Giám đốc tổ chức NGO cảnh báo việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Cộng có thể lan sang các nước khác
Tiến sĩ Torsten Trey cảnh báo rằng, chế độ cộng sản ở Trung Quốc có ý định xuất cảng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức khủng khiếp của mình một khi họ có thể phá bỏ các tiêu chuẩn đạo đức trong ngành cấy ghép do phương Tây đặt ra.
Ông Trey, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), đã đưa ra lời cảnh báo này trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Crossroads” của EpochTV. Ông đang bình luận về việc Trung Cộng đã đàn áp tù nhân lương tâm trong nhiều thập niên như thế nào để thúc đẩy các hoạt động ở quy mô công nghiệp nhằm cung cấp nội tạng thu hoạch được cho thị trường cấy ghép.
Với tham vọng thống trị nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc, ông Trey nói rằng Bắc Kinh cũng đã tìm cách trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực cấy ghép.
Ông nói, “Ở các nước phương Tây, chúng tôi tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức vì lợi ích của bệnh nhân. Có một mục đích cho điều đó, đi kèm với thời gian chờ đợi. Việc này dựa trên sự đồng ý tự do và tự nguyện làm nền tảng cho việc hiến tạng.”
“Khái niệm về sự đồng ý tự do và tự nguyện này về căn bản đã bị phá hủy trong khái niệm thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Nói cách khác, ông nói rằng Bắc Kinh coi các tiêu chuẩn y tế phương Tây là một mối đe dọa đối với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của mình.
“Do đó, Trung Quốc rất quan tâm đến việc phá bỏ hệ thống [phương Tây] này để căn bản là biến thu hoạch nội tạng cưỡng bức trở thành tiêu chuẩn chung trong y học cấy ghép,” ông nói.
Trung Quốc là một trong những điểm đến hàng đầu cho du lịch cấy ghép, vì các bệnh viện Trung Quốc cung cấp dịch vụ cấy ghép nội tạng với thời gian chờ rất ngắn, đồng thời tuyên bố rằng nội tạng của họ bắt nguồn từ hệ thống hiến tặng tự nguyện của nước này. Bắc Kinh tuyên bố họ đã không lấy nội tạng từ các tù nhân bị tử hình kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, một tòa án nhân dân có trụ sở tại London đã bác bỏ tuyên bố của Trung Cộng trong một báo cáo năm 2019. Tòa án kết luận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được sự hậu thuẫn của nhà nước đang diễn ra trên một “quy mô đáng kể” ở Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn tạng chính.
Các học viên của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã trở thành mục tiêu bức hại của Trung Cộng kể từ năm 1999.
Các cáo buộc về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006.
Ông Trey cho biết một khi Trung Quốc trở thành nước có tiếng nói hàng đầu trong lĩnh vực cấy ghép, nước này sẽ đặt ra “các tiêu chuẩn mới” trong lĩnh vực cấy ghép. Tại thời điểm đó, ông cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ “không bị hạn chế trong việc theo đuổi để thủ tiêu” các tù nhân lương tâm mà không có sự giám sát hay chỉ trích của quốc tế.
Ông Trey cho biết ông có cơ hội nói chuyện với một số người gần như là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo ông Trey, một số người cho biết họ liên tục bị xét nghiệm máu khi bị giam giữ ở Trung Quốc, trong khi một người từng bị giam giữ cho biết cảnh sát đã thừa nhận với anh ta khi anh ấy bị xét nghiệm máu rằng nội tạng của anh có thể bị lấy đi.
Ông Trey cho biết ông cũng đã xem báo cáo về việc các cơ quan nội tạng bị mất trong thi hài của những người bị giam giữ thiệt mạng ở Trung Quốc.
Năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã đồng thuận để thông qua đạo luật H.Res. 343, cũng kêu gọi chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh.
Hồi tháng Ba, luật mới đã được trình lên ở cả Thượng viện (S.602) và Hạ viện (H.R.1592) để chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và buôn người. Nếu được thông qua, luật sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu của những người tham gia mua bán nội tạng bất hợp pháp. Luật cũng sẽ cấm Hoa Kỳ xuất cảng các thiết bị phẫu thuật cấy ghép nội tạng cho các tổ chức nước ngoài liên can đến tội ác này.
Đã có sự ủng hộ của quốc tế kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ông Trey cho biết tổ chức của ông đã tổ chức một bản kiến nghị toàn cầu kéo dài 6 năm kết thúc vào năm 2018, thu thập hơn 3 triệu chữ ký và kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giúp chấm dứt hoạt động này ở Trung Quốc.
Ông Trey nói rằng, “Giờ đây chúng tôi muốn Liên Hiệp Quốc và các nhà điều tra độc lập đi thực địa [ở Trung Quốc], đi vào các trại này ở Trung Quốc” để điều tra.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: