Giảm căng thẳng bằng các loại tinh dầu Trung y
Trong cuộc sống, chúng ta thường rơi vào trạng thái căng thẳng, trong một năm thường tích tụ rất nhiều cảm xúc tiêu cực, và vấn đề về cảm xúc lại dễ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh tự chủ và nhiều bệnh khác nhau. Sử dụng tinh dầu có thể chữa lành cơ thể và tâm trí, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, giúp bạn có được một tâm trí bình an.
Bác sĩ Lý Gia Lăng, Giám đốc Phòng khám Trung y Phục Thiên, Đài Loan, là người có kinh nghiệm lâm sàng phong phú về liệu pháp hương thơm của Trung y. Bác sĩ chỉ ra rằng, cảm xúc và thần kinh tự chủ được đề cập trong y học phương Tây tương đương với “can” (gan) trong y học cổ truyền Trung Quốc. Ví dụ, can khí ứ trệ mà Trung y thường đề cập chính là sự suy giảm cảm xúc do căng thẳng hoặc kích thích tinh thần tạo thành, dẫn đến chức năng của gan bị bất thường và khí bị trì trệ. Khi một người thở dài, cũng là do khí cơ hoạt động không trơn tru, khiến khí bị bế tắc trong lồng ngực.
Bác sĩ Lý Gia Lăng nói: “Hầu hết các vấn đề liên quan đến cảm xúc đều thuộc về gan”. Vì vậy, để cải thiện tâm trạng và tu bổ hệ thần kinh tự chủ, gan cần được phục hồi trước. Đối với các loại vấn đề về gan khác nhau, Trung y có các loại tinh dầu khác nhau giúp thuyên giảm.
1. Tinh dầu giải buồn
Khi cảm thấy buồn bã và thấp thỏm, một số người thích ngửi tinh dầu của các loại quả có múi như cam, bưởi, chanh v.v. Mùi thơm ngọt có thể khiến người ta cảm nhận được ánh nắng mặt trời và cải thiện tâm trạng, nhưng tác dụng thường ngắn.
Bác sĩ Lăng nói rằng tinh dầu cam quýt sẽ làm tăng khí cơ trong cơ thể và làm cho con người cảm thấy vui vẻ, nhưng nếu bản chất tinh dầu là giả thơm, tâm trạng vui vẻ sẽ không kéo dài. Những người dễ bị trầm cảm đa phần là người “tim, gan, phổi âm hư”, cần có tinh dầu dưỡng tim, gan và phổi, đặc biệt là tinh dầu ester và tinh dầu hoa. Ví dụ, tinh dầu lá cam chua có thể dưỡng âm và làm dịu gan, giúp chống trầm cảm, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời hỗ trợ giấc ngủ. Kết hợp với các loại tinh dầu có thể tăng khí, làm dịu gan, giảm trầm cảm và lợi mật, hiệu quả cải thiện tình trạng buồn bã sẽ càng tốt hơn.
Đặc trưng của thể chất âm hư là lớp phủ ở lưỡi ít đi, bị bong ra hoặc bị nứt. Nếu có ít lớp phủ ở bên cạnh lưỡi thì là gan âm hư, có thể có kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, khô mắt, khó chịu ở hai bên sườn (nơi xương sườn tiếp xúc với dạ dày) v.v. Ít lớp phủ trên đầu lưỡi là dấu hiệu của chứng tim âm hư, với các triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, suy giảm trí nhớ v.v. Mặt trước lưỡi thiếu lớp phủ là dấu hiệu của phế âm hư, sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho khan, ít đờm, khô miệng, khàn giọng, v.v.
Tinh dầu dưỡng gan âm: Oải hương, Cúc la mã, Hoa cam, Lá cam đắng, Bạc hà chanh, Phong lữ, Balsam Peru, Nhựa bồ đề, Cây trinh nữ, Hoa nhài, Lá tử la lan, Lan hồng ngọc, Hoa huệ, Hoàng lan, Sen hồng.
Tinh dầu dưỡng tim âm: Gỗ hương, Lá bạch ngọc lan, Xô thơm, Balsam Peru, Nhựa bồ đề, Lá tử la lan, Lan hồng ngọc, Hoa huệ, Sen hồng.
Tinh dầu dưỡng phế âm: Gỗ lê, Lá bạch ngọc lan, Hoa cam, Lá cam đắng, Balsam Peru, Oải hương, Bạc hà chanh, Xô thơm, Cúc La mã, Lan hồng ngọc, Hoa mộc.
Tinh dầu nâng cao tinh thần: Cam ngọt, Quýt đỏ, Quả Phật thủ, Bưởi chùm, Chanh tây, Chanh ta.
Tinh dầu giúp thông gan giải cảm: Hoa hồng, Cỏ gấu, Quả Phật thủ, Sài Hồ, Chanh tây, Chanh ta.
Tinh dầu dưỡng mật: Tía tô đất, Cỏ mã tiên thảo, Sơn kê tiêu, Lá chanh.
2. Tinh dầu giảm căng thẳng
Những người dễ căng thẳng đa phần là huyết hư, cũng có người là do thiếu khí. Bác sĩ Lăng chỉ ra rằng trước tiên bạn phải hiểu rõ cơ địa của mình thì mới có thể phán đoán được loại tinh dầu nào phù hợp. Có thể đánh giá mình thuộc về huyết hư hay khí hư.
Người bị khí hư sẽ có vết răng rõ ràng ở rìa lưỡi, vết răng càng rõ ràng thì mức độ khí hư càng nghiêm trọng. Nếu có thêm triệu chứng nhão cơ, yếu giọng thì nên sử dụng tinh dầu dưỡng khí.
Người huyết hư sẽ thấy lưỡi không có màu đỏ, sắc da nhợt nhạt, bờ mi dưới và móng tay tương đối nhạt, ngoài việc dùng tinh dầu dưỡng gan huyết thì càng phải chú trọng chăm sóc chức năng tiêu hóa, hiệu quả mới tốt hơn.
Tinh dầu dưỡng khí: Gỗ hương, Lá bạch ngọc lan.
Tinh dầu dưỡng huyết: Đương quy, Bạch chỉ.
3. Tinh dầu loại bỏ sự bất an
Những người dễ chán nản, bất an thường vì suy nghĩ quá nhiều mà sợ hãi mọi việc, dễ hoảng loạn. Hầu hết những người này đều thuộc về hội chứng thận hư.
Bác sĩ Lăng cho biết, thận hư chủ yếu được chia thành thận âm hư và thận dương hư, người bị thận hư dễ mắc các triệu chứng như tóc bạc trắng, nhiều nếp nhăn, eo và đầu gối yếu, răng lung lay v.v. Người bị thận âm hư sẽ bị bong tróc lớp phủ trên lưỡi và có các vết nứt trên lưỡi rõ ràng. Tinh dầu thông có thể cải thiện chứng thận dương hư.
Tinh dầu cải thiện thận dương hư: Thông đỏ châu Âu, Linh sam châu Âu, Abies balsamea, Vân sam đen, Linh sam Siberi.
Tinh dầu cải thiện thận âm hư: Oải hương, Cúc la mã, Hoa cam, Lá cam đắng, Bạc hà chanh, Phong lữ, Xô thơm, Trinh nữ, Hoa huệ, Hoàng Lan, Sen hồng, Hoa mộc.
4. Tinh dầu cải thiện nóng giận
Những người dễ nóng giận được chia thành hai loại triệu chứng. Đầu tiên là khi mất bình tĩnh sẽ cảm thấy đầu óc đau nhức, những người như vậy nên sử dụng tinh dầu dưỡng gan. Các loại tinh dầu như bạch đàn có thể hạ khí, giảm đau nhức và khó chịu ở đầu, mặt và ngũ quan do gan dương gây ra. Nếu có triệu chứng sốt đỏ mắt, đau tai thì dùng tinh dầu thanh nhiệt gan. Ví dụ, tinh dầu hoa cúc của Đức có thể làm giảm cảm giác khó chịu do tức giận và xoa dịu tâm trạng.
Dù là loại nào thì cũng cần bổ sung thêm tinh dầu thông gan để có tác dụng làm thông gan, thanh nhiệt. Làm thông gan là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là thanh nhiệt cho gan.
Tinh dầu thông gan: Hoa hồng, Cỏ gấu,
Quả Phật thủ, Sài hồ, Chanh tây, Chanh ta.
Tinh dầu làm dịu gan: Cỏ hương bài, Bạch đàn.
Tinh dầu thanh nhiệt gan: Hoa cúc Đức.
5. Tinh dầu hỗ trợ giấc ngủ
Buồn bực lâu ngày có thể khiến gan khí ngưng trệ chuyển thành gan trệ hóa hỏa, sinh ra khó ngủ hoặc là dị ứng mũi, viêm da cơ địa và các chứng bệnh khác. Bác sĩ Lăng khuyên có thể dùng các loại tinh dầu có tác dụng dưỡng gan âm như tinh dầu hoa cam, có thể giúp ngủ ngon, ngoài ra còn có tác dụng chống trầm cảm, chống căng thẳng và lo âu v.v.
Tinh dầu dưỡng gan âm: Sen hồng, Lan hồng ngọc, hoa cam.
Trước khi sử dụng tinh dầu, hãy pha loãng với dầu thực vật
Các loại dầu trên có thể được sử dụng khi xoa bóp hoặc tắm. Vì tinh dầu dễ gây kích ứng, không nên thoa trực tiếp lên da, nếu muốn xoa bóp, trước tiên bạn phải pha loãng chúng với dầu thực vật (Carrier oil). Dầu thực vật có tính dịu và dưỡng ẩm, đồng thời thân thiện với da.
Trong quá trình xoa bóp, tỷ lệ tinh dầu sử dụng là 3%, tỷ lệ tinh dầu để tắm là khoảng 3-5%. Nếu dầu thực vật là 10ml thì 5% tinh dầu là khoảng 10 giọt, còn 3% tinh dầu là khoảng 6 giọt.
Các loại dầu thực vật thường dùng: dầu hạnh nhân ngọt, dầu mè ép lạnh, dầu hạt hướng dương, dầu jojoba.
Những khu vực có thể xoa bóp với tinh dầu để cải thiện tâm trạng hiệu quả nhất
Vì cảm xúc có liên quan mật thiết đến gan, nên hiệu quả nhất là thoa các loại tinh dầu trên vào các bộ phận mà kinh mạch của gan và túi mật đi qua. Ví dụ: cạnh trong và cạnh ngoài của chi dưới, hai bên sườn của cơ thể, bầu ngực, đỉnh đầu, v.v.
Ngoài ra, nó cũng có thể áp dụng cho Kinh tâm bào ở mặt lòng bàn tay. Kinh tâm bào là kinh lạc kéo dài từ ngón tay giữa theo mặt trong của cánh tay đến ngực. Kinh gan và Kinh tâm bào đều thuộc về “quyết âm”, ở trên chân là “kinh túc quyết âm gan”, ở trên tay là “kinh thủ quyết âm tâm bào”.
Trong Trung y, dù là can hỏa hay cảm xúc buồn bực dẫn đến can khí bị ngưng trệ hóa hỏa, khi hỏa đến ngực và cơ hoành thì đều sẽ ảnh hưởng đến tim, màng tim và phổi. Theo lý luận châm cứu của Trung y, một trong những cách khai thông kinh mạch là “đồng danh kinh đối ứng”, tức là các kinh mạch cùng tên có thể hỗ trợ lẫn nhau, cũng có thể vì sinh ra bệnh mà ảnh hưởng đến nhau.
Kinh tâm bào có một phần tương thông với não, có thể cân bằng hệ thần kinh tự chủ, vậy nên xoa bóp Kinh tâm bào có thể giải tỏa cảm xúc và cải thiện tình trạng thiếu ngủ cũng như các vấn đề khác.
Bồn tắm tinh dầu
Các loại tinh dầu khác nhau có đặc tính khác nhau, một số loại gây kích ứng hơn và không thích hợp để tắm. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng tất cả các loại tinh dầu được đề cập trong bài viết này để tắm, chỉ là nồng độ không được quá cao, và bồn tắm nói chung không được cho quá 10 giọt tinh dầu nguyên chất.
Bác sĩ Lăng nhắc nhở rằng tinh dầu sẽ không trực tiếp tan trong nước, cần pha thêm sữa tắm có chất hoạt động bề mặt để tinh dầu có thể hòa tan. Sau khi pha, bạn hãy ngâm mình trong bồn tắm khoảng 15-20 phút với tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Bồn tắm với hương thơm tinh dầu sẽ khiến bạn quên đi những mệt mỏi và muộn phiền!