Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với trẻ con?
Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất mà tôi đã trải qua khi sống ở Hồng Kông là trẻcon đi ngủ rất muộn vào ban đêm. Báo chí thường đăng bài viết về mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu ngủ. Rõ ràng, đó là một vấn đề kinh niên và cấp bách. Theo nhiều phụ huynh, một phần nguyên nhân là do lượng bài tập về nhà, số lớp học thêm ngoài giờ của học sinh, và do phụ huynh đi làm về muộn vào ban đêm.
Tôi xin được chia sẻ những thông tin tôi thu thập được từ các chuyên gia về chủ đề này.
Con tôi cần ngủ bao lâu?
Điều này phụ thuộc vào độ tuổi và các đặc điểm cá nhân khác. Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ con mới biết đi cần ngủ 12-14 giờ mỗi ngày. Điều này giảm dần khi đứa bé từ bỏ giấc ngủ ngắn ban ngày và ngủ ít hơn vào ban đêm.
Làm cách nào để biết con tôi có bị thiếu ngủ hay không?
Tính cách cáu kỉnh, dễ thất vọng, hay nổi cáu và hiếu động thái quá đều có thể báo hiệu rằng con bạn ngủ không đủ giấc. Tuy nhiên, với một số đứa trẻ, các dấu hiệu hành vi này khó nhận biết hơn. Nếu con bạn có vẻ nóng tính, nhưng khó thức dậy vào mỗi buổi sáng, ngủ bất cứ khi nào có cơ hội, hoặc ngủ gật vào buổi chiều, có lẽ con bạn cần ngủ thêm.
Một số đứa trẻ ngủ gật mỗi khi chúng lên xe hoặc bất cứ khi nào chúng ngồi xem TV. Những đứa trẻ khác thậm chí không thể chờ đợi được đến một nơi thích hợp [để ngủ]. Trong một cuộc khảo sát do Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation) thực hiện, có 15% trẻ em ngủ gật ở trường. Những đứa trẻ thường ngủ gật trong giờ dạy kèm.
Con tôi dường như ngủ đủ giấc, nhưng khó thức dậy vào buổi sáng. Vì sao?
Nếu đứa con 9 tuổi của bạn ngủ 10 tiếng vào ban đêm, nhưng vẫn không muốn thức giấc, có lẽ con cần khoảng 11 tiếng để ngủ. Hoặc có thể con đã ngủ số giờ phù hợp, nhưng chất lượng giấc ngủ của bé không đạt.
Một nguyên nhân có thể là do chứng ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng đến 2% trẻ em. Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng có thể khiến đường hô hấp trên của đứa trẻ bị tắc nghẽn liên tục trong đêm khiến bé khó thở. Bạn có thể nghe thấy tiếng ngáy hoặc những khoảng thời gian yên tĩnh ngắn xen kẽ với tiếng ngáy. Mỗi lần tắc đường thở, đứa bé lại thức dậy để chuyển tư thế, làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu bạn cho rằng con mình có thể bị ngưng thở khi ngủ, hãy nói chuyện với bác sỹ nhi khoa.
Mất ngủ ảnh hưởng đến con tôi như thế nào?
Ngoài những thay đổi về hành vi đã đề cập ở trên, điểm số của con bạn có thể bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ đạt điểm kém ngủ ít hơn những đứa trẻ đạt điểm A và B. Ít nhất, giáo viên của con bạn có thể cho rằng con bạn lười biếng hoặc học chậm nếu con ngủ gật trong giờ học.
Làm cách nào để con tôi đi ngủ sớm hơn?
Nếu con bạn chưa có thói quen đi ngủ, hãy thiết lập một thói quen. Chọn thời điểm gần với giờ đứa trẻ đi ngủ. Giờ đi ngủ nên thư giãn, cũng là một cách để cơ thể hoạt động chậm lại và chuẩn bị cho giấc ngủ. Tắm bồn, [đọc/kể] một câu chuyện, dành một khoảng thời gian yên tĩnh với bạn… tất cả sẽ trở thành tín hiệu cho đứa trẻ rằng một ngày đã kết thúc. Khi bạn đã lập được thói quen, hãy thực hiện sớm hơn vài phút mỗi tối cho đến khi con đi ngủ vào một giờ hợp lý và dễ dàng thức dậy vào buổi sáng.
Những đứa trẻ trong tuổi mới lớn có thể khiến bạn phải bận tâm hơn đến giờ đi ngủ của chúng. Ở giai đoạn này, cuộc sống của đứa trẻ phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn cho: bài tập về nhà, cuộc sống xã hội, các hoạt động sau giờ học, và có thể là một công việc bán thời gian. Đứa trẻ cũng muốn phát huy tính tự lập của mình và giờ đi ngủ là một cơ hội để con có thể làm được điều đó. Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu về giấc ngủ tin rằng thời gian ngủ của thanh thiếu niên có xu hướng muộn dần một cách tự nhiên, vì vậy có thể có một lý do sinh học cho việc thức khuya.
Thật không may, những đứa trẻ mới lớn vẫn phải thức dậy để đi học. Mặc dù bạn không thể thay đổi xu hướng sinh học của con, nhưng bạn có thể giúp con ngủ một giấc. Nếu đứa trẻ không mệt vào ban đêm, bạn hãy cứ nhấn mạnh rằng con vẫn cần đi ngủ đúng giờ. Đề nghị con hãy đọc sách hơn là trò chuyện trực tuyến hoặc xem TV. Đánh thức con vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, để con dễ buồn ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, hãy bảo đảm rằng con bạn không dùng caffeine vào cuối ngày, vì nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nếu con tôi không ngủ đủ giấc trong tuần, liệu con tôi có thể ngủ thêm vào cuối tuần không?
Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều thanh thiếu niên đang thiếu hụt 2 giờ ngủ mỗi đêm trong tuần. Điều đó có nghĩa là mỗi cuối tuần chúng cần ngủ thêm 10 tiếng và chúng chỉ còn một ít thời gian cho các hoạt động khác trong ngày. Ngay cả khi con bạn có thể ngủ bù, đó cũng không phải là một ý kiến hay. Nếu trẻ ngủ trễ vào thứ Bảy và Chủ nhật, có lẽ, con sẽ không mệt vào buổi tối Chủ nhật, vì vậy con sẽ lại bắt đầu tuần mới không ổn định.
KHÔNG BAO GIỜ có một lựa chọn cố định cho thời gian đi ngủ. Theo bà Barbara Coloroso, chuyên gia về hành vi cho biết, con bạn chỉ có thể lựa chọn mặc bộ đồ ngủ màu đỏ hay màu xanh, còn điều quan trọng là phải ngủ đúng cách.
Điểm mấu chốt là làm cha mẹ, bạn không thể giúp con học hiệu quả nếu đứa trẻ mệt mỏi và không ngủ đủ giấc!
Pat Kozyra là tác giả của “Lời khuyên và những thông tin thú vị cho phụ huynh và giáo viên – 50 năm đứng lớp và chia sẻ những gì tôi đã học được”. Sách được bán tại Amazon.com, Barnes và Noble.com, các cửa hàng cho trẻ em ở Hồng Kông, Swindon Books, Kelly & Walsh (Pacific Place) và Beachside Bookstore ở Stanley. Để được tư vấn về chủ đề dạy học và làm cha mẹ, hãy gửi email tới [email protected].