Giám đốc IMF: ‘Còn quá sớm để nói’ thế giới đang phải đối mặt với lạm phát kéo dài
HOA THỊNH ĐỐN – Hôm thứ Năm (03/02), người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết còn “quá sớm” để nói liệu thế giới có đang phải đối mặt với thời kỳ lạm phát kéo dài hay không, nhưng cảnh báo rằng việc không làm cho các nền kinh tế chống chịu tốt hơn trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể dẫn đến những vấn đề lớn.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với các phóng viên rằng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần phải điều chỉnh cẩn thận các chính sách tài khóa và tiền tệ của họ vào năm 2022 để bảo đảm rằng việc rút các khoản hỗ trợ COVID-19 trên diện rộng và lãi suất tăng không làm suy yếu sự phục hồi.
IMF tuần trước đã cắt giảm dự báo kinh tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho biết sự không chắc chắn về đại dịch, lạm phát, gián đoạn nguồn cung và thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ gây ra nhiều rủi ro hơn nữa.
Bà nói, không giống như năm đầu tiên của đại dịch vào năm 2020, khi các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương phối hợp và đồng bộ hóa các hành động của họ, hoàn cảnh hiện nay rất khác nhau trên toàn thế giới và điều đó đòi hỏi các phản ứng “cụ thể” hơn.
Bà Georgieva cho biết đại dịch COVID-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Người đứng đầu IMF cho biết lạm phát đã kéo dài hơn và tăng cao hơn dự kiến, do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mạnh hơn dự kiến và các đột biến về giá lương thực.
Khi được hỏi liệu những tình huống đó, và cuộc khủng hoảng leo thang giữa Nga và phương Tây vì Ukraine, có thể mở ra một kỷ nguyên lạm phát kéo dài hay không, bà Georgieva nói, “Câu trả lời ngắn gọn là, còn quá sớm để nói. Những gì chúng ta có thể đoán trước là một thế giới dễ bị chấn động hơn.”
Bà cho biết những nỗ lực hiện nay nhằm đầu tư nhiều hơn vào khả năng phục hồi của con người, nền kinh tế và môi trường sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội để tăng trưởng việc làm và thịnh vượng hơn.
Bà Georgieva nói, nếu không thực hiện các khoản đầu tư như vậy sẽ dẫn đến một triển vọng ảm đạm hơn, dẫn đến “nhiều sự kiện bất ngờ hơn mà chúng ta không sẵn sàng”. Đồng thời bà cho biết thêm rằng các nhà hoạch định chính sách cũng đã không chuẩn bị tốt để ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng đồng thời.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: