Giám đốc The Epoch Times tại HK: Sự sụp đổ của Hồng Kông là điềm báo Trung Cộng tiếp quản thế giới tự do
Bầu không khí đàn áp ở Hồng Kông do Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) nuôi dưỡng – nhờ đó mà những kẻ tấn công có thể phá hoại nhà in của một trong những tờ báo độc lập của thành phố này mà không bị trừng phạt – là điều mà Bắc Kinh kỳ vọng lén lút đưa vào phương Tây, bà Guo Jun, giám đốc của ấn bản The Epoch Times ở Hồng Kông cho biết.
Từng được ca ngợi bởi các quyền tự do dân chủ, Hồng Kông đã chứng kiến sự giảm dần quyền tự trị của mình kể từ khi thuộc địa cũ của Anh này trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997. Trong năm vừa qua, Bắc Kinh đã áp đặt các luật lệ sâu rộng để hình sự hóa các hành vi ly khai, lật đổ, và cấu kết với ngoại bang được định nghĩa một cách mơ hồ, đồng thời tiến hành các cải cách bầu cử tuyên bố rằng chỉ “những người ái quốc” mới có thể cai trị lãnh thổ này.
Kể từ đó, các nhà chức trách đã truy tố hàng chục người theo luật an ninh mới hoặc theo các tội danh khác, gồm cả mới đây nhất là ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), nhà xuất bản của tờ báo địa phương Apple Daily đồng thời là người chỉ trích gay gắt Trung Cộng.
“Hồng Kông là minh chứng hoàn hảo về việc Trung Cộng đã biến một xã hội tự do thành một nơi mà mọi người sợ tự do phát ngôn như thế nào,” bà Guo nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên chương trình “American Thought Leaders” (“Các Nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ”) của The Epoch Times.
“Ngày nay, ngay cả giải Oscar cũng không thể phát sóng ở Hồng Kông vì các bộ phim phải qua Trung Cộng xem xét trước khi có thể trình chiếu tại các rạp của Hồng Kông. Trung Cộng đã từng bước biến Hồng Kông thành thế này,” bà cho biết, và nói thêm rằng bà quan sát thấy hiện tượng tương tự đang xảy ra ở phương Tây.
“Hollywood, một số công ty công nghệ lớn, Wall Street, họ cần phải làm ăn với Trung Quốc, vì vậy họ tuân theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi gặp phải các chủ đề mà Trung Cộng không thích,” bà nói.
“Theo một cách không hề hay biết, mọi thứ thay đổi xung quanh quý vị và rồi quý vị nhận ra thế giới đã khác đi,” bà nói. “Người ta không dám nói ra những gì họ thực sự cảm thấy vì họ sợ bị tấn công hoặc bị phân biệt đối xử.”
Bà Guo lưu ý rằng một số người có lẽ thấy khó tưởng tượng được rằng điều này có thể xảy ra ở một xã hội tự do.
“Nhưng ai đứng sau tất cả sự việc này, đang kiểm soát toàn bộ sự việc này? Ai đang sử dụng các ưu đãi về tài chính và thị trường của Trung Quốc như những con bài mặc cả để thay đổi toàn bộ thế giới?” bà nói.
“Chúng tôi biết đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng này đã mài giũa các kỹ năng của mình ở Hồng Kông.”
Hôm 12/04, bốn người đàn ông đã xông vào xưởng in của The Epoch Times ở Hồng Kông. Hai người trong số đó đã đập vỡ các thiết bị in ấn quan trọng bằng búa tạ, làm cho việc phân phối báo của tờ báo bị đình trệ. Ấn bản này đã nối lại hoạt động xuất bản vào hôm 16/04, kịp thời đưa tin về việc kết án ông Lai và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng khác.
Bà Guo, dẫn ra một loạt các nỗ lực phá hoại tương tự kể từ khi cơ sở này bắt đầu hoạt động vào năm 2006, đã nói rằng rất có thể Trung Cộng đứng sau vụ tấn công bạo lực này.
“The Epoch Times không có bất kỳ kẻ thù chống đối nào bởi vì chúng tôi không nợ bất kỳ khoản nợ nào và chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ xung đột tài chính nào với các nhóm hay các cá nhân,” bà cho biết.
Bà Guo, một trong những thành viên sáng lập của The Epoch Times ở Atlanta, tiểu bang Georgia, vào năm 2000, cho biết sự khan hiếm thông tin độc lập từ bên trong Trung Quốc là động lực đã thúc đẩy nhóm thành lập tờ báo này.
Họ muốn “mang sự thật về Trung Quốc đến cho toàn thế giới và cũng truyền tải tiếng nói quốc tế đến với người dân Trung Quốc,” bà Guo cho biết.
Vào thời điểm đó, Trung Cộng đã dàn dựng một vụ tự thiêu để dùng làm tuyên truyền biện minh cho cuộc đàn áp của họ đối với các học viên Pháp Luân Công, cuộc đàn áp này vốn đã được khởi xướng từ hơn một năm trước đó. Bà Guo nhận thấy rằng các hãng thông tấn tiếng Hoa và tiếng Anh đã không báo cáo các bằng chứng lộ ra về việc Trung Cộng đã dàn dựng sự kiện trên như thế nào.
Tuy nhiên, “tờ báo của chúng tôi vào thời điểm đó đã có thể báo cáo sự thật về sự kiện này cho toàn thế giới,” bà nói.
Một năm sau, khi dịch SARS bùng phát ở miền nam Trung Quốc vào cuối năm 2002, Trung Cộng đã che đậy sự bùng phát đó, cũng giống như họ đã làm trong đại dịch hiện nay.
“Chính tờ The Epoch Times ở Hồng Kông là bên đầu tiên đã đưa tin về câu chuyện đó,” bà Guo nói.
Sự phá hoại
Nhưng rồi việc đưa tin tức không kiểm duyệt của tờ báo này về Trung Cộng đã phải trả giá. Không lâu sau khi thành lập tờ báo, nhóm phóng viên đầu tiên của họ ở Trung Quốc đều bị bắt.
“Nhiều người trong số họ là sinh viên tốt nghiệp từ [Đại học] Thanh Hoa và các trường đại học danh tiếng khác ở Trung Quốc,” bà Guo nói, “Họ đã bị tra tấn một thời gian dài trong các nhà tù ở Trung Quốc.”
Ngay cả hiện nay, các phóng viên của tờ báo này cũng là mục tiêu của chế độ đó.
“Chúng tôi cũng có rất nhiều phóng viên trên toàn cầu mà các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc bị quấy rối và bị đe dọa,” bà cho biết.
Vào tháng Ba, một người dẫn chương trình thời sự trực tuyến của The Epoch Times Hồng Kông đã nhận được một tin nhắn của cảnh sát Trung Quốc đại lục do một người họ hàng gửi đến: Hãy ngừng phát sóng hoặc phải đối mặt với việc bị bắt giữ theo luật an ninh quốc gia mới.
Bản thân bà Guo đã đang là mục tiêu bị Trung Cộng đe dọa. Khi bà chuyển đến Hồng Kông để làm việc cho ấn bản này, bà đã nhận được một lá thư yêu cầu bà phải rời khỏi thành phố ngay lập tức. Tác giả lá thư này cũng nói rằng họ sẽ theo dõi mọi hành tung của bà và đi theo bà mọi lúc mọi nơi.
Chế độ này cũng đã cố gắng phá hoại ấn bản Hồng Kông bằng cách gây áp lực lên các nhà bán lẻ và những người quảng cáo. Bà Guo nhớ lại một tình huống trong đó một khách hàng quảng cáo nhỏ ở Hồng Kông nhận được những lá thư đe dọa bằng bốn ngôn ngữ khác nhau.
“Một số người trong số những khách hàng này [ở Hồng Kông] là người Hàn Quốc hoặc từ các quốc gia khác, vì vậy Trung Cộng dùng các ngôn ngữ khác nhau để đe dọa và quấy rối họ,” bà nói.
Tháng 05/2019, The Epoch Times Hồng Kông bắt đầu bán báo tại khoảng 500 cửa hàng 7-Eleven trong thành phố này.
“Mọi người rất vui vì giờ đây việc mua báo The Epoch Times đã trở nên rất thuận tiện,” bà Guo nói.
Nhưng kế hoạch đó không kéo dài được lâu.
“Thật không may, Trung Cộng rất nhanh chóng gây áp lực lên 7-Eleven, thế nên 7-Eleven đã đơn phương rút khỏi hợp đồng và gỡ bỏ The Epoch Times ra khỏi kệ của họ,” bà cho biết.
Không lùi bước
Điều mà chế độ này tìm cách đạt được “không chỉ là về việc lọc ra một hay hai mục tin tức,” mà là xuất cảng toàn bộ hệ thống của nó thông qua việc kết hợp các mối đe dọa và ép buộc kinh tế, bà Guo nói.
Bà cho biết, vì Hồng Kông không bị các lệnh trừng phạt của phương Tây mãi cho đến gần đây, nên Trung Cộng đã tận dụng vị thế của Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và tiến hành việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ.
“Các chiến thuật của đảng này là lừa dối và dùng các ưu đãi về tài chính để khiến các tập đoàn tài chính lớn hợp tác với nó, và các tập đoàn và công ty tài chính lớn này lại kiểm soát giới truyền thông và các tổ chức quan trọng,” bà nói. “Những ưu đãi về tài chính khiến người ta đánh mất lương tâm, tự kiểm duyệt mình, và thậm chí đi hạn chế quyền tự do ngôn luận của người khác.”
“Quý vị có thể rất tự do về tài chính và tương đối phát đạt, nhưng về cơ bản, quý vị phải hoạt động trong phạm vi các luật lệ của Trung Cộng,” bà Guo cho biết. “Quý vị bị hạn chế các quyền tự do của mình, quý vị phải từ bỏ quyền tự do ngôn luận, và quý vị phải tấn công những nhóm người khác để họ không thể lên tiếng.”
Khi được hỏi liệu bà có sợ hãi không, bà Guo đã thề sẽ không bao giờ lùi bước.
“Đối với chúng tôi, thì con người phải có phẩm giá căn bản, các quyền tự do biểu đạt căn bản,” bà nói. “Chúng tôi không thể quay lưng lại vì việc này rất cần thiết. Nếu chúng tôi từ bỏ ngay cả điều này, thì chúng tôi sẽ không còn phẩm giá căn bản.”
Bà Guo nói thêm rằng bà đã nhận được rất nhiều lời khuyên về việc chuyển các hoạt động sang nơi khác do áp lực chính trị ngày càng leo thang. Bà kêu gọi thế giới tự do cùng nhau bảo vệ các quyền cơ bản của Hồng Kông và ủng hộ sự tồn tại của tờ báo tại thành phố này, và gọi đó là “trách nhiệm chung.”
“Một biệt danh phổ biến của Hồng Kông là ‘căn cứ địa để chống lại Trung Cộng,’ bà nói. “Trung Cộng cũng nhận thấy điều này. Chiến lược lần này của họ là chiếm lấy Hồng Kông chứ không phải là người dân của thành phố này… thông qua hành động doạ dẫm và lời đe dọa.”
“Nếu đến một ngày sự tình thực sự đến mức đó, tôi cảm thấy đó sẽ là một bi kịch, không chỉ cho người dân Hồng Kông và người dân Trung Quốc, mà rất không may cho cả thế giới,” bà Guo nói. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn xu hướng xuống dốc này chừng nào chúng tôi vẫn còn có thể.”
Do Eva Fu và Jan Jekielek thực hiện
Với sự đóng góp của Cathy He
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: