, nếu bạn nhìn vào kết quả, ai thực sự thành công nhờ điều này, ai là người chiến thắng – tôi nghĩ bạn sẽ phải kết luận toàn bộ mục đích của giáo dục công trên toàn thế giới là đào tạo ra các giáo sư đại học. Phải không? Họ là những người dẫn đầu. Và tôi đã từng là một. Và tôi thích các giáo sư đại học, nhưng chúng ta không nên coi họ là dấu tích cao trong tất cả các thành tựu của con người. Đó chỉ là một dạng sống, như mọi dạng sống khác”.
Tất nhiên môn toán cũng quan trọng nhưng nhưng không hơn nghệ thuật hay khiêu vũ. Chúng ta cần công bằng với mọi loại tài năng. Các nước như Phần Lan đang làm được những điều đó: Thời gian lên lớp ít hơn, thu nhập giáo viên nhiều hơn, không có bài tập về nhà, tập trung vào sự hợp tác chứ không phải sự đua tranh… và hệ thống giáo dục của họ đã chứng tỏ là tiên tiến hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Trường học ngày càng làm giảm khả năng sáng tạo
Theo một báo cáo mới từ Đại học Auckland, hệ thống giáo dục của chúng ta ngăn chặn sự tò mò tự nhiên của trẻ em về thế giới một cách hiệu quả.
Trung tâm Nghệ thuật và Chuyển đổi Xã hội tại Khoa Giáo dục và Xã hội của trường Đại học Auckland đã phát hành báo cáo đầu tiên về tình trạng sáng tạo trong các trường học ở New Zealand. Dựa trên bốn năm làm việc, nghiên cứu định lượng được mô tả như một nghiên cứu đầu tiên trên thế giới, đo lường 11 khía cạnh của yếu tố tạo nên môi trường sáng tạo ở các trường tiểu học và trung học. Báo cáo kết luận ở tất cả các cấp học, trẻ em ngày càng giảm cơ hội để chơi với các ý tưởng.
Trên thế giới, không có hệ thống giáo dục công lập nào trước thế kỷ 19. Tất cả đều ra đời để đáp ứng nhu cầu của chủ nghĩa công nghiệp, trong đó hệ thống phân cấp bắt nguồn từ hai ý tưởng.
Thứ nhất, các môn học hữu ích nhất cho công việc được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, bạn có thể đã được định hướng một cách nhẹ nhàng khỏi những thứ ở trường khi bạn còn là một đứa trẻ, những thứ bạn thích, với lý do rằng bạn sẽ không bao giờ kiếm được việc làm khi làm điều đó. Âm nhạc không cần thiết vì bạn sẽ không trở thành một nhạc sỹ; Không cần nghệ thuật vì bạn không phải là nghệ sĩ.
Thứ hai, khả năng học tập – là thứ xác định trí thông minh của một đứa trẻ, được các trường đại học đã đánh giá theo quan điểm của họ. “Toàn bộ hệ thống giáo dục công trên thế giới là một quá trình kéo dài để vào đại học. Và hậu quả là nhiều người tài năng, xuất chúng, sáng tạo không được coi trọng, hoặc thực sự bị kỳ thị, bởi những thứ họ thích xa lạ với quan điểm của trường học.”
Trước đây, nếu có bằng cấp, bạn đã có việc làm. Nhưng bây giờ những đứa trẻ có bằng cấp về nhà để tiếp tục chơi trò chơi điện tử, bởi vì bạn cần bằng Thạc sĩ trong khi công việc trước đây yêu cầu bằng Cử nhân, và bây giờ bạn cần bằng Tiến sĩ cho công việc kia. Đó là một quá trình lạm phát học thuật. Và nó chỉ ra toàn bộ cấu trúc giáo dục đang chuyển dịch theo cách mà chúng ta ngày càng theo đuổi nhiều hơn các thứ mơ hồ và vô nghĩa.
Ngành giáo dục bắt cá leo cây
Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”
Ngày nay giáo dục không những bắt cá phải leo lên cây, mà còn bắt chúng leo xuống dốc, và bắt chúng phải chạy đua nữa.
Trường học biến hàng triệu con người thành robot. Và những phải bơi ngược dòng mà chẳng bao giờ nhận ra tài năng của mình, tự nghĩ rằng chúng thật ngu ngốc, và tin rằng chúng thật vô dụng.
Nghệ sĩ nhạc pop Prince Ea đã làm một clip với chủ đề: “Tôi kiện hệ thống giáo dục”, dài hơn 5 phút với bài nói chuyện xuất sắc về Hệ thống giáo dục rập khuôn và những kỳ thi trắc nghiệm phản khoa học.
Prince Ea học ngành nhân chủng học và tốt nghiệp hạng ưu tại trường ĐH Missouri-St.Louis, chính vì vậy ông đã lên án chắc nịch: “Tôi đã nghiên cứu về giáo dục, và lịch sử cho thấy giáo dục được tạo ra để đào tạo công nhân cho nhà máy, vì thế các người xếp học sinh gọn gàng vào khuôn, bắt chúng ngồi im và giơ tay khi muốn phát biểu, nghỉ trưa chỉ kịp ăn, và nhồi sọ 8 tiếng mỗi ngày. À còn bắt chúng cạnh tranh để giành điểm A nữa. Một ký tự đánh giá chất lượng sản phẩm. Thịt loại A nhé! Hiểu rồi nhé!
Giờ khắc đã điểm, không chần chừ nữa, tôi thách nền giáo dục bước lên thanh minh về tội danh giết chết sự sáng tạo, giết chết tính cá nhân, và xúc phạm trí tuệ. Đó là một thể chế cổ hủ đã sống dai hơn công dụng của nó.
Mọi nhà khoa học đều khẳng định mỗi bộ não đều độc nhất. Và bất kỳ nhà nào có hai đứa con trở lên đều hiểu rõ điều này. Vậy nhưng trường học lại áp đặt lên chúng những cái khuôn bánh một cỡ, một tiêu chuẩn cho tất cả.
Khi giáo viên đứng trước 30 đứa trẻ – mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm, nhu cầu, tài năng, và ước mơ khác nhau. Và cách họ “giáo dục” là dạy chúng giống hệt nhau.
“Vì bác sĩ có thể phẫu thuật tim để cứu mạng một đứa trẻ nhưng một giáo viên giỏi có thể chạm tới trái tim đó và giúp đứa trẻ sống thực sự”, Prince Ea nói.
Chương trình giảng dạy được tạo ra bởi những người bị ám ảnh bởi những bài kiểm tra chuẩn, cho rằng những câu hỏi trắc nghiệm có thể định nghĩa thành công. Thực tế là “những bài kiểm tra này quá thô thiển và lẽ ra nên bỏ đi” – đây là lời của Frederick J. Kelly, người đã phát minh ra bài kiểm tra chuẩn.
Mọi thứ đều bắt đầu từ một ý tưởng
Như Robinson nói, “Sự tò mò là động cơ của thành tích.”
Triệt tiêu sự sáng tạo và đổi mới, khiến chúng ta ngừng tiến bộ và giảm khả năng tồn tại. Sáng tạo không chỉ giới hạn trong nghệ thuật. Sáng tạo là động cơ của sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực. IPhone và máy tính… tất cả đều bắt đầu từ một ý tưởng. Và chúng ta cần trường học của chúng ta tràn ngập những ý tưởng như vậy.
Robinson nói đúng rằng hệ thống giáo dục của chúng ta được thiết kế cho thời đại công nghiệp, và bây giờ chúng ta cần tạo ra một hệ thống giáo dục mới. “Chúng ta cần ngồi bên cạnh học sinh của mình (không phải trước mặt chúng) và cố gắng tìm hiểu thế giới của chúng sẽ như thế nào và chúng cần biết có thể làm gì.”. “Ý kiến của tôi là, tất cả những đứa trẻ đều có những tài năng vô cùng lớn. Và chúng ta lãng phí chúng, khá tàn nhẫn. “
Tất cả trẻ em sinh ra đều là nghệ sĩ. Vấn đề là chúng còn vẫn là một nghệ sĩ khi lớn lên? Robinson nói: “Tôi tin tưởng một cách say mê, rằng chúng ta không phát triển thành sự sáng tạo, chúng ta phát triển từ nó. Hay đúng hơn, chúng ta được giáo dục từ nó.”
Chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ trình diễn một tác phẩm (bản nhạc, múa hay bất cứ điều gì) và cho rằng đó là một buổi biểu diễn phi thường. Nhưng thật sự, tất cả trẻ em đều đặc biệt trong toàn bộ thời thơ ấu. Bởi chúng sở hữu năng lực thực sự phi thường ngay từ khi mới sinh ra mà chưa cần đến trường học, đó là sự sáng tạo.