Giám đốc tổ chức người tiêu dùng: BlackRock bán lợi ích của Hoa Kỳ đổi lấy ‘ưu ái riêng’ ở Trung Quốc
BlackRock, nhà quản lý đầu tư lớn nhất thế giới hiện giám sát 10 ngàn tỷ USD tiền của khách hàng, đã tự định vị mình là một công ty có ý thức xã hội. Tuy nhiên, công ty đang chọn Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ khi họ tăng cường các ưu tiên về môi trường và xã hội, theo ông Will Hild, giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Consumers’ Research có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “China Insider” của EpochTV, ông Hild cho biết Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink đang “bán lợi ích của người tiêu dùng Mỹ và các công ty Mỹ tại Hoa Kỳ, để đổi lấy những ưu ái riêng dành cho BlackRock ở Trung Quốc đại lục.”
Ông Fink là một trong những người ủng hộ nổi bật nhất cho đầu tư ESG, tức đầu tư vào các công ty đồng ý duy trì một số tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, và quản trị.
Tuy nhiên, theo ông Fink, ESG “là cái cớ để Wall Street đẩy mạnh chính trị vào các tập đoàn Mỹ”. Nói cách khác, Wall Street đang thúc đẩy các chính sách ESG mà “không bao giờ có thể đạt được tại thùng phiếu,” ông nói thêm.
Ngoài ra, BlackRock cũng đã đưa ra quan điểm ủng hộ một tương lai không phát thải ròng. Trang web của công ty nói với khách hàng rằng “quá trình chuyển đổi khí hậu tạo ra một cơ hội đầu tư lịch sử.” Trong một lá thư gửi các CEO năm 2020, ông Fink đã viết rằng “rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư.”
Theo ông Hild, BlackRock đã thúc đẩy các công ty Mỹ như ExxonMobil đón nhận năng lượng xanh, nhưng họ lại không áp dụng cách tiếp cận tương tự với các công ty Trung Quốc.
Ông nói, “Trớ trêu thay, Blackrock kiểm soát cùng một lượng cổ phiếu của PetroChina như họ sở hữu tại Exxon (khoảng 7.5%), nhưng họ không thể hiện bất kỳ hành vi tương tự nào khi nói đến công ty đó,” chẳng hạn như thúc đẩy các công ty Trung Quốc áp dụng chính sách không phát thải ròng (net zero).
PetroChina là chi nhánh được niêm yết của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Hồi tháng Hai, công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm với CNPC, mở đường cho khí đốt tự nhiên giữa Nga với Trung Quốc thông qua một đường ống mới nối vùng Viễn Đông của Nga với miền đông bắc Trung Quốc.
Ông Hild tiếp tục: “Tôi nghĩ nếu họ làm vậy, ông Larry Fink sẽ nhanh chóng thấy mình không được chào đón ở Trung Quốc đại lục vì chúng ta biết chính quyền đó hành xử như thế nào.”
Ông Hild cho biết lý do BlackRock không thúc giục các công ty Trung Quốc là “quá đỗi vô lý.”
Ông Hild giải thích: “Cái cớ mà họ sử dụng là Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, và vì vậy chúng ta không thể áp đặt các quy tắc tương tự đối với họ.”
Năm 2021, BlackRock đứng về phía công ty quỹ đầu cơ Engine No.1, công ty đã thay thế các giám đốc mới trong hội đồng quản trị của ExxonMobil, tin rằng đại tập đoàn dầu mỏ này đã phản ứng quá yếu ớt trước cuộc khủng hoảng khí hậu. Trích dẫn một báo cáo của Wall Street Journal, ông Hild cho biết hội đồng quản trị sau đó đã xem xét việc thoái vốn khỏi hai dự án khí đốt và dầu ở Mozambique và Việt Nam.
Ông Hild lập luận rằng các dự án đó lẽ ra sẽ “phục vụ người tiêu dùng Mỹ tại trạm xăng để giá có thể được hạ xuống.”
Ông nói, “Thực tế thì BlackRock và ông Larry Fink đang sử dụng Mỹ làm nơi bù đắp carbon của Trung Quốc. Họ không gây áp lực lên Trung Quốc về khử cacbon.”
Ông tiếp tục: “Và vì vậy họ đang đưa các tập đoàn Mỹ ở Hoa Kỳ vào một sân chơi không công bằng so với các đối thủ của họ ở Trung Quốc. Và họ đang sử dụng tiền đầu tư của người Mỹ để làm điều đó.”
Theo ông Hild, một đặc ân mà BlackRock có được từ chính quyền Trung Quốc là được cho phép bắt đầu kinh doanh quỹ tương hỗ hoàn toàn thuộc sở hữu ngoại quốc ở Trung Quốc.
Tháng 08/2011, BlackRock Fund Management Co., Ltd, công ty kinh doanh của BlackRock tại Trung Quốc, đã ra mắt một sản phẩm quỹ tương hỗ ở Trung Quốc, đưa đây trở thành quỹ tương hỗ đầu tiên được cung cấp bởi một công ty 100% vốn ngoại quốc, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Nhiều chính phủ tiểu bang ở Hoa Kỳ đã đầu tư các quỹ hưu trí của họ qua BlackRock. Theo một báo cáo năm 2021 (pdf) từ tổ chức Consumers’ Research, Washington, Florida, và New York là ba tiểu bang đầu tư hàng đầu, lần lượt đầu tư 13.8 tỷ USD, 10.7 tỷ USD, và 9.8 tỷ USD.
Báo cáo cũng cảnh báo về việc BlackRock đưa tiền của nhà đầu tư vào các công ty Trung Quốc liên kết với quân đội Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC.
Báo cáo cho biết: “Các lựa chọn đầu tư của BlackRock không chỉ gây rủi ro cho an ninh hưu bổng của Hoa Kỳ mà còn cho cả an ninh quốc gia của chúng ta.”
Với việc Hoa Kỳ đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục, ông Hild tin rằng các quyết định đầu tư của BlackRock, giúp công nghiệp hóa Trung Quốc trong khi phi công nghiệp hóa Hoa Kỳ, không mang lại lợi ích cho những người hưu trí.
Ông nói, “Điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của họ với tư cách là những người về hưu. Và nó sẽ gây tổn hại cho họ ở trạm xăng, cửa hàng bách hóa và tất cả những nơi khác mà họ tiêu tiền.”
The Epoch Times đã liên lạc với BlackRock để yêu cầu nhận xét.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.