Giám đốc BP: Dầu khí sẽ có trong hệ thống năng lượng ‘trong nhiều thập niên tới’
Ông Bernard Looney, Giám đốc Điều hành BP cho biết dầu và khí đốt sẽ tiếp tục không ngừng đóng một vai trò trong hệ thống năng lượng toàn cầu trong nhiều thập niên tới.
Trong khi công ty dầu khí đa quốc gia Anh Quốc này đã cam kết trở thành một công ty phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 hoặc sớm hơn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và đang tích cực tập trung vào việc giảm lượng khí thải, giám đốc điều hành cho biết hai ngành công nghiệp chính trên thị trường năng lượng sẽ tiếp tục có một vai trò [trong tương lai].
Ông Looney nói với CNBC tại diễn đàn công nghiệp năng lượng ADIPEC ở Abu Dhabi: “Có thể là không phổ biến khi nói rằng dầu và khí đốt sẽ có trong hệ thống năng lượng trong nhiều thập niên tới nhưng đó là thực tế.”
“Những gì tôi muốn chúng ta làm là tập trung vào mục tiêu – và tôi ước gì chúng ta có ít lập trường tư tưởng hơn và tập trung nhiều hơn vào mục tiêu – trong trường hợp này là giảm lượng khí thải.”
Ông Looney lưu ý rằng việc thay thế than bằng khí tự nhiên “phải là một điều tốt” vì nó sẽ dẫn đến giảm lượng khí thải carbon. Ông nói: “Và theo thời gian, chúng ta sẽ khử cacbon trong khí tự nhiên đó.”
Giám đốc điều hành này trước đó đã nói với Reuters hồi tháng Sáu rằng BP sẽ tiếp tục sản xuất hydrocacbon trong nhiều thập niên tới và sẽ được hưởng lợi từ giá dầu tăng, ngay cả khi công ty thực hiện các biện pháp để giảm lượng khí thải carbon.
Những bình luận gần đây nhất của ông Looney được đưa ra sau khi gần 200 quốc gia tham dự vòng đàm phán về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, đã đồng ý về một thỏa thuận khí hậu toàn cầu hôm 13/11, nhằm “giảm dần” lượng than không qua giảm phát thải carbon (unabated coal). Được biết đến với tên gọi “Hiệp ước Khí hậu Glasgow”, thỏa thuận này được đưa ra sau những thay đổi vào phút chót do Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy để giảm nhẹ ngôn ngữ nói về việc sử dụng điện than.
Năng lượng than không qua giảm phát thải carbon là việc đốt than mà không thu giữ và lưu trữ carbon (CCS – carbon capture and storage). Một bản thảo trước đó của thỏa thuận nói trên đã kêu gọi loại bỏ tất cả than đá với tư cách là một nguồn năng lượng.
197 quốc gia cũng đồng thuận về các quy tắc giao dịch quốc tế đối với tín chỉ carbon và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả”, cũng như yêu cầu các quốc gia có lượng khí thải carbon cao hơn cam kết thực hiện các mục tiêu mạnh mẽ hơn để cắt giảm lượng khí thải vào cuối năm 2022.
Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, trong đó có tổ chức truyền thông về biến đổi khí hậu của Úc, Hội đồng Khí hậu, đã kêu gọi cắt giảm hoàn toàn than.
Ông Looney nói với CNBC rằng BP đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tập trung vào năng lượng tái tạo, giải thích rằng, “Tôi không nghĩ rằng ai mà nhìn nhận BP một cách khách quan sẽ nói rằng chúng tôi đang không hướng đến quá trình chuyển đổi.”
Ông nói, “Hơn 12 tháng trước, chúng tôi có ít hơn 10 gigawatt năng lượng tái tạo, ngày nay chúng tôi có đường dẫn hơn 23 gigawatt. 12 tháng trước, chúng tôi không có năng lượng gió ngoài khơi, ngày nay chúng tôi đang có mặt tại các thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới ở Hoa Kỳ và Anh Quốc với 3.7 gigawatt. Chúng tôi từng có rất ít hydro, ngày nay chúng tôi có mối liên kết hợp tác tuyệt vời với Adnoc, với Masdar và BP sẽ phát triển hydro – xanh lam và xanh lá – theo thời gian.”
Ông nói thêm, “Vì vậy, chúng tôi cam kết, tất cả chúng tôi đều hướng tới điều đó.”
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng đã đưa ra một kế hoạch mới đầy tham vọng mà sẽ giảm 30% lượng khí thải methane trên toàn cầu vào năm 2030, bắt đầu từ các giếng dầu và khí đốt.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm 02/11, kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane mới của Hoa Kỳ sẽ sử dụng “các quy định thông thường, khuyến khích tài chính xúc tác, tính minh bạch và tiết lộ dữ liệu hữu dụng, cũng như các quan hệ đối tác công và tư” để xác định và giảm phát thải khí methane theo cách hiệu quả về chi phí từ tất cả các nguồn chính.
Kế hoạch mới này nhằm “bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sự đổi mới của Hoa Kỳ trong các công nghệ mới” và giúp tạo việc làm cho hàng chục ngàn người lao động lành nghề trên khắp Hoa Kỳ.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: