Giải mã Israel (P2): Một đất nước thần kỳ
Một mảnh đất nhỏ bé và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, bao quanh bởi các nước láng giềng thù địch, cùng với những câu chuyện thành công ngoạn mục đã làm cho Israel trở nên một đất nước như huyền thoại.
Kỳ 1: Dân tộc sống sót vĩ đại
Trong khi những nền văn minh cổ đại láng giềng xung quanh Israel như nền văn minh Ai Cập cổ đại, dân tộc đã xây dựng nên những kim tự tháp vĩ đại. Người Hy Lạp khởi đầu cho nền văn minh dân chủ đa sản sinh cho thế giới những Platon, Aristotle danh tiếng, người La Mã với thời kỳ cổ đại hoàng kim tất cả nay đã không còn. Những quốc gia văn minh cổ đại đó trong quá khứ đã từng xâm lăng giày xéo trên mảnh đất thiêng liêng của người Israel cho đến nay tất cả chỉ còn lại là những dấu tích đổ nát và mãi mãi chỉ còn trong ký ức. Riêng dân tộc Israel trải qua biết bao nhiêu chìm nổi, vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hiên ngang và kiêu hãnh.
Một dân tộc mất tổ quốc đã hai ngàn năm, phiêu bạt khắp thế giới, ăn nhờ ở đậu các dân tộc khác, tới đâu cũng bị hắt hủi, nghi kỵ, chịu đủ những cảnh thảm nhục, tàn sát không sao tưởng tượng nổi; sau cùng chỉ có một nhúm người, độ nửa triệu, mà quật cường chống mấy chục triệu dân Ả Rập, chống cả đế quốc Anh, lập lại được một quốc gia trên mảnh đất của tổ tiên, chẳng những hai lần củng cố được nền độc lập, mà còn thêm hùng cường, tân tiến, làm cho khắp thế giới phải kinh ngạc.
Nếu như lịch sử bị đàn áp, bức hại, tiêu diệt hơn 3000 năm của Israel là một thiên sử thi bi thảm về một dân tộc nhỏ bé chịu sự tấn công ghê gớm nhất của hết thảy đế quốc, thì bảng thành tích xuất sắc của họ về mọi mặt: kinh tế, quốc phòng, công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học… lại là một trường ca hùng tráng về trí tuệ, lòng can đảm và tinh thần không thể gục ngã.
Sự ra đời nhà nước Israel quả là một phép màu. Quốc gia Israel thành lập chỉ sau 3 năm kể từ nạn diệt chủng kinh hoàng khiến 1/3 dân số Do Thái tiêu vong. Khi lập quốc, Israel chỉ có vỏn vẹn gần 800 ngàn người với một mảnh đất khô cằn nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, khí hậu khắc nghiệt, bao quanh bởi các nước láng giềng thù địch, và lịch sử hơn 2000 năm vong quốc. Vậy mà họ đã làm được những gì?
Vị trí địa lý hết sức khắc nghiệt, khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới: Israel nằm ở ngã ba của 3 châu lục (Á châu, Phi châu, Âu châu), là mục tiêu chinh phạt trong suốt gần 3000 năm qua của hàng chục đế chế, do có thành phố Jerusalem mà 3 tôn giáo lớn trên thế giới (Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo), với tổng số khoảng 15 triệu người (trong đó gần 9 triệu người tại Israel), người Do Thái chỉ chiếm 0,2% tổng dân số thế giới, sống rải rác tại hơn 70 quốc gia. Vậy nhưng người Do Thái lại chiếm 30% tổng số giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế và y tế từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Ngày nay, Israel là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, họ đã gây dựng được thành công vượt bậc trên ba phương diện: nền nông nghiệp Israel là nơi cung cấp lương thực cho “miệng ăn của thế giới”, ngành khoa học – công nghệ là nơi hội tụ “tư duy của thế giới” còn ngành tài chính thì giống như “túi tiền của thế giới”.
Vườn địa đàng trên sa mạc
Trong cuốn “Những kẻ ngây thơ ở nước ngoài”, Mark Twain mô tả vùng đất Israel: “Một đất nước hoang vắng phủ đầy cỏ dại đến thê lương trong im lặng… không thấy một bóng người trên đường đi… hầu như không một cây xanh hoặc một bụi cây ở bất cứ đâu. Ngay cả ô liu và xương rồng, những bạn bè gần gũi của đất đai khô cằn, đã gần như rời bỏ đất nước này…”. Thế nhưng hẳn Mark Twain không ngờ rằng, người Israel đã biến nó thành vườn địa đàng.
Israel là vùng Đất Thánh, nhưng không phải đất dầu mỏ – một trong những dải đất hiếm hoi trong vùng không có trữ lượng dầu mỏ. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20,000 km2 (bằng 3 tỉnh của Việt Nam), mà phần lớn là sa mạc . Vậy mà, trên vùng đất khô cằn và thiếu nước này, người Israel đã cải tạo và biến Israel trở thành “ốc đảo”, là “vườn rau” của Âu châu trong mùa đông với một nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao nhất thế giới.
Chỉ 2,5% số dân làm nông nghiệp trong điều kiện 95% diện tích của đất nước không phù hợp để canh tác, Israel không chỉ tự túc an ninh lương thực, cung cấp đủ lương, thực phẩm chất lượng cao cho mình, mà mỗi năm nông nghiệp đem về 3,5 tỷ USD từ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Israel còn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nước thải được tái chế lên đến hơn 70%.
Arava là một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới và chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu. Họ đã trồng trọt mà không cần đất và không cần nhiều nước!
Để làm được như vậy, mỗi người nông dân Do Thái cũng là một nhà khoa học. Israel là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Người Israel còn nuôi cá trên sa mạc. Dẫn đầu thế giới về công nghệ sạch, Israel được xếp hạng cao nhất với chỉ số 4,34, tiếp theo là Phần Lan 4,04, Mỹ 3,67, Thụy Điển 3,55 và Đan Mạch 3,45.
Người Israel đã khiến phép màu làm nở hoa giữa sa mạc – những phép màu thực sự của khoa học công nghệ. Cựu tổng thống Israel, Shimon Peres, đã thốt lên khi đến thăm nơi này năm 2009: “Hãy đến và thấy chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng! (Garden of Eden)”.
Siêu cường công nghệ, năng lượng, khoa học, quốc phòng
Từ một nền kinh tế lạc hậu trở thành một siêu cường về công nghệ cao, Israel được mệnh danh là “Thung lũng Silicon ở Trung Đông”, nơi có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo Warren Buffett, Israel là “điểm thu hút đầu tư triển vọng nhất bên ngoài nước Mỹ”.
Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới mở đường đến đây và tìm thấy sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần sáng tạo và đoàn kết của người Israel. Israel có số lượng công ty khởi nghiệp nhiều thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ) và đứng thứ ba về số lượng công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sau khi khởi nghiệp thành công, nhiều công ty của Israel đã được bán lại và người Israel tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Israel có tỷ lệ doanh nhân bình quân đầu người cao hơn bất kì một quốc gia nào khác. Khoảng 10% doanh nhân Israel có ít nhất hai công ty trở lên, gấp đôi con số 5% ở Mỹ. Tương tự như vậy, có khoảng 7,5% các doanh nhân Israel khởi nghiệp từ ba công ty hoặc nhiều hơn, trong khi chỉ có 3,75% các doanh nhân Mỹ làm như vậy.
Israel cũng là nơi đặt những trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên ngoài nước Mỹ của các “đại gia” công nghệ như Intel, Microsoft, IBM, Google, Facebook và Apple. Các tỷ phú, doanh nhân, nhà tài phiệt tư bản… đều hết lời ca ngợi những thành tựu của nền kinh tế Israel. Vốn đầu tư bình quân đầu người ở Israel nhiều gấp 2,5 lần Mỹ, 30 lần so với Âu châu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ.
Đến những năm 1930 của thế kỷ trước, người Israel gần như độc quyền trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng nguyên tử, thậm chí thời kỳ đó người ta còn gọi ngành khoa học này là “ngành khoa học Israel”.
Israel là một trong bảy quốc gia có năng lực sản xuất đồng thời phóng vệ tinh của mình. Shavit là một tên lửa đẩy không gian do Israel sản xuất để phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Nó được phóng lần đầu vào năm 1988, biến Israel thành quốc gia thứ tám có năng lực phóng vệ tinh.
Israel hiện đang giữ vững tư cách là quốc gia công nghiệp phát triển duy nhất tại Trung Đông. Israel có bình quân thu nhập đầu người vào mức rất cao, với hạng 19 toàn cầu, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 30 trên thế giới – với dân số chỉ khoảng hơn 9 triệu người – theo GDP danh nghĩa ước tính cho năm 2020.
Israel cũng là quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm 2015, Israel đứng thứ 5 trong số các quốc gia sáng tạo nhất theo Chỉ số sáng tạo Bloomberg. Tỷ lệ người Israel tham gia nghiên cứu khoa học, và số tiền chi cho việc nghiên cứu so với GDP, đều nằm vào hàng cao nhất thế giới. Về tỷ lệ các nhà khoa học, kỹ thuật, và kỹ sư trên thế giới, Israel gần như dẫn đầu với 140/10.000 lao động. Trong khi đó, con số này là 85/10.000 ở Mỹ và 83/10.000 ở Nhật. Israel cũng là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về chế tác kim cương.
Israel dẫn đầu về phát triển năng lượng Mặt trời, đứng đầu thế giới về bảo tồn nước và năng lượng địa nhiệt. Trên 90% gia đình Israel sử dụng năng lượng mặt trời để làm nóng nước, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Về quốc phòng, tuy quân số không nhiều nhưng quân đội Israel đặc biệt tinh nhuệ. Họ nổi tiếng được huấn luyện tốt, có kỹ năng tác chiến và đội ngũ sỹ quan chỉ huy có trình độ chiến thuật cao. Đặc biệt, Israel có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển cực mạnh, có khả năng tự sản xuất vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao, là một đồng minh không thuộc khối NATO quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ, một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu về các trang thiết bị quân sự, chiếm 10% thị trường thế giới năm 2007.
Người Mỹ gốc Israel là một trong những cộng đồng dân cư quan trọng, có sự chi phối, sức ảnh hưởng lớn, lâu đời, sâu rộng nhất đối với nền kinh tế – chính trị Mỹ.
Israel luôn nằm trong top những quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới. Ở thời Trung đại, hơn 17% những nhà khoa học hàng đầu là người Israel, trong khi dân tộc Israel chỉ chiếm 1% dân số loài người. Israel dẫn đầu về số bằng phát minh trong ngành y tế và thuộc vào nhóm các quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới.
Lực lượng lao động có tư chất, trình độ học vấn, sự tin cậy cũng như kỹ năng nghề nghiệp cao, luôn nằm trong số các quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới với tỷ lệ công dân tốt nghiệp đại học luôn được xếp vào top đầu, đồng thời, phần trăm ngân sách chính phủ chi cho các hoạt động nghiên cứu – phát triển của Israel cũng đứng số 1 thế giới trong năm 2020.
Giáo dục
Israel có lẽ là dân tộc giàu có nhất trên thế giới nếu tính về tài năng. Có 1/3 triệu phú Mỹ, và 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ là người Israel. Khoảng những năm từ 1819-1835, người Israel nắm giữ 20% nền kinh tế của Đức mặc dù họ chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số. Vào năm 1952, 24% số sinh viên theo học tại trường Đại học Harvard là người Israel, tại Cornell là 23% và Princeton là 20% cho dù người Israel chiếm chưa đến 3% dân số.
Các trường đại học tại Israel được xếp hạng trong số 100 đại học hàng đầu thế giới về toán học, hóa học, khoa học máy tính và kinh tế. Israel có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel, và thường xuyên được xếp hạng là một trong các quốc gia có tỷ lệ bình quân cao nhất về các bài luận khoa học trên thế giới.
20% số giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ là người Israel. 40% số luật sư làm việc trong các hãng luật hàng đầu của Mỹ là người Israel. 34% người được nhận Giải Nobel vì Hòa bình là người Israel. Người Israel cũng điều hành những công ty thu âm hàng đầu, những đài phát thanh, nhà xuất bản lớn.
Trong khi ở Mỹ có khoảng 67% học sinh tốt nghiệp cấp ba vào được đại học, thì người Israel lại có đến 80% học sinh vào được đại học, trong đó có 23% vào được trường Ivy League – một nhóm trường đại học danh giá của Mỹ.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng người Israel có chỉ số IQ từ 117 đến 125, cao hơn 12 – 15 điểm so với nhóm không phải Israel. Nhóm người Mỹ gốc Israel được xem là nhóm có khả năng cao hơn 7 lần các nhóm khác về nguồn thu nhập và có tỉ lệ thấp nhất về sự phụ thuộc vào sự giúp đỡ của xã hội.
Israel nằm trong số các quốc gia dẫn dầu thế giới về kỹ thuật nước. Năm 2011, ngành kỹ thuật nước đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD mỗi năm với lượng xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ mỗi năm là hàng chục triệu USD. Do liên tục thiếu hụt tài nguyên nước, Israel có sáng kiến về các kỹ thuật bảo tồn nước, và một kỹ thuật hiện đại hóa nông nghiệp trọng yếu là tưới nhỏ giọt được phát minh tại Israel. Israel cũng ở vị trí hàng đầu về kỹ thuật khử muối và tuần hoàn nước.
Vùng Đất Thánh không chỉ là điểm đến của đoàn người hành hương trong nhiều thế kỷ nay mà còn thu hút nhiều đối tượng khác. CEO kiêm Chủ tịch Google, ông Eric Schmidt nói rằng Mỹ là điểm đến số một cho các doanh nghiệp, nhưng “sau Mỹ, Israel là nơi tốt nhất”. CEO của Microsoft, Steve Ballmer đã gọi Microsoft là một “doanh nghiệp Israel”, vì số lượng và vai trò trung tâm của đội ngũ nhân viên người Israel trong công ty này. Gần một nửa các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã mua lại các doanh nghiệp Israel.
Paul Smith – Phó Chủ tịch Philips Medical phát biểu: “Chỉ hai ngày ở Israel, tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội hơn phần còn lại của thế giới trong một năm”. Gary Shainberg – Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực sáng tạo và công nghệ của hãng viễn thông British Telecom nhận xét: “Israel có nhiều ý tưởng hoàn toàn mới – không phải loại ý tưởng bình mới rượu cũ – hơn cả Thung lũng Silicon. Và sức sáng tạo của họ chưa có dấu hiệu dừng lại ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới”.
Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra ở Israel?
Câu chuyện của nền kinh tế Israel đặc biệt gây tò mò khi xem xét tình trạng nghiêm trọng của quốc gia này trong nửa thế kỷ trước.
Tại thời điểm đó, nhà nước Israel non trẻ cùng lúc phải đối mặt với hai thử thách tưởng chừng không thể vượt qua: Chiến đấu cho nền độc lập và tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn di cư từ Âu châu và các quốc gia Ả-rập xung quanh. Lúc đó, mức sống trung bình của người dân Israel được so sánh là ngang bằng người Mỹ những năm 1800.
Làm thế nào mà một quốc gia khởi nghiệp như Israel không những tồn tại mà còn vươn mình từ một nơi tù túng bị bao vây để trở thành một cỗ máy công nghệ cao, đạt tăng trưởng hơn 50 lần trong vòng 60 năm? Làm thế nào mà một cộng đồng người tị nạn không xu dính túi chuyển mình từ vùng đất mà Mark Twain từng miêu tả là “một đất nước hoang vắng và thê lương một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới? Đây là điều chưa từng có trong lịch sử kinh tế thế giới.
Trong vòng 70 năm tồn tại, Israel vươn lên thành con rồng của Trung Đông và nhanh chóng lan tỏa sức ảnh hưởng đến thế giới. Người Israel vừa là người thành công nhất và cũng là người bị ngược đãi nhiều nhất trong tất cả các nhóm dân tộc trên trái đất. Hiện tượng phi thường này là do yếu tố thiên tài, hay bí mật ẩn chứa trong văn hóa Israel đã thúc đẩy họ thành công đến như vậy?
Những người Israel lưu vong, chạy trốn và sống sót sau những cuộc thảm sát trong Chiến tranh thế giới thứ II gầy dựng và bảo vệ đất nước Israel bằng chính sức lực của mình. Câu chuyện phát triển thần kỳ của Israel với những thành công tưởng chừng như không tưởng của đất nước nhỏ bé này khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Ngày nay, sự tài năng và chuyên môn kinh doanh của họ đã đưa họ đến những vị trí cao nhất trong cộng đồng kinh doanh toàn cầu. Đó là những luật sư đứng đầu, các bác sĩ tài năng và những nhà lãnh đạo thành công.
Làm thế nào một đất nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự?
Sự thù địch của môi trường xung quanh chưa bao giờ giảm. Israel đã bị tấn công bảy lần chỉ trong 60 năm đầu tiên kể từ khi lập quốc và bị cấm vận toàn diện về ngoại giao lẫn kinh tế. Không hề có lực lượng nước ngoài đến viện trợ. Làm thế nào để Israel chiến thắng kẻ thù áp đảo về mặt vũ khí?
Bằng cách nào mà một dân tộc chiếm 0,2 dân số thế giới lại có thể sản sinh ra vô số chủ nhân Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị – kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới?
Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể chi phối hành tinh? Làm thế nào mà một quốc gia 9 triệu dân, với chỉ hơn 70 năm tuổi lại trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, một tiểu quốc mà lại luôn làm chủ được cuộc chơi, luôn nắm thế thượng phong trước khối thù địch tôn giáo hơn 350 triệu người bủa vây?
Làm thế nào mà một quốc gia có tài nguyên thiên nhiên bằng không, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi; nước ngọt thiếu trầm trọng, trong điều kiện thiếu đất – thiếu nước – thiếu người lại trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp. Bí mật nào biến đất nước này thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trọng yếu của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới.
Những bí ẩn bao quanh sự phát triển thần kỳ của Israel vẫn còn là thách thức với thế giới. Nguồn gốc trí tuệ của họ xuất phát từ đâu? Vì sao họ vẫn sống sót một cách kỳ lạ khỏi sự tận diệt của hầu hết những đế quốc hung bạo nhất thế giới và trở nên hùng cường ngoạn mục?
(Còn tiếp)
Đan Thư
Nguồn tham khảo:
- Dan Senor & Saul Singer, Quốc gia khởi nghiệp Wikipedia:
- 5 quốc gia chi nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển
- ISRAEL – Education at a Glance 2013
- OECD report: Israel has large expenditure on education but lower spending per student.
- WEF Global Competitiveness Report 2015-2016: Israel rated 3rd most innovative country in the world
- Israel ranked 7th most innovative country in the world for 2021
- “WHO: Life expectancy in Israel among highest in the world”
- Người Do Thái ở Mỹ – lực lượng quyết định chính sách của Mỹ tại Trung Đông
- Ambitious Israeli students look to top institutions abroad
- Intellectual Capital for Communities: Nations, Regions, and Cities.
- Inside Israel’s Secret Startup Machine
- Intel to expand Jerusalem R&D
- Bloomberg: Israel Is World’s 5th Most Innovative Country, Ahead Of US, UK
- Israel’s scientific fall from grace: Study shows drastic decline in publications per capita”.
Xem thêm: