Giám đốc tài chính Huawei được phép trở lại Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ
NEW YORK — Giám đốc Điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu đã đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với Hoa Kỳ mà sẽ cho phép bà quay trở lại Trung Quốc gần ba năm sau khi bà bị bắt và giam giữ ở Canada, một công tố viên Hoa Kỳ cho biết trước một tòa án địa hạt Brooklyn hôm 24/09.
Theo thỏa thuận này, chính phủ sẽ hoãn việc truy tố cho đến tháng 12/2022 và hủy bỏ vụ án hoàn toàn nếu bị cáo tuân thủ các điều kiện cụ thể trong thỏa thuận, theo Phụ tá Biện lý Hoa Kỳ David Kessler.
Bà Mạnh sẽ có thể rời Canada vào ngày 01/12 năm sau, ông Kessler nói.
Bà Mạnh, giám đốc tài chính của đại công ty viễn thông Trung Quốc và là con gái của người sáng lập công ty, đã bị bắt tại Phi trường Quốc tế Vancouver hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc bà liên can đến một âm mưu sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Mặc dù xuất hiện trực tuyến tại một tòa án liên bang Brooklyn, nhưng bà Mạnh không nhận tội với các cáo buộc dính líu đến gian lận ngân hàng và tài chính liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin (wire fraud). Bà đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án (statement of facts) dài bốn trang thừa nhận đã che giấu các hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran thông qua một công ty bình phong.
[Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Ann M.] Donnelly đã chấp thuận một cam kết tại ngoại hầu tra cá nhân trả tự do cho bà Mạnh. Hoa Kỳ dự định sẽ rút lại yêu cầu đối với Canada về việc dẫn độ bà, ông Kessler cho biết.
Mặc một chiếc váy đen chấm bi trước khi tham dự một phiên tòa từ xa khác ở Vancouver cùng ngày, bà Mạnh, người hầu như không biểu lộ cảm xúc trong những lần xuất hiện trước công chúng, đã có vẻ lạc quan với nụ cười trên môi.
Người phụ nữ 49 tuổi này là tâm điểm của cuộc tranh chấp ba bên giữa Trung Quốc, Canada và Hoa Kỳ. Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ vì bà Mạnh và cảnh báo Canada về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu bà không được trả tự do.
Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt vào năm 2019, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada và cáo buộc họ là gián điệp — một biện pháp được coi là một chiến thuật thường được Bắc Kinh sử dụng, gọi là “ngoại giao con tin.”
Tháng trước, một tòa án Trung Quốc đã kết án một trong những công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor, 11 năm tù. Người còn lại, nhà ngoại giao Michael Kovrig, đã bị xét xử trong một phiên tòa kín hồi tháng Ba, với bản án được dời sang một ngày không xác định.
Công dân Canada Robert Schellenberg, người mà nhà cầm quyền Trung Quốc trước đó đã tuyên án 15 năm tù vì buôn lậu ma túy, đã bị kết án tử hình một tháng sau khi bà Mạnh bị bắt. Tòa án đã bác đơn kháng cáo của ông này hôm 10/08, một ngày trước bản tuyên án của ông Spavor. Bà Mạnh đã trình diện trong một phòng xử án ở Vancouver vài giờ sau khi ông Spavor ra hầu tòa.
Bà Mạnh đã một mực khẳng định sự vô tội của mình và đã chống lại lệnh dẫn độ khi bị giam trong ngôi nhà sáu phòng ngủ của bà, nơi bà bị an ninh tư nhân giám sát 24/7 như một phần của thỏa thuận tại ngoại.
Huawei, một nhà cung cấp mạng 5G lớn, đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thương mại năm 2019 vì những lo ngại về an ninh quốc gia và vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế quyền tiếp cận của họ với các công nghệ trọng yếu của Hoa Kỳ và làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty, dẫn đến doanh thu của họ giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm 2021. Công ty gặp rắc rối này đã cố gắng thực hiện các dự án mới như chăn nuôi heo thông minh, khai thác mỏ, bán xe hơi và mỹ phẩm để bù đắp cho sự thất thu.
Một phiên tòa xét xử vụ án dẫn độ bà Mạnh sẽ diễn ra vào ngày 21/10 ở Vancouver.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: