Giám đốc CSIS nhấn mạnh mối đe dọa của Trung Quốc khác với Nga như thế nào
Người đứng đầu cơ quan gián điệp Canada cho biết, các mối đe dọa can thiệp ngoại quốc đến từ Trung Quốc hết sức khác biệt so với các mối đe dọa từ Nga hoặc các quốc gia khác.
Hôm 13/06, ông David Vigneault, Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS), đã làm chứng trước Ủy ban Thường trực của Hạ viện Canada về Thủ tục và Sự vụ Hạ viện để trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ về bản chất của mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh dấy lên các tranh cãi liên quan đến việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào Canada sau vụ rò rỉ an ninh quốc gia trên truyền thông, một số chính trị gia đã cố gắng tập trung vào các quốc gia khác thay vì kiên quyết tập trung vào Trung Quốc.
Một kiến nghị của Đảng Tân Dân Chủ (NDP) được Hạ viện thông qua hôm 31/05 đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra công khai về sự can thiệp ngoại quốc từ “tất cả các quốc gia, bao gồm, nhưng không giới hạn, các hành động của các chính quyền Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, và Nga.”
Trong bối cảnh ủy ban này đang nghiên cứu các mối đe dọa của Bắc Kinh nhắm vào các nghị sĩ, Nghị sĩ Đảng Tự Do Ryan Turnbull đã hỏi ông Vigneault rằng những mối đe dọa đó có thể so sánh với những mối đe dọa đến từ Moscow như thế nào.
Ông Turnbull hỏi, “Nếu phải so sánh các nỗ lực can thiệp ngoại quốc giữa Nga và Trung Quốc, thì nước nào cố gắng can thiệp nhiều hơn, và chiến thuật của họ khác nhau ra sao?”
Ông Vigneault cho biết có những khác biệt “căn bản” giữa phương thức hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga.
Ông Vigneault nói: “Điều căn bản nhất là kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Đảng Cộng sản, chúng ta đã chứng kiến khả năng và ngân sách của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất tăng lên.”
Người đứng đầu CSIS này cho biết mục tiêu chính của Mặt trận Thống nhất là can thiệp vào công việc của các quốc gia khác và tổ chức này đã có mặt ở Canada trong một “thời gian hết sức lâu dài.”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao David Morrison nói với ủy ban vào đầu ngày hôm đó rằng theo thông tin của ông, Mặt trận Thống nhất đã xuất hiện ở Canada dưới hình thức này hay hình thức khác kể từ những năm 1950.
Ít nhất hai tổ chức bị Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) điều tra vì bị tình nghi đã cung cấp địa điểm cho các đồn cảnh sát Trung Quốc chính thức thuộc thẩm quyền của Mặt trận Thống nhất.
Các tổ chức giúp đỡ người nhập cư Trung Quốc ở khu vực Montreal — Trung tâm Bờ Nam Trung Quốc-Quebec và Cơ quan Gia đình gốc Hoa ở Greater Montreal — là hai tổ chức liên kết với Văn phòng Sự vụ Hoa kiều (OCAO) ít nhất từ năm 2016. Hồi năm 2018, OCAO đã được chuyển về trực thuộc Mặt trận Thống nhất. Hai tổ chức này chưa phúc đáp các đề nghị bình luận.
Ông Vigneault lưu ý rằng ông Tập đã gọi Mặt trận Thống nhất là “vũ khí ma thuật” của ĐCSTQ.
“Đây là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và các nước khác.”
Ông Turnbull hỏi ông Vigneault liệu ông có đồng ý rằng “Nga vẫn là một mối đe dọa” hay không.
Ông Vigneault nói: “Nga có khả năng vô cùng tân tiến để tham gia vào các hoạt động can thiệp ngoại quốc. Họ đang làm điều tương tự về gián điệp.”
Tuy nhiên, ông cho biết có những nghi vấn liên quan đến ý định đằng sau các khả năng của Nga và mục tiêu cụ thể của nước này là gì. Ông nói: “Và vì vậy đôi khi Canada có thể không phải là mục tiêu chính.”
Luật tình báo
Cùng với một cơ quan nhà nước chuyên trách chỉ thị can thiệp vào ngoại quốc, ĐCSTQ còn có các biện pháp khác giúp đảng này có lợi thế để theo đuổi lợi ích của mình ở ngoại quốc và tham gia thu thập thông tin tình báo.
Nghị sĩ Đảng Tự Do Sherry Romanado đã hỏi ông Vigneault rằng Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc được thông qua hồi năm 2017 đã thay đổi cục diện mối đe dọa như thế nào.
Bà đặt câu hỏi: “Xin ông giải thích với ủy ban rằng liệu điều này có khiến chính sách của CSIS đối với việc thu thập thông tin tình báo thay đổi không?”
“Thật ra, đây là một cột mốc quan trọng khác,” ông Vigneault nói. “Về bản chất, họ đã đưa vào luật và công khai sự thật rằng … CHND Trung Hoa, Đảng Cộng Sản, họ xem mọi người, mọi công ty, mọi công dân là những người phải trợ giúp các cơ quan tình báo.”
Ông cho biết CHND Trung Hoa không cần biết một người có quốc tịch ngoại quốc hay đã sống ở ngoại quốc được vài thế hệ hay chưa, luật này vẫn được áp dụng theo cùng một tiêu chuẩn. “Họ sẽ gây áp lực buộc những người đó phải cộng tác với cơ quan tình báo nếu họ muốn như vậy.”
Giám đốc CSIS cho biết cơ quan của ông đã rất chú ý đến diễn biến đó và CSIS đã thay đổi cách tiến hành điều tra và phân tích.
‘Nhóm Xuất sắc’
Cựu giám đốc CSIS Dan Stanton đã chia sẻ thông tin tương tự trong lời khai của mình trước ủy ban đạo đức Hạ viện hôm 31/03.
Ông gọi CHND Trung Hoa là “Nhóm Xuất sắc” về can thiệp ngoại quốc và nói rằng họ có thể đặt ra “mối đe dọa đáng sợ nhất” trong lĩnh vực này.
Các nghị sĩ trong ủy ban đã tìm cách thu thập thông tin về các nhân tố khác, với việc Nghị sĩ NDP Matthew Green bày tỏ các mối lo ngại rằng “chúng ta có thể không nhận ra bức tranh rộng lớn hơn.”
“Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ tập trung vào Trung Quốc, bởi vì như tôi đã nói, đó là Nhóm Xuất sắc khi nói đến sự can thiệp ngoại quốc. Hoàn toàn không có sự so sánh về phạm vi và sự khác biệt về chất lượng,” ông Stanton nói.
Theo ông Stanton, một người kỳ cựu trong CSIS 32 năm, khi nói đến một mối đe dọa trong 30 năm qua, thì sự can thiệp ngoại quốc đã lấn át hoạt động gián điệp truyền thống.
Ông nói: “Tại sao phải mạo hiểm đánh cắp bí mật của một quốc gia khác khi họ có thể gây ảnh hưởng và thao túng các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia mục tiêu; thông qua các thể chế dân chủ của chúng ta, họ có thể tiến gần đến những gì chúng ta xem là điểm yếu của quốc gia.”
Canada đã vướng vào một cuộc tranh cãi về sự can thiệp của Trung Quốc kể từ khi các hãng truyền thông bắt đầu đưa tin về vụ thông tin an ninh quốc gia bị rò rỉ hồi tháng 11/2022.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Đảng Tự Do đã phản đối những lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra công khai từ các đảng đối lập. Tuy nhiên, trong tuần này, lập trường của họ đã mềm mỏng hơn sau khi báo cáo viên đặc biệt David Johnston từ chức hôm 09/06.
Hồi giữa tháng Ba, Thủ tướng Justin Trudeau đã bổ nhiệm cựu thống đốc Johnston điều tra sự can thiệp ngoại quốc và giao cho ông nhiệm vụ xác định xem có nên tổ chức một cuộc điều tra công khai hay không.
Ông Johnston đã đề nghị không nên làm như vậy. Điều này dẫn đến việc các đảng đối lập thông qua một kiến nghị tại Hạ viện yêu cầu ông từ chức. Ban đầu ông Johnston cưỡng lại lời kêu gọi này nhưng đã làm theo vài ngày sau đó giữa những lời chỉ trích mới về xung đột lợi ích tiềm tàng giữa ông và cố vấn hàng đầu của ông.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times