Giám đốc Điều tra Tội phạm Bầu cử của Bộ Tư Pháp đã từ chức
Giám đốc Bộ phận Điều tra Tội phạm liên quan đến Bầu cử của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã từ chức sau khi Tổng Chưởng lý William Barr công bố một bản ghi nhớ uỷ quyền cho các công tố viên liên bang điều tra các cáo buộc gian lận cử tri trước khi kết quả bầu cử được chứng nhận.
Trong một email gửi cho các đồng nghiệp của mình, Richard Pilger cho biết ông “rất tiếc phải từ bỏ vai trò của ông” tại bộ phận giám sát các cuộc điều tra về hành vi gian lận cử tri thuộc Bộ Tư pháp, sau khi ông Barr ra bản ghi nhớ ủy quyền cho các công tố viên “điều tra những cáo buộc nghiêm trọng về việc bỏ phiếu cũng như những bất thường trong kiểm phiếu trước khi chứng nhận những cuộc bầu cử thuộc thẩm quyền của họ ở một số trường hợp nhất định.”
Ông Barr lưu ý trong bản ghi nhớ rằng những cuộc điều tra như vậy chỉ có thể được tiến hành khi “những cáo buộc về những bất thường [trong bầu cử] là rõ ràng và đáng tin cậy, mà nếu đúng như vậy, thì điều này có có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử liên bang ở một Bang riêng lẻ”. Đồng thời, ông Barr kêu gọi các công tố viên “hết sức thận trọng và đánh giá kỹ càng khi giải quyết các cáo buộc về những bất thường trong việc bỏ phiếu và kiểm phiếu”. Ông nói thêm rằng, “các cáo buộc nghiêm trọng cần được xem xét hết sức cẩn thận, không nên lấy những tuyên bố có vẻ đúng, mang tính suy đoán, viển vông làm cơ sở để bắt đầu các cuộc điều tra liên bang.”
Ông Pilger trong khi tuyên bố ý định từ chức, đã gọi điểm chính trong bản ghi nhớ của ông Barr là “một chính sách mới quan trọng đã bãi bỏ Chính sách Không can thiệp 40 năm tuổi đối với các cuộc điều tra gian lận phiếu bầu trong giai đoạn trước khi cuộc bầu cử được chứng nhận và không có tranh chấp”, đề cập đến Tài liệu hướng dẫn của Bộ Tư pháp trong việc truy tố liên bang đối với các hành vi vi phạm bầu cử.
Tài liệu này đóng vai trò là hướng dẫn nội bộ của Bộ Tư pháp và không nhằm mục đích đề ra các quyền hành pháp trong những vấn đề hình sự, và quy định rằng vai trò của Bộ Tư Pháp là điều tra những vi phạm bầu cử “để ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong các cuộc bầu cử tiếp theo,” hơn là quyết định ứng cử viên nào đắc cử, hoặc quyết định xem hành vi gian lận cử tri này có nên là cơ sở để thực hiện lại cuộc bầu cử hay không.
Bản hướng dẫn nêu rõ: “Trong hầu hết các trường hợp, những vấn đề này là để các ứng cử viên tranh tụng tại tòa án hoặc biện hộ trước các cơ quan lập pháp hoặc hội đồng bầu cử của họ”, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc điều tra về gian lận bầu cử cần được cân nhắc cẩn thận để giảm thiểu “nguy cơ đáng kể khiến bản thân cuộc điều tra can thiệp vào cả chiến dịch tranh cử cũng như quá trình xét xử tranh chấp bầu cử sau này.”
“Thông thường không nên áp dụng các biện pháp điều tra quá mức đối với các vụ gian lận khi phiếu bầu đã được gửi đi hoặc được kiểm đếm cho đến khi cuộc bầu cử đó kết thúc, kết quả bầu cử được chứng thực, việc tái kiểm phiếu và các tranh chấp bầu cử kết thúc,” tài liệu nêu rõ.
Trong bản ghi nhớ của mình, ông Barr thừa nhận chính sách hoãn điều tra hành vi gian lận cử tri cho đến khi thực hiện đầy đủ những điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “một cách tiếp cận thực thi [luật pháp] thụ động và chậm trễ như vậy có thể dẫn đến việc không chấn chỉnh được hành vi sai trái trong bầu cử.”
Tổng Chưởng lý nói thêm rằng: “Ở đây không có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Tư pháp đã kết luận rằng những bất thường trong việc bỏ phiếu đã ảnh hưởng đến kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử nào,” và nói thêm rằng họ đang cung cấp hướng dẫn để cử tri có thể “hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của cuộc bầu cử.”
Bộ Tư pháp đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Hôm 7/11, một số hãng truyền thông đã tuyên bố ông Joe Biden đắc cử tổng thống sau khi ông dự kiến chiến thắng ở các bang Pennsylvania và Nevada với hơn 270 phiếu đại cử tri. Ông Biden cũng đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua tổng thống, và thêm chức danh “tổng thống đắc cử” trong dòng tiểu sử bản thân trên tài khoản Twitter của mình.
Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc có gian lận cử tri và cho biết bất kỳ tuyên bố chiến thắng nào cũng là quá sớm, và chiến dịch tranh cử của ông đã tung ra một loạt các vụ kiện.
“Có một sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”, TT Trump nói trong một tuyên bố. “Joe Biden đã không được chứng thực là người chiến thắng ở bất kỳ tiểu bang nào, chưa nói đến bất kỳ tiểu bang nào trong số các tiểu bang nhiều tranh chấp dẫn tới việc phải kiểm phiếu lại, hoặc các tiểu bang nơi chiến dịch của chúng tôi đưa ra những yêu cầu pháp lý chính đáng và hợp lệ có thể xác định người chiến thắng cuối cùng”.
Ông nói thêm: “Các lá phiếu hợp pháp sẽ quyết định ai là tổng thống, chứ không phải là các hãng truyền thông”.
The Epoch Times chưa tuyên bố người chiến thắng trong cuộc đua tổng thống cho đến khi mọi tranh chấp pháp lý được giải quyết.
Trong nhiều thập kỷ qua, chưa từng có cuộc bầu cử nào mà xuất hiện lượng lớn vụ gian lận bị cáo buộc như vậy. Lần gần nhất là cuộc bầu cử năm 1960, khi đó John F. Kennedy của Đảng Dân Chủ đánh bại Richard Nixon của Đảng Cộng Hòa, và có những cáo buộc rằng sự gian lận đã giúp Kennedy chiến thắng.
Những tuyên bố về hành vi gian lận cử tri trong cuộc đua tổng thống năm 2020 cũng phản ánh sự khác biệt lớn về thái độ giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đối với cuộc bầu cử có tranh chấp này. Đảng Cộng Hòa đang thúc đẩy chấm dứt những gian lận bầu cử bằng cách làm mất hiệu lực một số phiếu bầu và nhấn mạnh rằng chỉ những phiếu “hợp pháp” mới được tính, trong khi Đảng Dân Chủ cho rằng mức độ gian lận là không đáng kể và nhấn mạnh thông điệp: mọi phiếu bầu đều nên được tính.
Trong nhiều thập kỷ, cơ sở dữ liệu gian lận bầu cử của Tổ chức Di sản đã chứng thực 1.298 trường hợp gian lận cử tri, đồng thời lưu ý rằng nó “không phải là một danh sách đầy đủ hoặc toàn diện”, vì nó không bao gồm các trường hợp không được báo cáo hoặc điều tra hay truy tố.