Giải mã Israel (P7): Tài nguyên quý giá nhất là con người
Năm 1899 Mark Twain đã viết một bài đăng trên Tạp chí Harper, trong đó có đoạn:
Nếu các thống kê là chính xác, thì người Do Thái đã đóng góp 1% trong dòng giống loài người. Nó giống như hạt bụi nhỏ trong đám lửa của dải Thiên Hà vô định. Họ xuất chúng và nổi bật giống như bất kỳ các dân tộc khác, và điều quan trọng trong kinh doanh của họ là sự tỉ lệ nghịch với số dân nhỏ bé của họ. Những đóng góp của họ vào danh sách các tên tuổi lừng danh trên thế giới trong lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, tài chính, y tế đều tỉ lệ nghịch với những điểm yếu trong dân số của họ… Những người Do Thái có sự đoàn kết dân tộc, nguồn năng lượng không ngừng nghỉ, sự tỉnh táo và tinh thần kiên định không bị lu mờ. Mặc dù họ phải đương đầu với rất nhiều thế lực mạnh nhưng họ vẫn tồn tại. Vậy bí mật trong sự bất tử của họ là gì?”
Israel có khoảng 14 triệu người, chỉ chiếm 0,2 % tổng dân số thế giới thế nhưng trong các lĩnh vực chính trị nghệ thuật khoa học và tư tưởng của nhân loại cứ 10 nhân vật hàng đầu thì có một người Do Thái.
Sự thành công đáng kinh ngạc của người Do Thái trong lịch sử đã trở thành điều bí ẩn và được nghiên cứu qua nhiều thế hệ và từ nhiều góc độ. Có thể chính vì xuất sắc quá mà người Do Thái phải chịu rất nhiều đố kỵ. Nhưng lẽ nào người Do Thái bẩm sinh đã xuất sắc hơn các dân tộc khác? Tại sao người Do Thái lại đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, luật, khoa học chính trị, công nghiệp giải trí…?
Con người – vốn liếng quý nhất
“Trí tuệ là tài sản vĩ đại nhất của một con người và khả năng giành được tài sản này hoàn toàn nằm trong khả năng của ta, ở bất cứ nơi đâu và từ bất cứ người nào. Học hỏi từ bất cứ ai có thể có ích cho ta là một điều cực kỳ đáng giá.” (Ngạn ngữ Do Thái)
Đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch, dân số ít ỏi. Hành trình cổ xưa từ Ai Cập đến nhà nước Israel, dân tộc Do Thái đã phải băng qua sa mạc khổng lồ, và khi quay về, ngôi nhà của họ vẫn là hoang mạc. Như những con người nghèo khó trở về ngôi nhà trên mảnh đất tồi tàn của mình, người Israel phải xây dựng lại từ đầu, và họ đã khám phá sự giàu có trong chính tình cảnh khan hiếm tài nguyên đến tuyệt vọng. Vốn liếng duy nhất mà họ có thể sử dụng chính là Con Người.
Lực lượng lao động có tư chất, đáng tin cậy, trình độ học vấn cao cũng như kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ công nghệ cao và phát triển kinh tế thần kỳ tại Israel. Câu chuyện về Israel là về những con người dẫn đầu, tiên phong vĩ đại, những tư tưởng vượt tầm thời đại, thúc đẩy sự phát triển thần kỳ của Israel.
Trong suốt lịch sử của mình, có quá nhiều điều chống lại họ, và chắc chắn là may mắn không hề đứng về phía họ. Rõ ràng trong trường hợp của người Israel, sự thành công của họ gắn liền với trí tuệ. Người Do Thái được cho rằng bẩm sinh có trí thông minh vượt trội. Điều đó thì chưa chắc chắn. Nhưng điều có thể chắc chắn là, khó dân tộc nào nhiệt tình tâm huyết với việc học hơn người Do Thái.
Ai cũng có một khao khát cơ bản là được hiểu biết nhưng không phải xã hội nào cũng ưu tiên cho giáo dục. Nhiều người thấy đầu tư vào phát triển kinh tế sẽ có nghĩa hơn nhiều so với đầu tư vào sách vở. Nhưng người Do Thái thì khác.
Đối với người Israel, có thể sống mà không có vật chất nhưng không thể sống trong sự ngu dốt. Trong suốt lịch sử, người Do Thái luôn sống ở những nơi tồi tàn, dưới mức nghèo khổ. Một đứa trẻ Do Thái có thể không có nổi một miếng thịt nhưng không thể không có sách vở. Đề cao việc học hành là một giá trị rất quan trọng đối với người Do Thái.
Tại sao việc học lại quan trọng với người Israel
Cuộc sống lưu vong và luôn bị cướp bóc cũng như hạn chế hay cấm quyền sở hữu đất đai, tài sản, khiến người Do Thái hiểu rõ rằng, tài sản vật chất là thứ không bền vững, có thể bị mất bất kỳ lúc nào và cũng chẳng dễ dàng đem theo khi lang bạt tứ xứ. Nhưng họ không quên lời hứa với Thiên Chúa rằng một ngày kia họ sẽ trở về mảnh đất quê hương mình. Họ sẽ tạo dựng một vùng đất “đầy hoa và mật” như lời Thiên Chúa dặn.
Vậy thì họ phải chuẩn bị hành trang để sẵn sàng cho kế hoạch đó. Hành trang đó, đối với họ, chính là tri thức, trí tuệ, và chính cuộc đời lưu vong mấy ngàn năm giúp họ hiểu rằng tài sản vô giá và không thế lực nào có thể cướp được chính là trí tuệ, tri thức.
Giáo dục trong cảnh lưu đày
Trong mấy ngàn năm lưu vong, sự học hành của họ bị hạn chế. Ngay đầu thế kỷ XX mà ở Nga, trẻ con Do Thái cũng khó kiếm được một chỗ học. Chính phủ Nga dùng một chính sách xảo trá, ra một sắc lệnh cho các trường Trung học chỉ được thu một số học sinh Do Thái bằng 10% số học sinh theo Kitô giáo, trong khi số dân Do Thái trong thành phố chiếm từ 30 đến 80%. Trong hoàn cảnh lưu đày, bị hạn chế tiếp cận giáo dục, người Do Thái làm thế nào để học hành và trau dồi trí tuệ?
Ở Âu Châu, người Do Thái bị cưỡng chế cách ly ở một nơi khu vực, đây là chính sách phân biệt chủng tộc, nhưng chính sự quần cư ở cùng một nơi khiến người Do Thái có thể giúp đỡ lẫn nhau giáo dục thể hệ sau tốt hơn. Chính sách kìm hãm này cũng giúp người Do Thái ở khu cách ly xác lập thể chế tự trị, họ không cần phải vương vấn với thế giới bên ngoài. Đằng sau các trại tập trung (Ghetto), họ vẫn duy trì những tập tục và bản sắc văn hóa mạnh mẽ. Đó chính là cách để họ tồn tại.
Từ thế kỷ 8, trong khi dân trí của các dân tộc tại Trung Đông và Châu Âu còn thấp kém, người Do Thái đã trở thành một nhóm thiểu số biết đọc biết viết và làm những công việc đòi hỏi phải có hiểu biết và tay nghề như nghề thủ công, lái buôn cho vay lãi, doanh nghiệp ngân hàng, tài chính luật sư bác sĩ, học giả tại hàng trăm các đô thị rải rác khắp Châu Âu Châu Phi và Châu Á, từ Tây Ban Nha tới Ấn Độ. Đặc biệt giai đoạn phát triển hoàng kim của các cộng đồng Do Thái lưu vong từ thế kỷ 8 cho đến thế ký 12 đã để lại cho Do Thái một di sản trí tuệ bền vững và xuyên suốt qua nhiều thế kỷ.
Trước thời kỳ Phục Hưng tỷ lệ mù chữ ở Châu Âu lên tới 80-90% dân số. Vậy mà từ hàng ngàn năm trước CN, trẻ em Do Thái hầu hết biết đọc biết viết, và khi lưu lạc ở châu Âu, người Do Thái cũng có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao hơn người bản địa.
Thật mỉa mai khi một dân tộc từng đàn áp, tận diệt bởi sự kỳ thị rằng họ là một dân tộc “thấp kém” – giờ đây lại là quốc gia đi đầu trong cộng đồng học thuật quốc tế. Trong một khảo sát toàn cầu năm 2008, tạp chí Scientist nêu tên hai học viện của Israel – Học viện Weizmann và Đại học Hebrew ở Jerusalem – là hai “nơi tốt nhất để làm việc trong các học viện” bên ngoài nước Mỹ.
Một nghiên cứu của hai học giả Pháp, xếp hạng các quốc gia ngoài Mỹ dựa theo số bài báo đăng trên các tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới từ năm 1971 đến 2000. Trong đó, nước Anh – bao gồm trường Kinh tế London, Oxford, và Cambridge – đứng thứ hai. Dựa trên số bài báo/lượng người nghiên cứu, nước Đức chưa bằng một nửa Anh, và Israel đứng đầu. Không phải là hơn 5% hay 10%, mà gấp 7 lần.
Với số dân ít ỏi, người Israel tập trung vào việc sử dụng trí óc, sau đó mới đến chân tay. Đó là một lý do nữa giải thích tại sao hầu hết họ thành công trong những ngành ít đòi hỏi vận động mà chủ yếu đòi hỏi trí óc như y khoa, thương mại, luật, v.v… Đó cũng là lý do tại sao có rất ít vận động viên nổi tiếng người Do Thái.
Đầu tư tri thức trước hết
Thật là nghịch lý khi tại một mảnh đất với dân số quá thưa thớt, một mảnh đất mà mọi thứ vẫn còn dang dở, mảnh đất phải vật lộn cho những thứ đơn giản như máy cày, đường xá và bến cảng, vậy mà người Israel đã bắt đầu bằng cách tạo ra một trung tâm của sự phát triển tinh thần và trí tuệ. Các trường đại học ưu tú ở được thành lập trước khi nhà nước Israel ra đời.
Đại học Hebrew ở Jerusalem khánh thành từ năm 1918. Hội đồng quản trị đầu tiên của trường Hebrew bao gồm Weizmann, Tổng thống đầu tiên của Israel, Albert Einstein, Sigmund Freud, và Martin Buber. Technion được thành lập năm 1912 và nhận sinh viên năm 1924, năm 1934 là Học viện Khoa học Weizmann theo sau đó vào năm 1934, và năm 1956 là Đại học Tel Aviv – trường đại học lớn nhất Israel ngày nay.
Vào cuối những năm 1950, dân số Israel mới chỉ khoảng 2 triệu người nhưng đất nước này đã gieo mầm bốn trường đại học hàng đầu thế giới và 7 trường nằm trong số 100 trường hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không trường nào trong số này là cơ sở vệ tinh của một trường đại học nước ngoài.
Các viện nghiên cứu của Israel cũng là những nơi đầu tiên trên thế giới thương mại hoá các khám phá học thuật. Năm 1959, Học viện Weizmann thành lập Yeda (tiếng Israel là “tri thức”) để đưa ra thị trường những nghiên cứu của họ. Kể từ đó Yeda đã cho ra đời thành công hàng nghìn sản phẩm công nghệ y khoa và các công ty. Từ năm 2001 đến 2004, học viện đã thu về hơn 200 triệu USD từ doanh thu bản quyền. Năm 2006, Yeda xếp đầu bảng về thu nhập bản quyền trong số các viện học thuật trên thế giới.
Theo quy định, cứ đến 18 tuổi, người Israel vào quân đội tối thiểu từ 2 đến 3 năm. Nếu sau đó không tiếp tục tại ngũ, họ thường vào Đại học. Tỷ lệ người Israel vào Đại học sau khi giải ngũ rất lớn. 45% người Israel tốt nghiệp Đại học. Vào những năm 2000, con số này ở mức cao nhất thế giới. Israel được đánh giá là quốc gia có môi trường giáo dục hiệu quả, đáp ứng hầu hết nhu cầu thị trường lao động. Khi sinh viên học xong Đại học, họ đã ở vào độ tuổi khoảng 25, một số đã có luôn bằng Thạc sỹ và đa số đã kết hôn.
Giáo dục là mật ngọt
Thiên Chúa gọi Miền đất hứa là vùng đất đầy sữa tươi và mật ngọt, điều này để ám chỉ đến sự giàu có của miền đất và đó là một thành ngữ của người Israel về sự giàu có. Người Israel cho rằng việc nghiên cứu Kinh Torah được so sánh với sữa tươi và mật ngọt vì từ ngữ trong đó còn ngọt hơn cả mật.
Người Israel sẽ lấy mật ong và bôi vào vòm miệng của đứa trẻ mới sinh. Theo truyền thống Do Thái, ngày đầu tiên đứa trẻ đến trường sẽ được nhìn thấy một phiến đá có chép hai đoạn Kinh Thánh – sách Lêvi chương 1 câu 1 và sách Đệ nhị luật chương 33 câu 4, cùng với đó là các ký tự trong bảng chữ cái và câu nói: “Lề luật của Chúa là khuynh hướng của tôi”.
Giáo viên sẽ đọc các từ trên phiến đá và trẻ em sẽ đọc lại những từ đó. Sau đó, phiến đá sẽ được bôi một lớp mật ong và giáo viên sẽ liếm mật ong trước mặt những đứa trẻ. Sau đó, mỗi đứa trẻ sẽ được phát những chiếc bánh ngọt có viết Kinh Thánh ở trên. Trong Kinh Torah có 613 điều răn mà người Israel phải vâng theo và các giáo trưởng không muốn những đứa trẻ xem lề luật của Chúa chỉ chứa đầy những lời cảnh báo và điều răn tiêu cực. Họ muốn tinh thần và trí tuệ mong manh dễ vỡ của những đứa trẻ sẽ lĩnh hội lề luật của Người thật ngọt ngào. Vì vậy, bài giảng minh họa này sẽ tạo ra ấn tượng lâu dài trong trí óc của những đứa trẻ.
Xem thêm: