Giải mã biệt ngữ của giới chức Trung Cộng (Phần 1)
Khi đề cập đến ám ngữ hay ẩn ngữ, đầu tiên người ta sẽ liên tưởng ngay đến những băng đảng xã hội đen trong các bộ phim mafia của Hollywood trước đây. Ở nửa kia của thế giới, Trung Cộng ngày nay không chỉ có những giá trị khác biệt với các quốc gia khác, mà họ còn có một bộ biệt ngữ phục vụ nhu cầu của họ trong các cuộc tranh chấp nội bộ, sử dụng các thuật ngữ mà thường chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.
Việc đọc hiểu được ngôn ngữ không chính thức như vậy là để hiểu sâu sắc hơn về Trung Cộng. Chuyên mục này sẽ tập trung vào việc giải mã ngôn từ rất đặc thù của Trung Cộng và ẩn ý đằng sau những tuyên bố của họ.
Trước tiên, chúng ta hãy xem xét tuyên bố của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường sau trận lũ lụt kỷ lục gần đây ở Trung Quốc. Ông Lý, người quyền lực thứ hai trong Trung Cộng, đã tuyên bố, “Các vị phải dừng lại những gì các vị phải dừng; các vị phải bịt kín những gì các vị phải niêm phong.”
Hôm 20/07, miền trung của tỉnh Hà Nam đã trải qua thời tiết khắc nghiệt bao gồm mưa lớn và lũ lụt. Các quan chức ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, đã không đưa ra cảnh báo nào cho người dân nói rằng họ sẽ xả nước từ các con đập ở thượng nguồn, mà việc này sau đó gây ra các vấn đề ngập lụt nghiêm trọng trong thành phố.
Một tàu điện ngầm và các đường hầm bị ngập chỉ trong vòng vài phút và nhiều người bị mất đi tính mạng hoặc bị mất đi sinh kế. Nguồn cung cấp điện và nước sạch đã bị cắt trong hơn 90 giờ và người dân địa phương sống một cuộc sống ảm đạm và mất kết nối trong một thời gian ngắn.
Đường hầm bộ Kinh-Quảng phía Bắc trên Tuyến đường Cao tốc Kinh-Quảng nối Bắc Kinh và Quảng Châu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoảng 6 giờ chiều ngày 20/07, đường hầm dài 1.14 dặm (1.8 km) và cao 20 foot (6 m) đã hoàn toàn chìm trong nước. Mặc dù đã kéo được 247 phương tiện ra khỏi đường hầm sau sáu ngày sơ tán nhưng các quan chức khẳng định chỉ có sáu người thương vong.
Để đáp lại điều mà Trung Cộng gọi là trận lụt “ngàn năm mới có một lần,” cho đến nay vẫn chưa có quan chức cao cấp nào đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng. Ông Lý Khắc Cường, người chịu trách nhiệm về phòng chống và kiểm soát thiên tai, cũng đã im lặng một cách bất thường về vấn đề này trong một thời gian. Cho đến sáu ngày sau, vào ngày 26/07, ông mới bắt đầu một cuộc họp với Ủy ban Kiểm soát Thiên tai.
Ông thông báo rằng, trong trường hợp khẩn cấp, ngoại trừ các công việc thuộc ngành dịch vụ đặc biệt, thì mọi hoạt động liên quan đến công việc, trường học và xây dựng phải được dừng ngay lập tức. Cũng cần phải có các biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện để bảo đảm an toàn cho các tàu điện ngầm và đường hầm, nơi “thay vì thực hiện điều này một cách quá mức; [thì] các vị phải dừng lại những gì các vị phải dừng; các vị phải bịt kín những gì các vị phải niêm phong.”
Ông Lý cũng nhấn mạnh “tính công khai và minh bạch” về những thông báo chính thức và những cập nhật về tình hình cũng như củng cố các cơ chế cảnh báo sớm.
Ông ấy có ý gì khi nói rằng, “Các vị phải dừng lại những gì các vị phải dừng; các vị phải bịt kín những gì các vị phải niêm phong.” Điều này tưởng như là những lời nói lông bông không có trọng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lý đang đổ lỗi cho các quan chức địa phương ở tỉnh Hà Nam cũng như thành phố Trịnh Châu, và ngụ ý rằng “thảm họa thiên nhiên” là do con người tạo ra.
Vậy tại sao ông Lý không nói điều này một cách công khai? Trong văn hóa của Trung Cộng, các quan chức phải thật cẩn thận về những gì họ nói. Họ không chỉ cần truyền tải thông điệp mà còn cần phải để lại một khoảng hòa hoãn cho bản thân, và cũng không được làm mất lòng những người khác.
Cụ thể về vấn đề này, ông Lý không thể nhận hết lỗi về mình cũng như [không thể] thừa nhận rằng chính ông là một nhà lãnh đạo kém cỏi, nhưng ông ta cũng không thể thẳng tay hạ bệ những người dưới quyền của mình, như Bí thư Thành ủy Trịnh Châu Hứa Lập Nghị (Xu Liyi) và Thị trưởng Hầu Hoành (Hou Hong) đều do chính ông Tập Cận Bình lựa chọn.
Người Trung Quốc có một câu thành ngữ, tựa như ‘đánh chó ngó chủ.’
Bên cạnh đó, tuyên bố của ông Lý mang một sự linh hoạt rất lớn. Lời nói của ông mà nặng, có thể ám chỉ rằng các quan chức có trách nhiệm ở thành phố Trịnh Châu có thể bị truy tố. Lời nói của ông mà nhẹ, thì đó chỉ là nhắc nhở nhẹ nhàng. Bất luận tương lai ông ấy có đối diện với tình huống nào chăng nữa, ông Lý có thể đóng vai cảnh sát tốt và cả vai cảnh sát xấu. Ông ta có thể thay đổi (tấn công, rút lui, hay phòng thủ) tùy theo tình hình.
Đối với những quan chức Hà Nam này, những lời nói của ông Lý chắc chắn sẽ khiến họ rất khó chịu. Họ đang cố gắng tìm ra ý nghĩa ngầm ẩn sau những lời nói này. Nếu dân chúng trở nên rất tức giận với họ, liệu họ có phải hy sinh để xoa dịu cơn thịnh nộ của người dân không? Các vị quan chức địa phương này sẽ có một vài đêm ngủ không yên giấc.
(Còn tiếp)
Tác giả Sherry Qi là phó tổng biên tập Tạp chí New Era. Bà đã theo sát chế độ quan liêu hành chính này của Trung Cộng hơn mười năm và đã xuất bản hàng chục cuốn sách về các vấn đề thời sự và kinh tế tiết lộ những bí mật của họ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Sherry Qi thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times
Xem thêm: