Giải mã sức hút kỳ lạ của nàng Jane Austen
Quý cô Austen sống và sáng tác vào thời kỳ mà mọi thứ, bao gồm cả thời trang, đang chuyển mình biến động ở Anh. Nhưng đọng lại trong tâm trí chúng ta khi đọc tiểu thuyết của cô thì không hẳn chỉ là thời trang.
Thật là khôi hài khi nghĩ đến những chiếc đầm eo cao với chất liệu vải muslin trắng cùng phụ kiện là những chiếc mũ hình phễu được thiết kế với mục đích duy nhất là đảm bảo rằng người mặc y phục đó sẽ không tận dụng được một chút hiệu ứng nào từ tầm nhìn ngoại vi.
Roger Leong, người phụ trách triển lãm dòng Thời trang ấn tượng thời đại Jane Austen tại Phòng trưng bày Quốc gia Victoria nói: “Nước Pháp là biểu tượng thời trang của tất cả những gì hoa lệ nhất.” Triển lãm khám phá một trong những thời kỳ năng động nhất của thời trang — từ những năm 1770 đến 1830 — khi trưng bày những bộ trang phục và hình ảnh vô cùng ấn tượng.
Trong thế giới của những người nói tiếng Anh, có lẽ không ai là không biết đến ngài Darcy và nàng Elizabeth Bennet, cho dù thực tế là rất ít người trong số đó sẽ dành thời gian để thực sự đọc cuốn sách.
Khác với các nhà văn cùng thế hệ, Jane Austen đã khắc họa một cách chân thật từng chi tiết nhỏ nhặt của đời sống thường nhật và các chuẩn mực xã hội cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 thông qua các nhân vật trong câu chuyện của mình. Phụ nữ, cho dù họ thuộc tuýp người tự do phóng khoáng hay thiên về nội trợ truyền thống, đều có thể liên quan đến những tính cách đối lập mà cô Austen xây dựng lên.
Trong bức chân dung Marie Antoinette en chemise, nữ hoàng quyền quý của nước Pháp đã mặc một chiếc đầm được thiết kế từ chất liệu vải muslin. Marie Antoinette đã tạo ra một cơn sốt thời trang cho những chiếc đầm trắng bằng vải muslin mỏng manh lôi cuốn phái đẹp trên khắp châu Âu từ những năm 1790 đến 1810.
Tuy nhiên chiếc đầm dạ hội không đơn thuần chỉ là một xu thế thời trang mà còn là biểu tượng của một phong trào. Leong nói: “Trong xã hội ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, đã dấy lên một phản ứng chống lại sự phô trương và xa hoa của thế kỷ 18. Có một tinh thần dân chủ tự do, một tâm trạng muốn thay đổi ở Anh, mặc dù không có bất kỳ thay đổi chính trị nào trong thời của Jane Austen. Vì vậy, những chiếc đầm lụa trang trọng với chân váy xòe rộng và áo nịt ngực bó sát đã trở nên không hợp thời trang.”
Các độc giả của cuốn sách đều biết rằng nàng Lizze Bennet của chúng ta khá thích đi dạo, điều này hóa ra không kỳ quặc chút nào. Trong lịch sử, mọi người thực tế đã đi bộ nhiều hơn vào thời điểm đó.
“Đâu đó trong những tác phẩm thuộc thập niên 1790, bạn có thể thấy những người có gu thời trang thường xuyên đi dạo trong công viên. Điều này trùng hợp với những năm cuối thế kỷ 18 ở Anh khi người ta chủ ý xây dựng các điền trang lớn và những công viên xinh đẹp có quang cảnh trông tự nhiên và hoang dã, nhưng thực tế lại được cắt tỉa cẩn thận. Ngày ấy người ta ngưỡng mộ sự giàu có của giới địa chủ sở hữu điền trang rộng lớn. Việc đi bộ qua đây trở nên rất thịnh hành. Đồng thời, vào cuối thế kỷ 18, phái đẹp bắt đầu rũ bỏ những chiếc đầm với chân váy xòe rộng vốn không thuận tiện cho việc đi lại. Và đâu đó trong những năm thuộc thế kỷ 19, họ có thể tự đi mua sắm mà không cần quý ông hộ tống.” Leong cho biết.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa lý giải được vì sao chúng ta lại say mê các tác phẩm của Jane Austen đến vậy. Có lẽ đôi lời từ chính Lizzie sẽ khai sáng cho chúng ta.
Và đây là bối cảnh khi Lizzie đang rất khó chịu, nhất mực khước từ lời cầu hôn từ một Collins lẻo mép- người khăng khăng không chịu hiểu ý nàng: “Tôi xin cảm ơn anh và cảm ơn lần nữa đã cho tôi vinh dự trong lời cầu hôn của anh, nhưng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận. Cảm nghĩ của tôi trong mọi phương diện đều ngăn cấm việc này. Tôi có thể nào nói rõ hơn thế không? Bây giờ xin đừng xem tôi là một phụ nữ tao nhã có chủ định làm anh phiền muộn, mà chỉ là một sinh vật có lý trí đã nói ra sự thật từ trái tim mình. ” (Kiêu hãnh và định kiến, Chương XIX)
Điều này không khỏi khiến ta liên tưởng đến âm thanh lóng tương tự phát ra từ một lời từ chối kiên quyết có chủ đích. Thanh âm ấy có thể có hai âm tiết hoặc chưa đến hai âm tiết.
Jane Austen đã vô cùng can đảm khi dám thanh lịch bước trên làn ranh giới giữa phép tắc ứng xử và sự trung thực đến tàn nhẫn mà chúng ta không thể không đồng hành cùng cô. Và mặc dù người ta vẫn nhắc phụ nữ chúng ta được như bây giờ là hoàn toàn nhờ vào sự giải phóng phụ nữ, nhưng lợi bất cập hại khi mà sự gan dạ gần như hoàn toàn biến mất.
Tất nhiên, hành vi – nghĩa là cách cư xử của cả nam và nữ – cũng là một sản phẩm của xã hội hiện đại. Hãy đối mặt với điều này: sự tao nhã gần như tuyệt chủng. Phải chăng mãi đến chặng cuối giải đua Cúp Melbourne người ta mới coi trọng sự tao nhã? Hay truyền hình nắm độc quyền về nó khi mô tả về các thời đại đã qua?
Rõ ràng là sự thanh lịch bao gồm sự tinh tế trong suy nghĩ và lời nói cũng như tuân theo các nghi thức phù hợp. Dường như có một sự hồi sinh của các loại nghi thức giao tiếp, nhưng đó cũng chỉ là một mảnh nhỏ trong một bức tranh tổng thể.
Các tác phẩm của Jane Austen nhắc nhở chúng ta rằng khoảng cách giữa hai giới trước khi kết hôn không chỉ là một phong tục cổ hủ được dựng nên để gây thất vọng, mà là một không gian nơi sự lãng mạn và bí ẩn có thể thăng hoa. Chính khoảng cách này, là nơi mà người ta có thể thả hồn bay bổng trong những tưởng tượng về một tương lai đầy hứa hẹn kéo dài lâu hơn một chút, để rất vô tư cảm nhận niềm hạnh phúc của những khó khăn trần thế đang lấn chiếm.
Có lẽ điều này gợi cho chúng ta nhớ đến nhiều sắc thái của màu đen và trắng, trong không gian của một đêm thì không phải tất cả đều cảm thụ hết được.
Thành Trang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: